Luật Nhà ở (sửa đổi) cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật

Ngày đăng : 20:36, 19/06/2023

(Kiemsat.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 19/6/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ngày 19/6/2023, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh:CTV)

Tham gia thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, pháp luật không quy định chế độ sở hữu nhà nước mà quy định sở hữu toàn dân. Trong khi đó, dự thảo Luật lại quy định nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trong nhóm quy định về sở hữu nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nước. Như vậy về mặt khái niệm sở hữu nhà nước hay sở hữu toàn dân quy định của dự thảo luật chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự. Hiến pháp quy định rõ nhà ở được hình thành từ ngân sách nhà nước là tài sản công. Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ ràng hơn tài sản được hình thành từ ngân sách nhà nước là tài sản công, phải thực hiện việc quản lý sử dụng  theo quy định của pháp luật về tài sản công.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự án luật khó, phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của đông đảo người dân, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước. Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, khoản 3, Điều 146 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: Các quyết định của Ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại Điều này và Quy chế hoạt động của Ban quản trị thì không có giá trị pháp lý; trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Hơn nữa, theo Bộ luật Hình sự, chỉ pháp nhân thương mại mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân thương mại, nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại biểu đề nghị sửa khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung cụm từ “thành viên” vào trước cụm từ “Ban quản trị nhà chung cư”; bổ sung cụm từ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” vào trước cụm từ “vượt quá quyền hạn. Đoạn 2 khoản 3 Điều 152 dự thảo luật quy định: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, không thống nhất với đoạn 2 khoản 1 Điều 5 và khoản 3 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự. Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 3 Điều 152 thành: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì UBND cấp tỉnh kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc này.

Đánh giá về sự đồng bộ của dự thảo Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tán thành nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đồng thời cho biết, hiện nay, nhiều nội dung của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) còn dễ chồng chéo với nhiều luật khác có liên quan.

Cụ thể, các quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại Điều 38, về quỹ đất thực hiện dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư tại Điều 52, về nhà ở xã hội tại Điều 80, về chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại khoản 1 Điều 66… đều còn chồng chéo. Đại biểu cho rằng những vấn đề này cần được quy định tập trung tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo phù hợp về phạm vi điều chỉnh giữa hai dự án luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh:CTV)

Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn các ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ và hội trường và tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo luật.

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 08 năm thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật này với các luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc xây dựng dự án luật luôn bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, văn bản khác có liên quan của Chính phủ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển thị trường bất động sản; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Dự án luật được xây dựng trên quan điểm giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến bất động sản như đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương về thị trường bất động sản. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh; đảm bảo vận hành các quan hệ về kinh doanh bất động sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trịnh Quyết