Luật Đất đai (sửa đổi) cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật
Ngày đăng : 21:44, 21/06/2023
Ngày 21/6/2023, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 20 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). |
Cần có quy định rõ ràng, minh bạch về công tác thu hồi đất
Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 56 đại biểu phát biểu, 06 đại biểu tranh luận, trong đó đa số các ý kiến đại biểu đánh giá việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức chu đáo, hiệu quả; cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu, giải trình nghiêm túc; các đại biểu cũng cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: Tính khả thi của các quy định nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng đất, nhất là 8 nhóm vấn đề trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác; tính phù hợp, khả thi của các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế xác định giá đất; cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; cơ chế, chính sách thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các quy định về giá đất; các hình thức giao đất và cho thuê đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất trả tiền hằng năm; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; cơ chế, chính sách về chế độ sử dụng đất, về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất cho mục đích hoạt động tôn giáo, đất cho mục đích giáo dục,…
Tham gia ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, dự thảo Luật có tác động lớn đến hàng triệu người dân, hàng triệu doanh nghiệp và rất nhiều lĩnh vực khác; bên cạnh đó, thực trạng là thời gian qua có những nội dung của Luật có cách diễn giải áp dụng theo nhiều cách khác nhau ở từng luật khác nhau, gây khó khăn, lãng phí cho người dân và doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải có kế hoạch rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định các luật khác như Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, các Luật về thuế… để đảm bảo đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) nói riêng và đảm bảo tính đồng bộ nhất quán của hệ thống vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai nói chung khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Theo đại biểu, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành liên quan cần tập trung truyền thông sâu các điểm mới của chính sách đất đai để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng đề nghị ban soạn thảo cần có quy định rõ ràng, minh bạch về công tác thu hồi đất, đồng thời chú trọng giải quyết những bất cập của giá đất để hạn chế tối đa lợi ích nhóm, từ chênh lệch địa tô, kiểm soát được quyền lực của Nhà nước trong giao giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất, hoàn thiện chế chế định thu hồi đất, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và của nhân dân.
Góp ý về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh, đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng không thể liệt kê hết các dự án sẽ phát sinh trong tương lai. Vì vậy, dự thảo Luật cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong Luật.
Theo đại biểu Lê Hữu Trí, khi mà Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi đất của người sử dụng đất nhưng thực chất dự án không hoàn toàn để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này gây bức xúc cho người sử dụng đất và làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải vì lợi ích quốc gia công cộng hoặc vì mục đích quốc phòng an ninh nhưng phải bảo đảm tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận.
Đại biểu Lê Hữu Trí cũng lưu ý đối với các dự án vừa có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng cũng có mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư thì cần phân định rõ trường hợp nào thì được Nhà nước thu hồi đất và trường hợp nào thì nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Trong trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thì cũng cần quy định tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất. Đồng thời cần có chế định điều chỉnh chênh lệch địa tô cho người sử dụng đất để bảo đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.
Liên quan về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, dự thảo Luật lần này có thay đổi khi mở rộng hơn các trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng, thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp, thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng.
Đại biểu cho rằng, quy định tại điềm e, g khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu sang Luật Đấu thầu là chưa rõ ràng. Đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu chọn nhà đầu tư chỉ là cách thức giao đất, cho thuê đất, không phải là tiêu chí xác định trường hợp thu hồi đất. Hơn nữa, việc Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm cả dự án nhà ở thương mại, trường hợp này rất khó để xác định có nằm trong trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng hay không.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, nhất là khi có yếu tố thương mại chi phối hoặc đan xen.
Cân nhắc thẩm quyền giải quyết trong tranh chấp đất đai
Phát biểu tranh luận về thẩm quyền giải quyết trong tranh chấp đất đai, đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định, các loại tranh chấp đất đai có giấy chứng nhận thì do Tòa án giải quyết. Các loại tranh chấp đất đai không có giấy chứng nhận thì do đương sự chọn 1 trong 2 hình thức: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền, hoặc khởi kiện ra tòa án.
Trong trường hợp quy định theo khoản 3 Điều 254 thì trường hợp giải quyết tranh chấp, nếu không đồng ý cách giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì có thể khiếu nại lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời cho phép đương sự được khởi kiện tòa án theo quy định tố tụng. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ rất tốn thời gian, dẫn đến phải giải quyết nhiều lần, cuối cùng lại có thể phải kiện ra tòa. Đại biểu đề nghị, quy định để Tòa án nhân dân giải quyết, tránh cùng một sự kiện phải xử lý ở nhiều cơ quan khác nhau.
Cùng tranh luận về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai, đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, tờ trình đầu tiên về dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đã bỏ hẳn thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân. Giải trình của Chính phủ lúc đó nêu rõ, tới giờ này, về cơ bản đã cấp xong giấy chứng nhận sử dụng đất cho công dân, cho người sử dụng đất. Sau một thời gian lấy ý kiến, dự thảo lại quy định như luật hiện hành, vẫn là Ủy ban nhân dân giải quyết. Theo đại biểu, giải quyết tranh chấp mà Ủy ban nhân dân giải quyết trước, sau đó khởi kiện ra Tòa án hành chính là không đúng. Bởi, Tòa án hành chính giải quyết các quyết định hành chính và hành vi hành chính bị khiếu kiện, xem xét về căn cứ và tính hợp pháp chứ không giải quyết tranh chấp.
Đại biểu nêu rõ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân. Nhưng năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã bỏ thẩm quyền này của Ủy ban nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, với tinh thần một việc không giao hai cơ quan trở lên giải quyết, do đó cần tập trung ở cơ quan tòa án. Mặt khác, Hiến pháp đã nêu rõ mọi tranh chấp đều do Tòa án xét xử, đây là cơ quan xét xử duy nhất.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định toàn bộ giải quyết tranh chấp về đất đai do Tòa án các cấp giải quyết theo quy định của pháp luật.