Điểm mới trong Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp

Ngày đăng : 10:43, 26/06/2023

(Kiemsat.vn) - Viện trưởng VKSND tối cao vừa ký ban hành Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ban hành kèm theo Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) trong hoạt động tư pháp thay thế Quy chế số 51/QĐ-VKSTC ngày 02/02/201. Quy chế mới gồm 7 chương và 25 điều; trong đó đã sửa đổi và bổ sung nhiều điểm mới so với quy định tại Quy chế số 51/QĐ-VKSTC.

Hình ảnh tiếp công dân tại trụ sở VKSND tối cao.

Cụ thể, về trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đơn, Quy chế mới quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị trong việc phân loại, xử lý đơn và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đơn gửi đến Viện kiểm sát từ tất cả các nguồn (kể cả đơn gửi đến lãnh đạo Viện) đều phải được tiếp nhận thống nhất qua một đầu mối là đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn để xử lý và quản lý; không tiếp nhận đơn ngoài nơi quy định.

Đơn liên quan đến kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự thì đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn chuyển đến đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để xử lý, quản lý, giải quyết hoặc kiểm sát việc giải quyết theo thẩm quyền. Đơn liên quan đến việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính thì đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn chuyển đến đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự để xử lý, quản lý, giải quyết hoặc kiểm sát việc giải quyết theo thẩm quyền.

Đối với đơn được gửi đến Cơ quan điều tra VKSND dân tối cao do Cơ quan điều tra trực tiếp tiếp nhận và xử lý như sau: Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì Cơ quan điều tra xử lý hoặc thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị nghiệp vụ khác của VKSND tối cao thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao chuyển đơn đến Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để phân loại, xử lý theo quy định. Đối với đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND tối cao thì trực tiếp phân loại, xử lý theo quy định pháp luật. Định kỳ thông báo đến Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp về tình hình tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của đơn vị mình để tổng hợp, báo cáo chung.

Về các tiêu chí phân loại đơn, quy định cụ thể như sau: Phân loại theo thẩm quyền gồm: Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết; đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết; đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết. Phân loại theo điều kiện thụ lý gồm: Đơn đủ điều kiện thụ lý, đơn chưa đủ hoặc không đủ điều kiện thụ lý. Phân loại theo nội dung gồm: Đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu.”

Trên cơ sở các văn bản quy định pháp luật, Quy chế mới đã quy định rõ ràng và linh hoạt hơn về các trường hợp xếp lưu đơn để giải quyết kịp thời những khó khăn trong thực tiễn xử lý đơn.Cụ thể, về xếp lưu đơn gồm: Đơn có cùng nội dung đã ghi kính gửi nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết và cơ quan có thẩm quyền kiểm sát (trừ đơn quy định tại khoản 4 Điều 10 Quy chế); đơn đã được hướng dẫn một lần về cùng nội dung; đơn không đủ điều kiện thụ lý và đã có văn bản trả lại đơn theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 9 Quy chế; đơn rách nát, tẩy xóa chữ và không đọc được; đơn viết bằng tiếng nước ngoài không kèm theo bản dịch được công chứng; đơn dùng những từ ngữ không phù hợp với chuẩn mực văn hóa và thuần phong mỹ tục (đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị;…); đơn đã được các cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng quy định nhưng không cung cấp được tài liệu gì mới phát sinh; đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo...

Thời hạn lưu trữ các loại đơn là 1 năm, việc tiêu hủy đơn do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

Quy chế mới đã quy định chặt chẽ hơn về việc quản lý đơn nhằm nâng cao trách nhiệm của VKSND các cấp trong việc quản lý đơn và trong trường hợp phát hiện vi phạm việc giải quyết đơn của các cơ quan tư pháp.Đồng thời, quy định cụ thể hơn về các trường hợp, thẩm quyền và thời hạn về xử lý đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật. Bổ sung trường hợp thụ lý kiểm tra lại tại điểm b khoản 1 Điều 13 đó là “bỏ lọt tội phạm; …  đơn có tình tiết mới làm thay đổi kết quả giải quyết khiếu nại nhưng Viện kiểm sát đã ban hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật không xem xét” để bảo vệ quyền và lợi ích của người khiếu nại.

Bổ sung quy định về thẩm quyền kiểm tra lại tại điểm b khoản 2 đoạn 2 của VKSND cấp cao trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử cho phù hợp với quy định của pháp luật: Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát cấp tỉnh về hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kiểm tra.”

Bổ sung tại khoản 3 quy định về thời hạn cho ý kiến đối với vụ việc kiểm tra của các đơn vị phối hợp nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong việc kiểm tra lại: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị phối hợp kèm theo hồ sơ tài liệu có liên quan thì đơn vị phối hợp phải có ý kiến quan điểm xử lý vụ việc gửi đơn vị chủ trì; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn cho ý kiến có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày.”

Về các biện pháp biện pháp kiểm sát, căn cứ và việc áp dụng; ban hành các văn bản trong hoạt động kiểm sát; kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị. Cụ thể, tại điểm a khoản 3 Điều 17 được sửa đổi để phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC, Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, đã bổ sung quy định: Viện kiểm sát được áp dụng thêm biện pháp: Yêu cầu Tòa án cùng cấp và Tòa án cấp dưới cung cấp hồ sơ, tài liệu... theo quy định tại Khoản 3, Điều 34 Thông tư 02 ngày 31/8/2016 (trong tố tụng dân sự) và Khoản 3, Điều 31 Thông tư 03 ngày 31/8/2016 (trong tố tụng hành chính).

Khi kiểm sát việc giải quyết KNTC trong tố tụng hình sự và thi hành án hình sự được áp dụng tất cả các biện pháp kiểm sát; trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và trong thi hành án dân sự được áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này.

Bên cạnh đó đề cao tính chủ động, kịp thời khi phát hiện vi phạm trong công tác kiểm sát của Viện kiểm sát các cấp. Bổ sung quy định phải ban hành kết luận sau khi áp dụng biện pháp kiểm sát nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, thống nhất của công tác kiểm sát trong toàn Ngành.

Thanh Lâm