Pháp luật về hợp đồng điện tử - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Ngày đăng : 08:00, 03/07/2023
1. Một số đặc trưng cơ bản của hợp đồng điện tử
Hiện nay, các quy phạm điều chỉnh về hợp đồng điện tử được quy định trong Luật giao dịch điện tử năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số văn bản khác. Điều 33 Luật giao dịch điện tử năm 2005 quy định: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Trong đó, thông điệp dữ liệu được hiểu là những thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác. Hợp đồng điện tử nhìn chung vẫn mang bản chất của hợp đồng, là sự thỏa thuận giữa các bên với mục đích xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Bên cạnh đó, hợp đồng điện tử có những đặc trưng riêng sau:
Một là, về chủ thể hợp đồng. Đối với hợp đồng truyền thống, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng sẽ là bên đề nghị và bên chấp nhận đề nghị; còn đối với hợp đồng điện tử, ngoài hai chủ thể cơ bản này thì còn có sự xuất hiện của chủ thể thứ ba giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo quá trình giao kết hợp đồng thông qua phương tiện điện tử. Chủ thể này là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Vì việc giao kết hợp đồng được thực hiện qua mạng Internet nên chủ thể cung cấp dịch vụ mạng là chủ thể bắt buộc phải tham gia (theo cách gián tiếp). Còn đối với chủ thể cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử thì có thể có hoặc không (nếu các bên tham gia giao dịch điện tử thỏa thuận sử dụng chữ ký điện tử để ký trong hợp đồng thì lúc này chủ thể cung cấp dịch vụ phải tham gia với vai trò pháp lý, trường hợp các bên không lựa chọn thì chủ thể này không nhất thiết phải tham gia vào quá trình giao kết hợp đồng điện tử).
Hai là, về hình thức của hợp đồng điện tử. Đối với hợp đồng truyền thống, hình thức giao dịch có thể là bằng văn bản, bằng lời nói, bằng hành động hoặc bằng các hình thức khác do các bên thỏa thuận, thì hợp đồng điện tử có phương thức giao dịch khá đặc biệt. Theo đó, hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Ở đây, các bên sẽ thực hiện giao dịch bằng văn bản điện tử thông qua môi trường điện tử để đi đến ký kết hợp đồng. Có thể thấy rằng, vì tính chất đặc biệt khi thực hiện giao kết hợp đồng điện tử nên hình thức thực hiện cũng sẽ khác so với hợp đồng truyền thống. Điều này đã tạo nên sự tiện lợi và nhanh chóng của hợp đồng điện tử.
Ba là, quy trình giao kết hợp đồng điện tử được thể hiện thông qua quá trình gửi và nhận các thông điệp dữ liệu khác nhau về ý định của các bên. Nói cách khác, giao kết hợp đồng điện tử được hiểu là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch và hợp đồng sẽ được thiết lập khi một bên đưa ra lời đề nghị và một bên chấp nhận lời đề nghị.
Bốn là, về cách thức xác định thời điểm, địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu. Về phía bên gửi, thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu sẽ là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo; địa điểm gửi sẽ là trụ sở của người khởi tạo nếu đó là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu họ là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi sẽ là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch. Đối với bên nhận, thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định nếu người nhận đã chỉ định trước đó; hoặc là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận nếu không rơi vào trường hợp chỉ định. Địa điểm nhận là trụ sở của người nhận nếu là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên nếu người nhận là cá nhân. Trong trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận là nơi có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.
Năm là, về chữ ký điện tử trong hợp đồng điện tử - đây cũng là đặc trưng tạo nên sự khác biệt giữa hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống. Theo đó, chữ ký điện tử sẽ được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Chữ ký điện tử là không bắt buộc đối với các bên nhưng một khi các bên đã thỏa thuận về sự hiện diện của chữ ký này thì phải tuân thủ các quy định của Luật giao dịch điện tử năm 2005. Có nghĩa là, các bên tham gia giao dịch điện tử có quyền thỏa thuận việc có hay không việc sử dụng chữ ký điện tử để ký thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chỉ là bắt buộc trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký.
2. Một số bất cập về quy định hợp đồng điện tử
Một là, chưa có quy định về công chứng hợp đồng điện tử. Theo khoản 1 Điều 2 Luật công chứng năm 2014, công chứng được hiểu là việc Công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Theo khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Từ các quy định trên có thể thấy rằng, đối với những giao dịch dân sự mà hợp đồng được thể hiện dưới dạng văn bản và có quy định về điều kiện công chứng là bắt buộc thì hợp đồng đó phải được công chứng.
Đối với hợp đồng điện tử, căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Điều này cũng có nghĩa rằng, các giao dịch dân sự thông qua phương thức điện tử cũng có thể được công chứng nếu pháp luật có quy định về công chứng. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa điều chỉnh vấn đề này. Bởi vì thực tế, đối với hợp đồng điện tử, các bên tham gia giao dịch hoàn toàn trao đổi, đàm phán nội dung hợp đồng và ký kết từ xa thông qua phương tiện điện tử, nên nếu có công chứng thì vấn đề đặt ra là hợp đồng điện tử sẽ được công chứng như thế nào và việc công chứng này có phù hợp với pháp luật hay không. Xét về bản chất thì hợp đồng điện tử vẫn được coi là một giao dịch bằng văn bản và việc công chứng hợp đồng bằng văn bản là điều cần thiết.
Hai là, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử chưa thật sự rõ ràng. Đối với việc xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, Luật giao dịch điện tử năm 2005 quy định, người có hành vi vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Còn cơ quan, tổ chức mà có hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử thì cũng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp giải quyết thông qua hòa giải. Trong trường hợp các bên không thể hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy định này chưa làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử. Hơn nữa, vấn đề giải quyết tranh chấp sẽ được tuân theo văn bản pháp luật chuyên ngành nào thì Luật giao dịch điện tử năm 2005 lại không đề cập.
Ba là, thiếu quy định về hình thức chữ ký hình ảnh và chữ ký scan. Thông thường, đối với các giao dịch được thực hiện bằng hợp đồng điện tử thì việc ký kết sẽ có 03 phương thức sử dụng chữ ký phổ biến, gồm chữ ký số, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh. Hiện tại, pháp luật hiện hành chỉ điều chỉnh chữ ký số, còn chữ ký scan, chữ ký hình ảnh chưa có quy định. Theo đó, chữ ký số có giá trị pháp lý và được công nhận trong việc gửi các tài liệu cho Tòa án mà không làm phát sinh các vấn đề về tính hiệu lực, hay văn bản được ký bằng chữ ký số không nhất thiết bắt buộc phải đóng dấu. Thực tế, chữ ký hình ảnh và chữ ký scan được sử dụng khá phổ biến, việc thiếu hành lang pháp lý sẽ tạo ra những hạn chế, bất cập khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Bốn là, thiếu quy định về chứng cứ điện tử. Theo đó, chứng cứ được thể hiện dưới dạng là dữ liệu của hợp đồng điện tử trở thành căn cứ quan trọng để xác định tính xác thực cũng như tính hợp pháp của một giao dịch điện tử. Đối với các hợp đồng truyền thống, hợp đồng bằng văn bản sẽ là chứng cứ quan trọng nhất xác định thỏa thuận của các bên có giá trị pháp lý và có được thực hiện trên thực tế hay không. Còn đối với hợp đồng điện tử, vì được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro mặc dù pháp luật đã quy định dữ liệu điện tử có giá trị làm chứng cứ. Hiện nay, quy định pháp lý về chứng cứ điện tử chưa cụ thể, dẫn đến thực tế, giá trị của chứng cứ là dữ liệu điện tử mà các bên đã gửi cho nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử có thể không còn toàn vẹn, thậm chí có thể bị bác bỏ nếu có sự nghi ngờ về tính chính xác và độ tin cậy.
Năm là, chưa có quy định điều chỉnh hợp đồng điện tử mẫu, mà cụ thể là hợp đồng thương mại điện tử mẫu. Hợp đồng theo mẫu là loại hợp đồng có những điều khoản rập khuôn do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương soạn thảo để giao dịch với nhiều khách hàng. Trong những giao dịch sử dụng hợp đồng điện tử mẫu, các nội dung đã được soạn sẵn, nên nếu khách hàng muốn bổ sung những thông tin được cho là cần thiết thì sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng truyền thống. Nói cách khác, khách hàng chỉ có thể hoặc chấp nhận, hoặc từ chối việc thực hiện giao kết hợp đồng, khả năng thương lượng về từng điều khoản trong hợp đồng điện tử hầu như rất khó xảy ra. Do vậy, khách hàng sẽ gặp nhiều bất lợi khi thực hiện các giao dịch thông qua hợp đồng điện tử. Các quy định về hợp đồng điện tử mẫu chưa được điều chỉnh cụ thể, do đó, quyền lợi của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng.
3. Một số kiến nghị sửa đổi Luật giao dịch điện tử năm 2005 về hợp đồng điện tử
Thứ nhất, bổ sung quy định về công chứng hợp đồng điện tử. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/20213 của Chính phủ về thương mại điện tử đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021, trong đó, nội dung hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử đã được quy định cụ thể và chi tiết hơn về điều kiện tiến hành hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử; nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hồ sơ đăng ký; quy trình đăng ký; xác nhận đăng ký; sửa đổi, bổ sung thông tin đã đăng ký; hủy bỏ, chấm dứt đăng ký. Tuy nhiên, Luật công chứng năm 2014 vẫn chưa đề cập đến việc công chứng hợp đồng điện tử. Điều này có nghĩa rằng, các quy định về công chứng hợp đồng điện tử chưa thật sự thống nhất. Do vậy, đối với công chứng hợp đồng điện tử, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát, đánh giá lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hiện đang mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó, thống nhất lại các quy định về công chứng hợp đồng điện tử.
Thứ hai, đối với các quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử. Như đã phân tích, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử còn khá chung chung và chưa cụ thể hóa cách thức xử lý và giải quyết. Điều này trở thành rào cản cho các cơ quan áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý các đối tượng vi phạm. Do vậy, tác giả cho rằng cần sớm hoàn thiện một số quy định sau:
- Đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, cần bổ sung các quy định về hành vi vi phạm để được áp dụng các hình thức xử lý là kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân; đình chỉ hoạt động đối với cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm hành chính cần phải tăng thêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm, bởi các mức phạt hiện nay chưa thật sự tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm.
- Vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng điện tử cần được quy định cụ thể và chi tiết, vì hiện nay Luật giao dịch điện tử năm 2005 quy định còn chung chung. Theo tác giả, cần quy định rõ theo hướng trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật nào, luật dân sự hay luật chuyên ngành khác có liên quan..., nhằm giúp cơ quan có thẩm quyền khắc phục các khó khăn và áp dụng pháp luật dễ dàng hơn.
Thứ ba, cần bổ sung quy định để điều chỉnh chữ ký scan và chữ ký hình ảnh. Thực tế hiện nay, pháp luật chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh các nội dung liên quan đến chữ ký điện tử, nên đối với những hợp đồng điện tử có sử dụng chữ ký scan hay chữ ký hình ảnh thì các bên gặp trở ngại trong việc đánh giá hiệu lực pháp lý của hai loại chữ ký này. Việc bổ sung các quy định về chữ ký scan hay chữ ký hình ảnh sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong những trường hợp các giao dịch có sử dụng hai loại chữ ký này. Từ đó, hạn chế được những rủi ro và các tranh chấp phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng điện tử có thể xảy ra trên thực tế liên quan đến chữ ký.
Thứ tư, về chứng cứ điện tử. Mặc dù có nhiều ưu điểm so với hợp đồng truyền thống nhưng hợp đồng điện tử vẫn gặp hạn chế ở khía cạnh chứng cứ điện tử, tức khả năng về tính pháp lý của hợp đồng điện tử không tuyệt đối khi thực hiện thông qua không gian mạng. Do vậy, để khắc phục tình trạng này thì pháp luật cần có những quy định cụ thể liên quan đến các yêu cầu kỹ thuật để bảo vệ thông điệp dữ liệu cũng như xác định, đánh giá một thông điệp dữ liệu có thể trở thành chứng cứ trong một vụ việc hay không.
Thứ năm, các nội dung về hợp đồng điện tử theo mẫu cần được quy định cụ thể. Việc xây dựng quy định cụ thể về hợp đồng điện tử theo mẫu là rất cần thiết, các nội dung nào là bắt buộc và yêu cầu đặt ra đối với một hợp đồng điện tử theo mẫu để có giá trị pháp lý là gì cần được quy định, hướng dẫn rõ ràng.