Một số vấn đề về trách nhiệm giải trình của VKSND trong hoạt động tư pháp
Ngày đăng : 08:00, 11/07/2023
1. Một số vấn đề về trách nhiệm giải trình và trách nhiệm giải trình của Viện kiểm sát nhân dân
Theo Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 thì “trách nhiệm giải trình” là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Điều 15 của Luật PCTN năm 2018 quy định:
“1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
2. Trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chí theo quy định của pháp luật.
3. Việc giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, theo Luật PCTN năm 2018, bản chất của trách nhiệm giải trình là trách nhiệm pháp lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; qua đó để thực hiện PCTN trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Liên quan đến trách nhiệm giải trình, có các bên: Bên yêu cầu giải trình và bên có trách nhiệm giải trình.
Về trách nhiệm giải trình của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND):
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan nhà nước có chức năng thực hành quyền công tố trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; kiểm sát hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại; trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và trong các hoạt động tư pháp khác cũng như các hoạt động có liên quan đến hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao thông qua các công tác được quy định tại Điều 6 Luật tổ chức VKSND năm 2014. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, VKSND có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan, như: Luật tổ chức VKSND, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành án dân sự, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam… trong đó có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật PCTN và các văn bản có liên quan về trách nhiệm giải trình.
Luật tổ chức VKSND năm 2014 tuy không quy định trực tiếp về trách nhiệm giải trình của Viện kiểm sát nhưng có một số quy định có nội dung nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính hợp pháp và có căn cứ trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND. Điều 9 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhưng cũng “có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định trái pháp luật của VKSND và VKSND phải có trách nhiệm giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật”. Bên cạnh đó, Điều luật còn quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án và cơ quan Thi hành án có quyền kiến nghị, yêu cầu VKSND xem xét lại các quyết định, hành vi của mình khi có căn cứ cho rằng hành vi, quyết định đó của Viện kiểm sát là không có căn cứ, trái pháp luật. Ngoài ra, trong một số công tác thực hiện chức năng, pháp luật quy định các cơ quan tư pháp có trách nhiệm thực hiện các quyết định của VKSND, nếu không nhất trí vẫn phải thi hành, nhưng có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên; trong thời hạn do pháp luật quy định thì Viện kiểm sát cấp trên phải giải quyết khiếu nại (điểm b, c khoản 1 Điều 24). Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn: “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan” (điểm b khoản 3 Điều 29).
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) có các quy định về quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó; quy định về trách nhiệm “kiểm soát giữa các cơ quan” trong hoạt động tố tụng hình sự; quy định về “quyền giám sát”, “yêu cầu”, “kiến nghị” của các cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị và trả lời cho người, cơ quan khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị được biết. Theo quy định tại Điều 473 BLTTHS năm 2015 thì người bị khiếu nại có nghĩa vụ: “Giải trình về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại”; người bị tố cáo có nghĩa vụ: “Giải trình về hành vi bị tố cáo” (Điều 480).
Ngoài ra, theo các đạo luật về tư pháp khác như Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, Luật tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015, Luật thi hành án dân sự (THADS) năm 2014, Luật thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (THTG, TG) năm 2015 đều không có quy định trực tiếp về trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp nói chung và VKSND nói riêng trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, các đạo luật trên đều có quy định về quyền khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định, hành vi của các cơ quan tư pháp và trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các hoạt động tư pháp; trong đó có quy định về một trong các nghĩa vụ của người bị khiếu nại, tố cáo là “giải trình” về quyết định, hành vi bị khiếu nại, tố cáo (điểm a khoản 2 Điều 501 và điểm a khoản 2 Điều 511 BLTTDS năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 329 và điểm a khoản 2 Điều 339 Luật TTHC năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 181 Luật THAHS năm 2019; điểm a khoản 2 Điều 48 và điểm a khoản 2 Điều 58 Luật THTG, TG năm 2015).
Sau khi Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực thi hành, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 22/3/2019 “Về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân” (Chỉ thị số 02/CT-VKSTC - nay đã được thay thế bằng Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023) và Kế hoạch số 93/KH-VKSTC ngày 15/5/2019 về “Triển khai thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 trong ngành Kiểm sát nhân dân” (Kế hoạch số 93/KH-VKSTC). Chỉ thị số 02/CT-VKSTC đã quy định nhiều biện pháp PCTN trong ngành Kiểm sát nhân dân; giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trong ngành trong thực hiện các biện pháp để PCTN; trong đó đề cao trách nhiệm của Viện trưởng VKSND các cấp, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc trong tổ chức thực hiện Luật PCTN năm 2018; giao Thanh tra VKSND có trách nhiệm: “Tham mưu cho Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hành vi tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân; theo dõi, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về minh bạch tài sản; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng”. Trong Kế hoạch số 93/KH-VKSTC đã nêu nhiều nội dung và tiến độ thực hiện nhiều nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân để thực hiện Luật PCTN năm 2018; trong đó có yêu cầu các đơn vị trong ngành phải: “Nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ; nêu cao tính gương mẫu của người đứng đầu đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Một số vấn đề đặt ra là:
Thứ nhất, trách nhiệm giải trình của Viện kiểm sát có đồng nhất với trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND?
Thứ hai, đối với trách nhiệm giải trình phát sinh theo yêu cầu của báo chí hoặc của các cơ quan giám sát thì có áp dụng quy định tại Điều 6 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN (Nghị định số 59/2019) về các nội dung không thuộc phạm vi giải trình để từ chối yêu cầu giải trình hay không?
Thứ ba, việc áp dụng Điều 6 của Nghị định số 59/2019 trong thực hiện trách nhiệm giải trình của VKSND trong hoạt động tư pháp như thế nào?
Về vấn đề thứ nhất, tác giả cho rằng bản chất của trách nhiệm giải trình và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo là khác nhau, bởi các lý do sau đây:
Tuy chủ thể có quyền yêu cầu giải trình và chủ thể có quyền khiếu nại đều có thể là cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị tác động trực tiếp bởi hành vi, quyết định của người bị yêu cầu giải trình nhưng đối với người có quyền khiếu nại phải chứng minh hành vi, quyết định bị khiếu nại là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; trong khi người có quyền yêu cầu giải trình chỉ cần chứng minh mình có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động bởi hành vi, quyết định của người bị yêu cầu giải trình mà không hẳn phải chứng minh là hành vi, quyết định đó là trái pháp luật.
Phạm vi người có quyền tố cáo là cá nhân, có quyền tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền có hành vi, quyết định gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của mình hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; trong khi đó phạm vi người có quyền yêu cầu giải trình chỉ là cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị tác động bởi hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, đơn vị bị yêu cầu giải trình. Nói cách khác, người nào không có quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị tác động trực tiếp bởi hành vi, quyết định của người khác thì không có quyền yêu cầu giải trình đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đã thực hiện hành vi hoặc ban hành quyết định.
Trong khi Luật PCTN năm 2018 quy định “Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình” (khoản 1 Điều 15) thì pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp quy định trách nhiệm giải trình là nghĩa vụ của người bị khiếu nại, tố cáo. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp là để giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về trình tự, thủ tục yêu cầu giải trình và giải trình có nhiều nội dung khác với trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong khi trình tự, thủ tục yêu cầu giải trình và trách nhiệm giải trình được quy định trong Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018 thì trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quy định trong các đạo luật về tư pháp liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát. Theo đó, có nhiều điểm khác nhau giữa trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo với trình tự, thủ tục thực hiện trách nhiệm giải trình.
Về vấn đề thứ hai, tác giả cho rằng: Khi VKSND thực hiện trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của báo chí hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền giám sát (tức giải trình theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 15 Luật PCTN năm 2018), VKSND không áp dụng quy định của Nghị định số 59/2019 về các trường hợp không thuộc phạm vi giải trình để từ chối yêu cầu giải trình, bởi lẽ phạm vi điều chỉnh của Nghị định này chỉ hướng dẫn, quy định chi tiết khoản 1 Điều 15 Luật PCTN năm 2018 mà không quy định chi tiết đối với khoản 2 (giải trình theo yêu cầu báo chí) và khoản 3 (giải trình theo yêu cầu của cơ quan giám sát) Điều 15 Luật PCTN năm 2018. Tuy nhiên, trong nội dung giải trình có thể có liên quan đến hành vi, quyết định tố tụng cụ thể của vụ án, vụ việc mà VKSND đang thụ lý giải quyết và nội dung đó có thể đang thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về bảo mật (có thể là bí mật quốc gia, bí mật nghiệp vụ theo các cấp độ mật khác nhau: Mật, tối mật…). Trong các trường hợp này, VKSND phải có trách nhiệm đồng thời thi hành quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình và quy định pháp luật về bảo mật, do vậy cũng không được thông báo đến báo chí hoặc cơ quan, người có trách nhiệm giám sát nội dung sự việc thuộc phạm vi bảo mật. Trong trường hợp cần thiết thì phải thông tin về nội dung bảo mật theo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về bảo mật.
Về vấn đề thứ ba, Điều 6 của Nghị định số 59/2019 quy định về những nội dung không thuộc phạm vi giải trình, gồm trường hợp nội dung yêu cầu giải trình thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật; nội dung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện hoặc của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới. Bên cạnh các nội dung nêu trên, trong hoạt động tư pháp còn có những nội dung thuộc phạm vi quy định bí mật nghiệp vụ. Chúng tôi cho rằng các nội dung thuộc bí mật nghiệp vụ cũng không thuộc phạm vi giải trình. Mặc dù nội dung của Điều 6 Nghị định số 59/2019 không quy định về bí mật nghiệp vụ nhưng trong thực tế, ngành Kiểm sát đã có quy định những nội dung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện cũng thuộc các trường hợp bí mật nghiệp vụ, do vậy các nội dung này đều không thuộc phạm vi giải trình của VKSND.
2. Về trách nhiệm giải trình của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tư pháp
2.1. Về trách nhiệm giải trình với yêu cầu của báo chí và cơ quan giám sát
Trước khi pháp luật về PCTN quy định về trách nhiệm giải trình; trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND các cấp đã rất quan tâm đến việc xem xét, giải quyết các tin tức, yêu cầu do báo chí đăng tải có liên quan đến trách nhiệm của VKSND, coi đó là một trong các nguồn tin về vi phạm, tội phạm cần phải giải quyết; đồng thời là nhằm để thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình của VKSND đối với các trường hợp báo chí đăng tải thông tin và có yêu cầu giải trình.
Sau khi nhận được thông tin và yêu cầu của báo chí có liên quan đến hoạt động của mình, Viện trưởng VKSND các cấp có chỉ đạo các đơn vị có liên quan xem xét, báo cáo nội dung sự việc và thông báo lại cho báo chí và cho đương sự có liên quan. Cuối mỗi năm công tác, VKSND các cấp có báo cáo riêng về việc giải quyết và trả lời báo chí đối với các trường hợp thuộc trách nhiệm giải trình của ngành, trong đó nêu rõ tổng số tin tức được báo chí nêu, kết quả các tin đã giải quyết và trả lời, số tin tức chưa giải quyết xong, những vấn đề cần rút kinh nghiệm chung trong việc giải trình với báo chí cũng như trong công tác thực hiện chức năng của ngành.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND các cấp đã tập trung xem xét, giải quyết các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát như Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn và yêu cầu của Đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân. Các yêu cầu giám sát có thể tập trung theo chuyên đề (giám sát chuyên đề) hoặc đối với quyết định pháp lý cụ thể. Theo số liệu của VKSND tối cao: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cho đến tháng 7/2020, Quốc hội không có nghị quyết riêng về giám sát chuyên đề đối với hoạt động của VKSND. Tuy nhiên, trong một số nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ XIII, XIV có nội dung yêu cầu liên quan đến hoạt động của VKSND3. Đối với các yêu cầu của cơ quan giám sát, người đứng đầu của VKSND các cấp đều quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả cho cơ quan giám sát. Nhiều trường hợp, người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp đã mời cơ quan, người có chức năng giám sát trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra quá trình tư pháp, gặp và làm việc với các cá nhân, các bên có liên quan để thực hiện quyền giám sát; qua đó bảo đảm tính có căn cứ, khách quan, hợp pháp trong hoạt động của Viện kiểm sát. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế nội bộ về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn do cơ quan Đảng, Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyển đến; tạo cơ sở pháp lý và nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong ngành trong công tác giải quyết các yêu cầu của cơ quan giám sát.
2.2. Về trách nhiệm giải trình với yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
Trong thực tiễn hoạt động của VKSND, việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình chủ yếu được thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp. Theo quy định của pháp luật, VKSND có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của VKSND trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 29 Luật tổ chức VKSND năm 2014). Ngoài ra, VKSND có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số hành vi, quyết định tố tụng khác của Thủ trưởng Cơ quan điều tra; của người có thẩm quyền thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; trong hoạt động tạm giữ, tạm giam; với hành vi, quyết định quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân theo quy định của pháp luật (Điều 29 Luật tổ chức VKSND năm 2014). Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, VKSND có thể yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan giải trình về hành vi, quyết định pháp lý của mình; thi hành các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật để làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo; làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, kết luận về khiếu nại, tố cáo cũng như ban hành văn bản thông báo, trả lời người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Như vậy, VKSND các cấp thực hiện quy định của Luật PCTN và các văn bản pháp luật có liên quan về trách nhiệm giải trình thông qua việc thực hiện quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình là nhằm giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hành vi, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi cho rằng, một trong các nguyên nhân của việc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, VKSND hầu như không nhận được các yêu cầu giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân mà thường nhận được các khiếu nại, tố cáo; từ đó không phát sinh trách nhiệm giải trình của VKSND mà chủ yếu phát sinh trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của VKSND trong hoạt động tư pháp là bởi trong nhận thức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thường đồng nhất giữa yêu cầu giải trình với khiếu nại, tố cáo; do vậy khi cần thiết, họ thường gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến Viện kiểm sát để yêu cầu giải quyết mà không gửi văn bản yêu cầu giải trình.
3. Một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng thực hiện trách nhiệm giải trình của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tư pháp
Nhằm nâng cao chất lượng thực hiện trách nhiệm giải trình của VKSND trong hoạt động tư pháp, chúng tôi đề nghị:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ; trong đó tập trung vào các vấn đề như: Phân biệt rõ các vấn đề về trách nhiệm giải trình (yêu cầu giải trình, thẩm quyền thi hành trách nhiệm giải trình, những nội dung không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình…) với các nội dung liên quan đến trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng (quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo…), từ đó làm rõ sự khác nhau giữa yêu cầu giải trình với quyền khiếu nại, tố cáo; giữa trách nhiệm giải trình với trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; bổ sung thêm các nội dung không thuộc phạm vi giải trình như: Các nội dung thuộc bí mật nghiệp vụ điều tra, nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đã được văn bản quy phạm pháp luật quy định thuộc bí mật nghiệp vụ; các quyết định tố tụng, bản án của Tòa án được quy định tại khoản 2 Điều 469 BLTTHS năm 2015. Trong các trường hợp có yêu cầu giải trình với bản án, quyết định này thì việc giải quyết yêu cầu giải trình sẽ thực hiện theo các trình tự, thủ tục tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của BLTTHS.
Hai là, đề nghị các cơ quan Trung ương tiến hành sơ kết (hoặc tổng kết) 05 năm thi hành Luật PCTN năm 2018, trong đó cần khảo sát, thống kê, đánh giá về thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; rút ra những kết quả, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực thi quy định của Luật về trách nhiệm giải trình; từ đó đề ra giải pháp hoàn thiện pháp luật về PCTN.
Ba là, đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của ngành trong việc thực hiện các quy định của Luật PCTN năm 2018 nói chung, trong đó có quy định về trách nhiệm giải trình nói riêng; theo hướng cập nhật các quy định mới về trách nhiệm giải trình cho phù hợp; đặc biệt là cần nghiên cứu, ban hành quy định về quy trình, trình tự thực hiện trách nhiệm giải trình của VKSND trong hoạt động tư pháp; trong đó quy định rõ các vấn đề như: Sự khác nhau về quy trình, trình tự thực hiện trách nhiệm giải trình với quy trình, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của VKSND; làm rõ sự khác nhau giữa trách nhiệm giải trình của người bị khiếu nại, tố cáo với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định rõ các nội dung không thuộc phạm vi giải trình trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.