Kinh nghiệm đề ra yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ khi giải quyết vụ việc dân sự

Ngày đăng : 09:11, 13/07/2023

(Kiemsat.vn) - Việc đề ra yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ đối với các vụ việc có Kiểm sát viên tham gia là một trong những căn cứ cơ bản để đánh giá đúng, đầy đủ, khách quan những chứng cứ được thu thập; từ đó, đề ra quan điểm giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng án bị hủy, sửa.

Theo khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn nghiên cứu hồ sơ vụ việc, yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Mặt khác, tại Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 31/8/2016 về việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS (Thông tư liên tịch số 02/2016) đã quy định cụ thể việc phối hợp thực hiện quyền này. Theo đó, trước khi mở phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên gửi văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ cho Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự.

Xác định được tầm quan trọng của việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên cần tập trung nghiên cứu để kiểm sát hoạt động tố tụng và nội dung, đánh giá toàn diện vụ án. Khi phát hiện việc thu thập, xác minh chứng cứ của Tòa án chưa đầy đủ, cần phải bổ sung để làm căn cứ giải quyết vụ án đúng pháp luật thì Kiểm sát viên chủ động đề ra yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ gửi ngay cho Tòa án để kịp thời thực hiện. Tại phiên tòa, qua thẩm vấn công khai nếu nhận thấy còn có những nội dung phát sinh liên quan đến việc giải quyết vụ án nhưng không bổ sung ngay tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần yêu cầu Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để thu thập, bổ sung chứng cứ.

Từ thực tiễn công tác, tác giả rút ra một số kinh nghiệm trong yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ khi giải quyết vụ việc dân sự như sau:

1. Trước khi mở phiên tòa

Sau khi nhận được hồ sơ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn, phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, đối chiếu với các yêu cầu của đương sự, từ đó xác định đã đủ cơ sở để giải quyết vụ án hay chưa. Bởi vì, có quan điểm cho rằng, đương sự cung cấp chứng cứ đến đâu thì giải quyết đến đó, hoặc những chứng cứ đương sự cung cấp đã đủ để giải quyết vụ án nên không cần thu thập thêm. Do đó, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần phải nắm vững quy định của pháp luật, nhiệm vụ và quyền hạn của mình; nghiên cứu kỹ hồ sơ để ra văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ phải thật sự thuyết phục và được Tòa án thực hiện.

Những hạn chế, thiếu sót khi thu thập tài liệu, chứng cứ xảy ra ở các quan hệ tranh chấp khác nhau. Cụ thể:

- Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất: Phải thu thập, xác minh nguồn gốc đất tranh chấp, đất có nằm trong quy hoạch, có được xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không; xác định đất được cơ quan có thẩm quyền cấp cho hộ hay cho cá nhân sử dụng, phải có hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đối chiếu các quy định của pháp luật, xác định việc cấp giấy có đảm bảo trình tự, thủ tục hay không; trên đất tranh chấp có những ai đang sinh sống, quản lý đất; tài sản trên đất gồm những gì, các đương sự có tranh chấp hay không...

- Đối với tranh chấp chia di sản thừa kế: Đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, cần  xác minh, thu thập chứng cứ xác định nguồn gốc đất tranh chấp, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định đất tranh chấp có nằm trong quy hoạch hay không, có được xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không.

- Đối với tranh chấp về hợp đồng góp hụi, họ: Tòa án thường chỉ thu thập sổ hụi do chủ hụi hoặc hụi viên cung cấp, tuy nhiên, nội dung trong sổ hụi rất đơn giản, không có chữ ký xác nhận của chủ hụi và hụi viên. Do đó, cần phải thu thập thêm lời trình bày của các hụi viên khác trong dây hụi để có cơ sở xác định dây hụi đó có tồn tại trên thực tế, vào khoảng thời gian nhất định trước khi xảy ra tranh chấp hay không, những người làm chứng hoặc chứng cứ trực tiếp chứng minh chủ hụi chưa giao hụi hoặc hụi viên còn nợ hụi để làm căn cứ giải quyết vụ án.

- Đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Đối với tranh chấp này, đương sự thường yêu cầu bồi thường đối với chi phí cho người nuôi bệnh, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa thu thập chứng cứ chứng minh thu nhập trung bình của người lao động tại địa phương mà chỉ căn cứ vào lời trình bày của đương sự để xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận.

- Đối với tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, đòi lại tài sản: Nếu các đương sự không thể cung cấp chứng cứ cụ thể chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình thì thông qua lời trình bày của các đương sự, Tòa án phải yêu cầu đương sự cung cấp thêm chứng cứ hoặc người làm chứng trực tiếp chứng kiến sự việc hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ giải quyết vụ án hoặc trong vụ án các đương sự có lời trình bày mâu thuẫn với nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa tiến hành đối chất để làm sáng tỏ nội dung vụ án hoặc chưa ban hành văn bản yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của mình. Nếu xét thấy cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ, việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải nhanh chóng báo cáo lãnh đạo, yêu cầu Tòa án thu  thập, bổ sung chứng cứ cho đầy đủ trước khi đưa vụ án ra xét xử.

Văn bản yêu cầu Tòa án thu thập, bổ sung chứng cứ phải đảm bảo các tiêu chí sau: (1) Hình thức văn bản yêu cầu phải đúng theo Mẫu số 26/DS quy định tại Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (2) Nội dung văn bản phải đề ra những yêu cầu cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và có khả năng thực hiện được. Từ ngữ sử dụng trong văn bản phải quyết đoán nhưng không mang tính áp đặt; (3) Các yêu cầu Tòa án thu thập, bổ sung chứng cứ phải thực hiện được và liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án; những việc Tòa án chưa thu thập, đương sự chưa cung cấp. Tránh những yêu cầu Tòa án đã ban hành văn bản yêu cầu đương sự, cơ quan có thẩm quyền cung cấp nhưng đương sự, cơ quan chưa cung cấp hoặc không cung cấp được; (4) Đối với những chứng cứ, lời khai còn mâu thuẫn trong vụ án, phải yêu cầu Tòa án tiến hành đối chất làm rõ; (5) Đối với việc thiếu người tham gia tố tụng, phải yêu cầu Tòa án xác minh để đưa vào.

Sau khi gửi văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải theo dõi việc Tòa án thực hiện yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, chuyển giao chứng cứ đã xác minh, thu thập được hoặc thông báo việc Tòa án không thực hiện được, Tòa án thấy không cần thiết phải thực hiện việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016. Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc Tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa, phiên họp theo quyết định của Tòa án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Tại phiên tòa

Kiểm sát viên phải theo dõi chặt chẽ diễn biến phiên tòa, các lời trình bày của đương sự, đối chiếu với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Nếu thấy việc Tòa án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đương sự chưa cung cấp thì khi phát biểu ý kiến, Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập chứng cứ. Khi phát biểu yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ phải nêu rõ chứng cứ cần xác minh, thu thập, lý do cần xác minh, thu thập chứng cứ đó. Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015, Thẩm phán, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên. Trường hợp Thẩm phán, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên thì phải nêu rõ lý do, Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa, phiên họp. Việc Thẩm phán, Hội đồng xét xử chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp. Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm sát biên bản phiên tòa đúng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ, Kiểm sát viên phải theo dõi, yêu cầu Tòa án sao chụp các chứng cứ đã thu thập được trước khi mở phiên tòa để báo cáo lãnh đạo Viện về quan điểm giải quyết vụ án. Trường hợp đã tạm ngừng phiên tòa, phiên họp nhưng việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được thì trước ngày Tòa án tiếp tục xét xử vụ án, Kiểm sát viên phải yêu cầu Tòa án thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016.

Ngoài ra, ngay khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Kiểm sát viên phải nhanh chóng lập phiếu kiểm sát về hình thức và nội dung, quan hệ pháp luật tranh chấp thông qua yêu cầu khởi kiện của đương sự, về thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nếu phát hiện có vi phạm phải yêu cầu Tòa án khắc phục kịp thời để tránh việc giải quyết vụ án bị kéo dài.

Trong quá trình Tòa án giải quyết, phải kiểm sát các văn bản tố tụng tiếp theo của Tòa án như: Thông báo thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện; thông báo bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thông báo thẩm định, định giá tài sản… nhất là đối với những vụ án tranh chấp thừa kế, quyền sử dụng đất, những vụ án có nhiều đương sự hoặc nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp… Đến khi nhận được hồ sơ vụ án trước khi xét xử, Kiểm sát viên chỉ cần tổng hợp các chứng cứ để đối chiếu, so sánh làm căn cứ để giải quyết vụ án, từ đó, bảo đảm báo cáo đề xuất nhanh chóng, có chất lượng.

Nguyễn Thị Hồng Tuyết