Thẩm quyền điều tra và thời hạn điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát
Ngày đăng : 08:00, 21/07/2023
1. Về thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát
Theo khoản 4 Điều 3 Luật tổ chức Cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự năm 2015 thì chỉ có CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được tiến hành hoạt động điều tra hình sự. Tuy nhiên, theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) thì ngoài CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì Viện kiểm sát cũng có quyền tiến hành điều tra. Cụ thể1, tại khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 về trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định: “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp…”. Khoản 3 Điều 236 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố có nhiệm vụ “trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho CQĐT”.
Bên cạnh đó, khoản 8 Điều 14, khoản 3 Điều 16 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014 quy định: Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà VKSND đã yêu cầu nhưng không được khắc phục và trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho CQĐT.
Điều đó tiếp tục được khẳng định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Thông tư liên tịch số 02/2017): “Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án, Viện kiểm sát xử lý như sau: Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ mà Viện kiểm sát có thể tự bổ sung được thì Viện kiểm sát tiến hành điều tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 236, khoản 1 Điều 246 của BLTTHS; trường hợp không thể tự mình bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho CQĐT để tiến hành điều tra”.
Có thể thấy, ngoài những cơ quan có thẩm quyền điều tra được quy định trong Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 thì Viện kiểm sát cũng có quyền trực tiếp điều tra trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 và các quy định liên quan trong Luật tổ chức VKSND năm 2014, BLTTHS năm 2015 còn chưa đồng bộ, cần có sự sửa đổi, bổ sung cho thống nhất.
2. Về thời hạn điều tra của Viện kiểm sát
Khi xét phê chuẩn, khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật; khi kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố:
Tùy theo tính chất, mức độ của mỗi vụ án cũng như một số trường hợp, hình thức đặc thù điều tra mà BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn điều tra2.
Tuy nhiên, khi tiến hành điều tra, pháp luật chưa quy định thời hạn điều tra, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau và khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
- Khi Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung:
Theo khoản 2 Điều 174 BLTTHS năm 2015 thì: “Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng… Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày CQĐT nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung”.
Quy định trên cho thấy thời hạn điều tra bổ sung khi Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung được xác định từ khi CQĐT nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ từ Tòa án, không phải trường hợp nào Viện kiểm sát cũng phải trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung, mà tùy thuộc vào yêu cầu điều tra của Tòa án, nếu thấy rằng quyết định và yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án không có căn cứ thì Viện kiểm sát sẽ ban hành văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án3. Nếu Viện kiểm sát thấy có thể trực tiếp điều tra thì không trả hồ sơ cho CQĐT mà Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho CQĐT để tiến hành điều tra4.
Vấn đề đặt ra là pháp luật tố tụng và các văn bản hướng dẫn cũng như quy chế nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát chưa quy định thời hạn Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ cho Tòa án nếu thấy quyết định và yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án không có căn cứ. Thực tiễn xảy ra trường hợp Viện kiểm sát mặc dù không chấp nhận yêu cầu về điều tra bổ sung của Tòa án nhưng vẫn giữ hồ sơ kéo dài 30 ngày mới trả lại cho Tòa án với lý do cần thời gian để kiểm tra lại nội dung yêu cầu của Tòa án. Điều này không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 246 BLTTHS năm 2015 là ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho CQĐT để tiến hành điều tra.
Bên cạnh đó, nếu Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành điều tra thì thời hạn điều tra như thế nào, bởi luật quy định thời hạn điều tra là 01 tháng được tính từ ngày CQĐT nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung mà không phải là ngày Viện kiểm sát nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung. Tại Mục 32 Công văn số 5024/VKSTC-V14 ngày 19/11/2018 của VKSND tối cao về việc giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân thì thời hạn Viện kiểm sát điều tra không quá 01 tháng kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ và quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.
Mặt khác, luật cũng chưa quy định trường hợp Viện kiểm sát sau khi đã trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng không thể điều tra bổ sung được (do vấn đề khách quan) thì Viện kiểm sát có được ra quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung hay không. Trên thực tiễn, sau khi nhận hồ sơ từ Tòa án, một số trường hợp Viện kiểm sát tiến hành điều tra hết thời hạn 30 ngày, sau đó lại ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ cho CQĐT để tiến hành điều tra (thời hạn điều tra tiếp theo là 30 ngày), dẫn đến việc tuân thủ pháp luật về thời hạn điều tra trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung còn tùy nghi, kéo dài thời hạn tố tụng.
Bên cạnh đó, sau khi điều tra bổ sung, CQĐT chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát phải xử lý, có thể ra văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển hồ sơ đến Tòa án, ban hành cáo trạng mới hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án, nhưng pháp luật chưa quy định thời hạn thực hiện hoạt động này. Thực tiễn cho thấy, Kiểm sát viên áp dụng đồng nhất thời hạn này với thời hạn quyết định việc truy tố theo Điều 240 BLTTHS năm 2015 để xử lý vụ án. Chúng tôi thấy rằng, trường hợp này, vụ án đã được Viện kiểm sát xem xét toàn diện, không cần thiết phải vận dụng thời gian quy định tại Điều 240 BLTTHS năm 2015, mà chỉ cần thời hạn 15 ngày để Viện kiểm sát thực hiện việc ra quyết định khác thay thế.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Để đảm bảo quy định của pháp luật thống nhất và đồng bộ, thể hiện rõ vai trò của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 như sau:
“Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra
… 3. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra theo luật định”.
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự đúng thời hạn cụ thể, thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, BLTTHS năm 2015 cần quy định rõ thời hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc thực hiện nhiệm vụ điều tra. Theo đó:
Khoản 7 Điều 165 cần bổ sung như sau:
... “7. Trong thời gian xem xét phê chuẩn trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra...”.
Khoản 2 Điều 174 cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
… “2. Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng, thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày CQĐT nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung. Nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng, thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Viện kiểm sát nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần”.
Khoản 1 Điều 246 cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho CQĐT thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ cho CQĐT trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra từ Tòa án hay từ thời điểm có căn cứ không thể tiến hành điều tra để CQĐT tiến hành điều tra.
Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì trong thời hạn 15 ngày Viện kiểm sát phải ban hành bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết…”.