Ngân hàng TMCP Việt Á: Nguy cơ mất vốn từ việc nhận thế chấp đối với dự án chưa “tròn” pháp lý
Ngày đăng : 14:32, 13/07/2023
Được biết, dự án đầu tư xây dựng “Khu đô thị Phúc Tiến” (tại xã Quang Tiến, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) có tổng mức đầu tư là 546.720.805.540 đồng (trong đó, chi phí hạ tầng kỹ thuật là 207.185.114.070 đồng, chi phí xây thô nhà ở là 239.507.232.540 đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 72.215.655.000 đồng, chi phí khác là 27.812.803.930 đồng).
Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng “Khu đô thị Phúc Tiến”, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (địa chỉ tại số 105, đường Chu Văn An, P. Yết Kiêu, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội; do ông Vũ Ngọc Hoan làm Tổng Giám đốc) và Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong - Conic (địa chỉ tại: Lô 13B - KDC Conic, đường Nguyễn Văn Linh, P. Phong Phú, Q. Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh; do ông Phan Văn Quỳnh làm Tổng Giám đốc) đã thống nhất lập doanh nghiệp với tên gọi là Công ty cổ phần đô thị Phúc Tiến (địa chỉ tại xã Quang Tiến, TP. Hòa Bình; do ông Trần Minh Hiếu làm Tổng Giám đốc).
Về tài chính thực hiện dự án, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội góp 80% (132.000.000.000 đồng); Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong - Conic góp 20% (33.000.000.000 đồng). Tổng số vốn góp của liên danh này chiếm khoảng 30,18% tổng vốn đầu tư dự án, số còn lại là vốn vay.
Ngày 16/8/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 62/QĐ-UBND chấp thuận Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội và Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong – Conic là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng “Khu đô thị Phúc Tiến”. Tuy nhiên cho đến nay, dự án đầu tư xây dựng “Khu đô thị Phúc Tiến” vẫn chưa có đầy đủ văn bản pháp lý theo quy định để trở thành dự án bất động sản.
Được biết, vào các ngày 09/9/2022 và 16/9/2022, Công ty cổ phần Đô thị Phúc Tiến đã lần lượt ký các Hợp đồng thế chấp số 503-051/22/VAB/HĐTCQTSDA và số 503-058/22/VAB/TCQTSDA với Ngân hàng TMCP Việt Á. Tài sản bảo đảm là “toàn bộ các quyền tài sản của bên bảo đảm với tư cách là chủ đầu tư được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác dự án đầu tư xây dựng “Khu đô thị Phúc Tiến”, bao gồm các khoản tiền, các khoản lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất và hạ tầng từ dự án; các khoản tiền, các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án; các khoản tiền, các quyền đòi nợ/các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng, hợp tác kinh doanh, hợp đồng cho thuê cơ sở hạ tầng được chủ đầu tư ký kết theo quy định của pháp luật từ dự án”.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Ngân hàng TMCP Việt Á thể hiện, các khoản phải thu bên ngoài lên đến 3.760.336.054.521 đồng (thời điểm 31/12/2021 là 7.489.128.613.194 đồng). Trong đó đáng chú ý là khoản phải thu chờ xử lý liên quan đến vụ án xảy ra tại phòng giao dịch Đông Đô với số tiền là 232.581.174.274 đồng, thu tiền đặt cọc bảo đảm thực hiện các hợp đồng hợp tác đầu tư là 1.300.000.000.000 đồng (thời điểm 31/12/2021 khoản tiền này là 5.350.000.000.000 đồng!?), các khoản liên quan đến bán nợ chậm trả là 436.783.987.802 đồng, khoản đặt cọc mua bất động sản là 142.828.730.020 đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư SV là 72.713.305.266 đồng, Công ty cổ phần LEC Group 347.163.672.702 đồng, Công ty cổ phần Pacific Partners là 90.098.550.234 đồng, Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Hà Nội 110.000.000.000 đồng.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của Ngân hàng TMCP Việt Á cũng thể hiện khoản nợ cần chú ý là 1.155.411.000.0000 đồng, nợ dưới tiêu chuẩn là 15.013.000.000 đồng, nợ nghi ngờ là 31.343.000.000 đồng, nợ có khả năng mất vốn là 907.386.000.000 đồng. Trong số các khoản nợ có khả năng mất vốn, đáng chú ý có khoản nợ lên đến 500.000.000.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển nhà Vicoland (ngày 30/11/2020 khoản nợ này đã chuyển sang nhóm nợ 3; ngày 31/10/2021 khoản nợ này chuyển sang nhóm nợ 4; tính đến ngày 31/5/2023, Vicoland vẫn còn đang nợ VietABank 500 tỷ đồng, thuộc nhóm nợ 5 - dư nợ có khả năng mất vốn).
Như vậy, có thể thấy, việc Ngân hàng TMCP Việt Á tiếp tục nhận thế chấp của Công ty cổ phần đô thị Phúc Tiến với tài sản thế chấp là toàn bộ các quyền tài sản của bên bảo đảm với tư cách là chủ đầu tư được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác dự án đầu tư xây dựng “Khu đô thị Phúc Tiến” trong bối cảnh các điều kiện pháp lý để trở thành dự án bất động sản của Công ty cổ phần đô thị Phúc Tiến vẫn chưa hoàn thiện có thể dẫn đến những rủi ro, có nguy cơ xảy ra mất vốn.
Được biết, ngày 07/10/2022, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội đã ký Hợp đồng số 503-073/22/VAB/HĐTCCP với Ngân hàng TMCP Việt Á – Chi nhánh Hà Nội (số 34B Hàn Thuyên, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Tài sản bảo đảm là 13.272.000 cổ phần tại Công ty cổ phần đô thị Phúc Tiến theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần số 01/ĐTPT-CNCP ngày 30/06/2022 do Công ty cổ phần đô thị Phúc Tiến phát hành, thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội.
Cũng trong ngày 07/10/2022, Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong - Conic đã ký Hợp đồng số 503-074/22/VAB/HĐTCCP với Ngân hàng TMCP Việt Á – Chi nhánh Hà Nội. Tài sản bảo đảm là 3.360.000 cổ phần tại Công ty cổ phần đô thị Phúc Tiến theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần số 02/ĐTPT-CNCP ngày 30/06/2022 do Công ty cổ phần đô thị Phúc Tiến phát hành, thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong - Conic. Được biết, tại thời điểm ký Hợp đồng này, Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong – Conic vẫn còn đang nợ hơn 500.000.000.000 đồng tại Ngân hàng TMCP Việt Á, với tài sản bảo đảm là các toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác dự án “Cửa hàng thương mại dịch vụ” tại lô BU, BM “Trung tâm dịch vụ thương mại”– đất công trình công cộng và dân cư 13B xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh...