Tìm hiểu một số nội dung về "Đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, vượt khó" tại Chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023

Ngày đăng : 08:03, 27/07/2023

(Kiemsat.vn) - Ngày 27/12/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-VKSTC phát động phong trào thi đua yêu nước trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023”. Bài viết tìm hiểu về một số nội dung này.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân.

1. Đoàn kết

Đoàn kết có thể hiểu là sự tập hợp mọi cá nhân trong tập thể kết thành một khối thống nhất trong cả tư tưởng lẫn hành động, từ đó tạo thành sức mạnh thực hiện mục tiêu chung tốt đẹp.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), đoàn kết chính là sợi dây kết nối mọi người lại với nhau từ đó tạo động lực và thúc đẩy nhau cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chung. Sự gắn bó mật thiết giữa các cá nhân với nhau tạo nên sức mạnh tuyệt vời để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Để từng công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị có thể gắn kết tư tưởng và hành động, hòa thành một khối thống nhất chung, đòi hỏi chúng ta phải chung sức đồng lòng thực hiện một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, đề ra mục tiêu rõ ràng, có thể thực hiện được, phân công cụ thể:

Đoàn kết trước hết đòi hỏi mọi người phải có nhận thức chung về một mục tiêu nhất định. Do đó, yêu cầu lãnh đạo cơ quan cần đề ra mục tiêu nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, khi mọi người đã nắm được mục đích thì từng đơn vị cấu thành, từng cá nhân sẽ biết mình phải làm gì, cần phấn đấu ra sao để hoàn thành mục tiêu chung của cơ quan; giúp cá nhân và các đơn vị cấu thành không bị phân tán, đi chệch hướng. Nếu không có một mục tiêu chung nhất định thì sẽ không thể nào phát huy sức mạnh của mỗi thành viên, ảnh hưởng đến trọng tâm công việc. 

Mục tiêu đặt ra cần phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị, có khả năng thực hiện được và không bị quá sức với cá nhân trong cơ quan, đơn vị. Ngoài mục tiêu chung cần có những mục tiêu, phân công nhiệm vụ, yêu cầu cần đạt được cụ thể với từng cá nhân. Mục tiêu cụ thể của mỗi cá nhân phải cấu thành mục tiêu chung của tập thể, tránh tình trạng lãnh đạo không bao quát được công việc nên phân những việc không đúng trọng tâm nhiệm vụ, “vẽ việc” gây lãng phí thời gian, nhân lực, giảm hiệu quả sức mạnh chung của cả tập thể. Đương nhiên, từng cá nhân trên cơ sở nhiệm vụ được giao cũng phải đặt mục tiêu cụ thể để hoàn thành đáp ứng kịp thời theo yêu cầu đòi hỏi.
Các đơn vị cấu thành phải cùng nhau hoàn thiện quy trình làm việc chung, có mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, kế thừa và kết nối kết quả công việc giữa các bộ phận, giảm thiểu trùng lắp hoặc sai sót gây ách tắc tiến độ công việc chung của cơ quan.

Thứ hai, hiểu việc, chia sẻ giúp đỡ nhau, tăng cường khối đoàn kết:

Phải quán triệt để từng cá nhân trong cơ quan, đơn vị hiểu rõ vị trí của mình, mục tiêu nhiệm vụ của bản thân và vai trò của nó trong mục tiêu chung của tập thể. Có nhận thức chung về mục tiêu của tập thể, từng người sẽ hiểu hơn về nhiệm vụ của mình, cần phấn đấu ra sao để đóng góp công sức của mình vào mục tiêu chung; hiểu rõ sức mạnh đoàn kết và cố gắng phát huy tinh thần đó trong cơ quan, đơn vị, đặt lợi ích chung lên trên, sẵn sàng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, thử thách, cùng nhằm đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp ý điều chỉnh khi đồng nghiệp có sai sót, chệch hướng, tránh việc đoàn kết xuôi chiều đi chệch mục tiêu chung; đồng thời ngăn chặn mọi hành vi chia rẽ khối đoàn kết với mục đích xấu, trục lợi cho cá nhân.

Thứ ba, tạo môi trường bình đẳng:

Bình đẳng, đoàn kết không phân biệt trên dưới, giới tính, lứa tuổi, không phân biệt các đơn vị cấu thành, đoàn kết mọi thành viên, đoàn kết các tập thể trong cơ quan thành một khối vững chắc trên cơ sở tôn trọng nhân cách, chức trách nhiệm vụ, vai trò của từng thành viên, từng tập thể; thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản, bảo đảm hài hòa lợi ích tối cao của tập thể và những lợi ích chính đáng của từng cá nhân.

Mọi người trong tập thể cùng nhau cố gắng làm việc, nếu không có sự bình đẳng thì rất dễ gây ra bất hòa, tranh cãi, bất mãn... từ đó, mất đoàn kết và hiệu suất công việc của tập thể cũng sẽ bị kéo xuống. Do đó, cần phải duy trì thưởng phạt công minh, để tạo động lực cho mỗi cá nhân cố gắng thi đua hoàn thành mục tiêu chung của tập thể.

2. Gương mẫu

Theo từ điển Tiếng Việt, người gương mẫu là người có nhận thức, thái độ, hành động đúng đắn và đi đầu, mở đường trong các phong trào, các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội nhằm đem lại nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng, cho cuộc sống của nhân dân.

Nội dung chính của tính gương mẫu: Có nhận thức đúng đắn, có bản lĩnh hành động trước những khó khăn, dám chịu trách nhiệm công việc mình làm, suốt đời phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, luôn luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” ; Người cũng khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn truyên truyền”.

Để phát huy vai trò gương mẫu, từng công chức, viên chức và người lao động nhất là công chức lãnh đạo, quản lý trên mọi phương diện phải thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật… thông qua một số nội dung cụ thể như: (1) Trước tiên, từng cá nhân trong cơ quan, đơn vị phải luôn phấn đấu, rèn luyện để có lập trường tư tưởng vững vàng, không để xảy ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; (2) Tích cực “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; gương mẫu về ý thức tổ chức kỷ luật trong thực hiện chế độ sinh hoạt Đảng, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị, làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; gương mẫu trong đoàn kết, xây dựng khối đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, chân thành học hỏi, chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp; gương mẫu trong tự phê bình và phê bình, dám đấu tranh, không né tránh, chống các biểu hiện “chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ”, chống “tư tưởng cục bộ và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, vì lợi ích cá nhân”, dũng cảm nhận trách nhiệm và sửa chữa khuyết điểm…; (3) Trong công tác chuyên môn, lãnh đạo cơ quan đơn vị luôn luôn gương mẫu đi đầu, “công việc làm trước, khen thưởng nhận sau”, từng cá nhân nêu gương bằng cách phấn đấu hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thường xuyên nghiên cứu, học tập nắm vững đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quy định về nghiệp vụ để bản thân quán triệt, thực hiện cho đúng đồng thời vận dụng trong công việc, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn với cấp dưới, địa bàn phụ trách, đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác. Nêu gương bằng việc tìm tòi, đề xuất sáng kiến, đổi mới quy trình, nội dung, cách thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

3. Trách nhiệm

Theo từ điển Tiếng Việt, trách nhiệm là điều phải làm, phải gách vác hoặc là phải nhận lấy về mình. Trong công việc, có thể hiểu trách nhiệm là việc phải hoàn thành những nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất,  đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng, khối lượng và kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh và đề xuất phương án giải quyết.

Người có trách nhiệm luôn biết quý trọng thời gian, biết cách lập kế hoạch để quản lý và phân bổ thời gian hợp lý; luôn nỗ lực và cố gắng vì lợi ích chung của tập thể, biết cách giải quyết các vấn đề của mình để không ảnh hưởng đến người khác, lan tỏa năng lượng tích cực đến những người xung quanh, tôn trọng và học hỏi từ mọi người trong tập thể. Khi có trách nhiệm, chúng ta không đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác, dám làm, dám nhận trách nhiệm với những việc mình làm.

Tinh thần trách nhiệm giúp tạo ra sự nỗ lực, nghiêm túc làm việc, tập trung hết sức lực vào công việc đang làm, cải thiện hiệu suất công việc để đảm bảo công việc được hoàn thành, mang lại hiệu quả cao như mong đợi của bản thân cũng như của của lãnh đạo, giúp mỗi cá nhân tạo được tín nhiệm, mọi người cảm thấy yên tâm hơn khi làm việc với người có trách nhiệm.

Để tăng cường ý thức trách nhiệm, từng công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị phải cùng nhau thực hiện một số nội dung cụ thể sau:

Một là, tăng cường kỷ luật: Luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị. Giữ vững nguyên tắc trong thực hiện nhiệm vụ cũng như sinh hoạt. Nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Hai là, triệt để trong thực hiện nhiệm vụ: Cân nhắc mọi khía cạnh, nhìn nhận công việc cá nhân (hoặc của tập thể nhỏ của mình) trong công việc chung của đơn vị, từ đó lập kế hoạch cụ thể đối với việc được giao, luôn tận dụng thời gian để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhất; thực hiện công việc một cách trọn vẹn, không làm việc nửa vời, “được chăng hay chớ”. Tập trung để có thể hoàn thành công việc tốt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Linh hoạt xử lý tình huống, kịp thời báo cáo đề xuất những tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tạo thói quen rút kinh nghiệm sau mỗi công việc để từ đó có thể tìm ra cách nâng cao hiệu suất công tác cho những việc tiếp theo.

Ba là, luôn nỗ lực cố gắng, phấn đấu, quan tâm đến mọi người: Có trách nhiệm với bản thân và với mọi người xung quanh, luôn nỗ lực cố gắng phấn đấu cũng như giúp đỡ mọi người phù hợp với khả năng của bản thân. Qua đó cũng tạo điều kiện học hỏi thêm kiến thức nâng cao trình độ của bản thân.

Biết chịu trách nhiệm, biết nhìn nhận sai lầm của mình để phát triển bản thân, biến sai lầm của mình thành bài học kinh nghiệm giúp cho mình không mắc phải những lỗi như vậy thêm một lần nào nữa; không ngần ngại thừa nhận lỗi lầm của mình, coi đó là bài học đáng quý và có cơ hội học tập từ những sai lầm của bản thân để phát triển hơn.

4. Vượt khó

Vượt khó chính là sự vươn lên của con người vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, cạm bẫy, những gian lao để tiến về phía trước.

Trong công việc cũng như cuộc sống luôn nảy sinh những khó khăn để thử thách ý chí, lòng kiên trì của con người. Thành công phụ thuộc vào khả năng kiên trì của một người trong thời điểm người đó gặp khó khăn, nghịch cảnh; muốn trưởng thành và vươn đến thành công, chúng ta cần có ý chí, nghị lực và sự hiểu biết để vượt qua khó khăn.

Bác Hồ đã dạy “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”. Nhờ có tinh thần vượt khó mà chúng ta có thể khẳng định được bản thân, tìm kiếm và bồi đắp tri thức cho mình; khi ta vượt được gian khó, ta lại có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Để có thể kiểm soát những khó khăn, vấn đề phát sinh, đưa ra những lựa chọn đúng đắn và hành động một cách hiệu quả, chúng ta cùng nhau thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

Chấp nhận và đối diện khó khăn, phân tích tình hình: Khi nhận được những nhiệm vụ khó, những việc chưa từng làm, sự cố xảy đến bất ngờ: Đừng vội nản hay rối trí, phản ứng nóng vội; hãy bình tĩnh chấp nhận, từ từ bằng kiến thức kinh nghiệm, quy định... để nhìn nhận thấu đáo vấn đề, tìm hiểu nhằm tìm ra nguyên nhân phát sinh, cách xử lý tối ưu để triển khai công việc, giải quyết sự cố.

Không sợ mắc sai lầm: Không để nỗi sợ thất bại ảnh hưởng đến mình mà không dám và không thể làm nổi việc gì. Xem việc mắc lỗi như một cách để xem xét vấn đề toàn diện hơn; tư duy cầu tiến sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những sai lầm và có thể học thêm các bài học từ những sai lầm này. Tuy nhiên, không được bất chấp tất cả, làm việc theo kiểu “điếc không sợ súng”, mà phải luôn dựa trên lập trường tư tưởng vững, kiến thức chuyên môn chắc chắn, sự vô tư trong công việc, giải quyết trên cơ sở tinh thần trách nhiệm vì công việc, vì lợi ích chung của tập thể. Nhìn nhận, đánh giá rõ năng lực và trách nhiệm của mình đối với kết quả đạt được.

Phối hợp, tiếp nhận sự trợ giúp vượt qua nghịch cảnh: Luôn biết nghe, tham khảo ý kiến, tìm kiếm tư vấn từ cấp trên, đồng nghiệp. Chủ động báo cáo kịp thời, tiếp nhận thông tin phản hồi về các cách, giải pháp ứng phó với khó khăn, vướng mắc. Không bảo thủ, tự cô lập, im lặng dẫn tới những sự cố vượt ngoài tầm kiểm soát, quá muộn không khắc phục nổi, ảnh hưởng đến chính bản thân cũng như tập thể, cơ quan, đơn vị. Điều này cũng sẽ giúp ta nhìn nhận chính xác hơn về bản thân mình và dần loại bỏ cách phản ứng thụ động trước các vấn đề.

Có niềm tin: Luôn tin rằng với sự vô tư trong công việc, giải quyết trên cơ sở tinh thần trách nhiệm vì công việc, vì lợi ích chung của tập thể sẽ có sự trợ giúp, đồng lòng ủng hộ của đồng nghiệp, cấp trên, của tổ chức đảng và đoàn thể. Tin rằng mọi việc đều có thể có cách giải quyết. Căng thẳng và lo lắng do thiếu niềm tin có thể làm ảnh hưởng khả năng nhìn nhận toàn diện vấn đề, cũng như những cách thức xử lý của chúng ta đối với khó khăn, nghịch cảnh. Có niềm tin vào bản thân, vào tập thể sẽ giúp chúng ta giảm thiểu mức độ áp lực trong khó khăn, có các giải pháp phù hợp với tình hình./.

Phùng Văn Chiến (Phó Vụ trưởng Vụ TĐ-KT VKSND tối cao)