Giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng
Ngày đăng : 08:00, 03/06/2023
1. Cơ sở pháp lý
Điều 2 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó, ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Đồng thời, khoản 2 Điều 14 BLDS năm 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”.
Để bảo đảm sự tương thích với quy định nêu trên, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 cũng quy định thẩm quyền của Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại Mục 3 Chương III gồm 3 điều (từ Điều 43 đến Điều 45). Theo đó, thẩm quyền của Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 35 đến Điều 41 BLTTDS năm 2015; trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng theo thủ tục chung. Khi giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng, Tòa án phải căn cứ vào tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.
Để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng được thực hiện khách quan, công bằng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và công dân được bảo vệ kịp thời và hiệu quả, đồng thời tránh sự tùy tiện, lạm quyền của Tòa án trong quá trình tố tụng, Điều 21 BLTTDS năm 2015 quy định: Viện kiểm sát tham gia tất cả các phiên họp, phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật.
Như vậy, BLDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 đã quy định đối với các vụ, việc dân sự, những tranh chấp phát sinh nhưng chưa có điều luật để áp dụng thì Tòa án được áp dụng tập quán hoặc áp dụng tương tự pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết. Theo đó, trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán đó không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015; trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6 BLDS năm 2015 thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015, án lệ, lẽ công bằng.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Thực tiễn giải quyết những vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc sau:
Một là, theo khoản 3 Điều 45 BLTTDS năm 2015: “Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của BLDS, khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Tuy nhiên, các quy định về tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng trong BLDS và BLTTDS hiện hành vẫn còn chung chung về khái niệm cũng như trình tự, thủ tục áp dụng, dẫn đến sự lúng túng trong việc vận dụng trên thực tiễn. Nếu quy trình lựa chọn, áp dụng, thay thế và hủy bỏ án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015, sau đó thay thế bằng Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019, thì việc áp dụng các nguồn luật khác chưa được hướng dẫn cụ thể.
Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 5 BLDS năm 2015: “Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự”. Tuy nhiên, để xác định thời gian dài là bao lâu, cũng như quy trình xác định quy tắc xử sự nào đó được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư là tập quán thì pháp luật chưa quy định rõ.
Theo khoản 3 Điều 45 BLTTDS năm 2015: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải, được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”. Tuy nhiên, như thế nào là lẽ phải, không có sự thiên vị và tất cả đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ thì chưa có văn bản hướng dẫn. Thực tế cho thấy, mỗi cá nhân đều có những quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề khác nhau, nên cùng một sự việc xảy ra, mỗi người sẽ có cách đánh giá riêng, điều này dẫn đến những quan điểm, ý kiến khác nhau về sự công bằng.
Hai là, qua công tác kiểm sát và đánh giá các vụ án có áp dụng án lệ, có thể thấy, các án lệ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành trong thời gian vừa qua đã tạo thuận lợi cho Tòa án nhân dân các cấp áp dụng làm căn cứ cho lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định của Tòa án trong các tình huống đa dạng phát sinh từ thực tiễn mà khi xây dựng luật không thể đoán định hết. Tuy nhiên, theo tác giả, việc lựa chọn, ban hành và áp dụng án lệ còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:
- Các tranh chấp dân sự ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, loại hình tranh chấp đa dạng trong khi nhiều vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; do đó, yêu cầu đặt ra đối với công tác phát triển án lệ là một thực tế khách quan. Tuy nhiên, số lượng án lệ đã ban hành nói chung và án lệ về lĩnh vực dân sự nói riêng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử. Theo chúng tôi, một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn xét xử cần ban hành án lệ để áp dụng pháp luật thống nhất.
Ví dụ: Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Hiện nay, đường lối xét xử về giải quyết hậu quả của hợp đồng thế chấp vô hiệu vẫn còn có nhận thức khác nhau, dẫn đến áp dụng pháp luật không thống nhất. Trong tình huống hợp đồng thế chấp của bên thứ ba bị vô hiệu, đương sự có yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng thế chấp vô hiệu nhưng bản án chỉ tuyên hợp đồng thế chấp không có hiệu lực pháp luật do vô hiệu mà không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Quan điểm thứ nhất cho rằng, bản chất của hợp đồng thế chấp chỉ là giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay, nếu vô hiệu thì thỏa thuận bảo đảm không phát sinh hiệu lực, bên vay vẫn phải trả nợ kể cả bằng tài sản khác của mình, chỉ đến khi nào bên vay mất khả năng thanh toán thì mới xác định được hậu quả thiệt hại của ngân hàng và khi đó mới phát sinh yêu cầu giải quyết về hậu quả của hợp đồng thế chấp vô hiệu. Quan điểm thứ hai xác định, số tiền còn nợ của bên vay tại thời điểm xét xử là hậu quả của hợp đồng thế chấp vô hiệu và phân chia nghĩa vụ cho các bên có lỗi là ngân hàng, bên thế chấp, văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã (trường hợp chứng thực) phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường trả cho ngân hàng (trừ đi phần của ngân hàng phải chịu trách nhiệm tương ứng với lỗi). Đây là vấn đề vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn, đường lối xét xử của Tòa án hiện không thống nhất nên rất cần lựa chọn, ban hành án lệ để giải quyết.
- Theo Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Nghị quyết số 04/2019) thì: “Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: (1) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; (2) Có tính chuẩn mực; (3) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Trong thực tế, từ khi quy định này ra đời, chưa có văn bản giải thích thế nào là “có tính chuẩn mực”, căn cứ vào tiêu chí nào để đánh giá là “có tính chuẩn mực”. Đồng thời, bản án, quyết định được lựa chọn xem xét để phát triển thành án lệ đảm bảo tính chuẩn mực về nội dung hay chuẩn mực về hình thức? Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến số lượng án lệ được công bố còn hạn chế.
Theo khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019, việc áp dụng án lệ được thực hiện như sau: “… Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”.
Như vậy, khi xét xử các vụ án dân sự, Thẩm phán phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để đảm bảo các tình huống pháp lý tương tự được giải quyết như nhau. Tuy nhiên, trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do. Quy định này tạo ra cách hiểu không thống nhất trong thực tiễn áp dụng, theo đó, khi có lý do nào đó thì kể cả trong trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự với án lệ nhưng Hội đồng xét xử cũng có quyền không áp dụng án lệ. Điều này làm giảm tính hiệu lực của án lệ trong thực tiễn. Đồng thời, việc Hội đồng xét xử nêu lý do trong trường hợp này thì có được xem xét, chấp nhận hay không? Nếu lý do đưa ra không được chấp nhận thì sẽ xử lý như thế nào? Đây là những vấn đề đặt ra khi áp dụng quy định này trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự mà hiện chưa có văn bản giải đáp chính thức.
3. Kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được giao nghiên cứu hồ sơ cần có phương pháp nghiên cứu, phân tích, tổng hợp và đánh giá đầy đủ, chi tiết tất cả các tình tiết, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án một cách khách quan, toàn diện và khoa học. Việc nghiên cứu nắm vững hồ sơ vụ án sẽ giúp việc đánh giá về tố tụng và đề xuất đường lối giải quyết đối với vụ án chính xác hơn. Đối với những vụ án không có điều luật áp dụng, quá trình nghiên cứu, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, khi giải quyết các tranh chấp, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần xác định đối tượng khởi kiện, quan hệ pháp luật điều chỉnh đối tượng khởi kiện đó; trường hợp không có luật điều chỉnh mới áp dụng tập quán; tương tự pháp luật; nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.
Thứ hai, nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng được quy định tại Điều 45 BLTTDS năm 2015. Theo đó, việc áp dụng các căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng được thực hiện theo thứ tự sau: (1) Áp dụng tập quán; (2) Áp dụng tương tự pháp luật; (3) Áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.
Thứ ba, án lệ chỉ được áp dụng khi “các tình tiết khách quan cơ bản” của vụ việc dân sự đang được giải quyết được xác định là tương tự với “các tình tiết khách quan cơ bản” của vụ việc dân sự trong án lệ. Nói cách khác, đây là những tình tiết quan trọng làm cơ sở cho yêu cầu của đương sự. Nếu các tình tiết khách quan cơ bản này chỉ giống nhau một phần hoặc phần lớn thì không được áp dụng án lệ.
Tóm lại, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên khi đề xuất áp dụng án lệ cần cập nhật kịp thời các án lệ, hiểu được các tình tiết, nội dung cơ bản của án lệ, xác định vụ việc đang giải quyết có tình tiết, nội dung tương tự án lệ không. Đây là vấn đề khó, phức tạp; do đó, yêu cầu đặt ra là Kiểm sát viên cần nâng cao năng lực để có đủ trình độ, kỹ năng giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự; đồng thời, cần tổng hợp các bản án áp dụng tập quán pháp, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để công chức, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên học tập, nghiên cứu, nâng cao nghiệp vụ.
Ngoài ra, theo chúng tôi, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần làm rõ tiêu chí lựa chọn án lệ quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019, tạo điều kiện cho phát triển án lệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.