Xây dựng, hoàn thiện Quy định về văn hoá công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân
Ngày đăng : 10:18, 05/06/2023
Việc thực hiện Quy định sẽ nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực; bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân. |
Qua 3 năm thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-VKSTC ngày 16/01/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao đã góp phần nâng cao văn hóa công vụ, hình thành phong cách, ứng xử, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của VKSND các cấp. Đồng thời khuyến khích những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác tiếp tục thực hiện những quy định này, giữ gìn hình ảnh, đạo đức của người cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành trong bối cảnh nhiều đạo luật tư pháp được sửa đổi, bổ sung tăng thêm nhiều nhiệm vụ cho ngành Kiểm sát nhân dân; kịp thời tiếp thu đầy đủ các nội dung về văn hóa công vụ nêu tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án văn hóa công vụ và các văn bản có liên quan; VKSND tối cao xây dựng dự thảo Quy định về văn hóa công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân trên cơ sở kế thừa những nội dung của Quy tắc ứng xử và bổ sung một số nội dung mới. Quy định sẽ được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; VKSND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; khuyến khích áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Cụ thể, Quy định về văn hoá công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân quy định về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; tinh thần, thái độ, tác phong, lề lối làm việc; chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong nội bộ cơ quan, trong quan hệ xã hội và trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị. Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực; bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng thời, bảo đảm việc công khai, minh bạch các nhiệm vụ, công vụ và các quan hệ xã hội của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo đúng qu định của pháp luật và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân; cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tu dưỡng rèn luyện bản thân; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; làm cơ sở để thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; là một trong những căn cứ để cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân.
Đối với thái độ, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát: Phải trung thành với Nhà nước CHXHCN Việt Nam; bảo vệ danh dự và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân. Khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức và người lao động phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân: Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”; phải có ý thức tổ chức kỷ luật, sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, đơn vị và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân; đề cao trách nhiệm nêu gương của người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý, không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực, uy tín hoặc không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý theo quy định Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đối với tác phong, lề lối làm việc khi làm việc tại cơ quan, đơn vị và trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân phải có tư thế, tác phong, cử chỉ, trang phục nghiêm túc; có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc; hợp tác, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.
Dự thảo Quy định về văn hoá công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân có bố cục gồm 03 Chương với 24 Điều (tăng 07 Điều so với Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-VKSTC ngày 16/01/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao), gồm:
- Chương I: Quy định chung, gồm 04 Điều, từ Điều 1 đến Điều 4 quy định Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Mục đích; Nguyên tắc.
- Chương II: Nội dung quy định về văn hóa công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân, gồm 03 Mục: Mục 1: Tinh thần, thái độ, tác phong, lề lối làm việc; Mục 2: Chuẩn mực giao tiếp ứng xử; Mục 3: Chuẩn mực đạo đức, lối sống.
- Chương III: Điều khoản thi hành, gồm 03 Điều, từ Điều 22 đến Điều 24, quy định về Hiệu lực thi hành; Khen thưởng, kỷ luật và Trách nhiệm thi hành.
Những nội dung mới so với Quy tắc ứng xử :
- Điểm mới Chương II của dự thảo Quy định so với Quy tắc ứng xử là Chương II được kết cấu gồm 03 Mục trên cơ sở các nhóm nội dung của văn hóa công vụ được nêu tại điểm a, b, c khoản 4 Điều 1 Quyết định số 1847/QĐ-TTg.
- Chương III của dự thảo Quy định được kế thừa nội dung tại Chương III của Quy tắc ứng xử, ngoài ra Điều 24 (Trách nhiệm thi hành) được xây dựng trên cơ sở gộp nội dung Điều 15 (Trách nhiệm thi hành) và Điều 17 (Điều khoản thi hành) để tránh trùng tên của Điều 17 với tên Chương, hơn nữa nội dung của Điều 17 phù hợp với quy định về Trách nhiệm thi hành.