Ngành Kiểm sát nhân dân quán triệt, vận dụng tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ

Ngày đăng : 08:00, 01/06/2023

(Kiemsat.vn) - Với trách nhiệm là một trong những ngành, đơn vị nòng cốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đấu tranh có hiệu quả nhất đối với tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụvà đạt nhiều kết quả quan trọng; góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm môi trường an ninh chính trị, kinh tế, xã hội ổn định, lành mạnh để phát triển đất nước.

1. Về nhận thức, hành động và những kết quả đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ

Từ năm 2013 đến năm 2022, tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ tăng về số vụ và bị can. Trong đó: Tội phạm về tham nhũng: Năm 2014 khởi tố 292 vụ/574 bị can; năm 2022 khởi tố 493 vụ/1.123 bị can,  tăng trung bình 7,6%/năm về số vụ, 10,6%/năm về số bị can. Tội phạm về kinh tế: Năm 2014 khởi tố 1.333 vụ/2.102 bị can; năm 2022 khởi tố 2.549 vụ/4.395 bị can, tăng trung bình 10,1%/năm về số vụ, 12,1%/năm về số bị can. Tội phạm về chức vụ: Năm 2014 khởi tố 34 vụ/89 bị can; năm 2022 khởi tố 51 vụ/221 bị can, tăng trung bình 8,9%/năm về số vụ, 16,5%/năm về số bị can.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, đã phát hiện nhiều vụ án kinh tế, chức vụ có quy mô đặc biệt lớn, diễn ra trong thời gian dài (có vụ hơn 10 năm), với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khép kín, có hành vi thao túng để trục lợi bất chính về kinh tế, hình thành nhóm lợi ích giữa trong nhà nước và ngoài nhà nước (cá nhân, doanh nghiệp) gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là thiệt hại về tài sản, cán bộ, suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, tiêu hao nguồn lực phát triển đất nước.

Quán triệt nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, với trách nhiệm là một trong những ngành, đơn vị nòng cốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đấu tranh có hiệu quả nhất đối với tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ và đạt nhiều kết quả quan trọng như sau: (1) Quán triệt Nghị quyết của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao, các chỉ thị (hằng năm, chuyên đề) của Viện trưởng VKSND tối cao, cấp ủy, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ thường xuyên yêu cầu đội ngũ cán bộ,  Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ, nghiêm túc về nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực; sự cần thiết, tất yếu phải đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “trở thành xu thế không thể đảo ngược”; về mục tiêu chính trị nhất quán là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước để phát triển đất nước; về những quan điểm chỉ đạo, phương châm xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực và vai trò của lực lượng nòng cốt, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. (2) Lãnh đạo, Kiểm sát viên ý thức rõ  về vị trí pháp lý, vai trò của ngành Kiểm sát theo Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộluật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021; thực hiện cơ chế “công tố song hành” (không quan liêu, thụ động), sử dụng hết thẩm quyền của Viện kiểm sát/Kiểm sát viên để làm rõ sự thật, bản chất vụ việc, vụ án, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm và không hình sự hóa quan hệdân sự, kinh tế và ngược lại. (3) Cán bộ, Kiểm sát viên thường xuyên cập nhật kiến thức về pháp luật, kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề và thông qua từng vụ việc, vụ án cụ thể và từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. (4) Giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất, đạo đức của người cán bộ Kiểm sát, không để bị tha hóa; nâng cao bản lĩnh làm nghề, ý thức kỷ luật trong khi làm nhiệm vụ… (5) Sàng lọc kỹ để lựa chọn và đề cao trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng, chức vụ (về đạo đức, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác và bản lĩnh nghề nghiệp…) để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; biệt phái Kiểm sát viên đến làm công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương điều tra, truy tố chuyển đến các Tòa án địa phương để xét xử theo thẩm quyền. (6) Ngành Kiểm sát nhân dân đã giải quyết một khối lượng rất lớn vụ việc, vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ trong khoảng 10 năm gần đây (từ 01/12/2013 đến năm 2022). Theo đó, đã kiểm sát khởi tố điều tra 19.127 vụ/33.548 bị can, truy tố 16.501 vụ/32.476 bị can, kiểm sát xét xử sơ thẩm 15.582 vụ/ 30.561 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, thụ lý 179 vụ án/1.341 bị can, 124 vụ việc; truy tố 129 vụ/1.234 bị can; xét xử sơ thẩm 125 vụ án/1.190 bị cáo thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo (chiếm gần 70% tổng số vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo).

Quan điểm chỉ đạo và xử lý của ngành Kiểm sát nhân dân bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, nghiêm minh, vừa có lý vừa có tình, tính thuyết phục, cảm hóa đối với người sai phạm ngày càng cao; trường hợp bị oan giảm dần, chiếm tỉ lệ không đáng kể; chất lượng truy tố, buộc tội, tranh tụng tiếp tục có nhiều tiến bộ (nhiều đối tượng không thành khẩn, đối phó, chối tội nhưng sau tranh luận, đối đáp đã thừa nhận sai phạm, xin khắc phục hậu quả, xin giảm nhẹ hình phạt cho mình và đồng phạm cấp dưới); vai trò trách nhiệm của Viện kiểm sát/Kiểm sát viên được thể hiện rõ nét hơn; gắn nhiệm vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ của ngành với nhiệm vụ hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước. Những kết quả trên được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, Nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ hiện nay.

2. Quán triệt, vận dụng tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ của ngành Kiểm sát nhân dân

2.1. Xác định nhiệm vụ tham mưu xây dựng thể chế là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân

(1) Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao và quy định của ngành Kiểm sát đã đề ra chỉ tiêu kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm (định kỳ hoặc đột xuất) đối với các cấp kiểm sát. Với tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, vấn đề này lại càng đặt ra cao hơn, gắn với yêu cầu hiện nay của Đảng là hoàn thiện thể chế để “không thể” tham nhũng, không chỉ chú ý mặt trừng trị để “không dám” tham nhũng, mà còn bảo đảm phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc (do nguyên nhân luật pháp còn nhiều kẽ hở, quản lý không chặt, không nghiêm).

(2) Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ; lãnh đạo, Kiểm sát viên đã chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội thuộc về thể chế và quản lý nhà nước, điển hình:

- Văn bản pháp luật còn nhiều bất cập, phân tán trách nhiệm quản lý cho nhiều chủ thể dẫn đến khó khăn trong việc xác định trách nhiệm (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, BộTài chính); pháp luật còn thiếu, không rõ ràng, cụ thể, dẫn đến việc đối tượng lợi dụng để phạm tội, thu lợi bất chính (như không bắt buộc thẩm định giá Nhà nước, không xác định quy mô mua sắm tài sản như thế nào là lớn); pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, đối tượng sử dụng văn bản có lợi để lách luật, phạm tội và thu lợi bất chính; pháp luật lỏng lẻo, không đủ căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm quản lý nhà nước.

- Quản lý nhà nước bị buông lỏng: Không kiểm tra các công ty tư vấn, thẩm định giá, dẫn đến thông đồng với chủ đầu tư; cơ chế thẩm định mang tính thủ tục, hình thức nên không phát hiện được sai phạm.

- Quản lý nhà nước có tiêu cực, tham nhũng: Các đối tượng dùng quan hệ thân quen, dùng lợi ích để tác động, mua chuộc, thậm chí tạo áp lực đối với người có chức vụ, quyền hạn để sai phạm. 

- Có dấu hiệu thao túng chính sách bằng việc ra văn bản trái pháp luật dùng để quản lý dẫn đến sai phạm.

(3) Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bộc lộmột số bất cập (định lượng xử lý hình sự trong các tội phạm kinh tế, chức vụ không phù hợp với thực tiễn, tương quan về mức hình phạt chưa phù hợp giữa các tội danh như Điều 356 và Điều 219). Ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị.

Trong những năm qua, ngành Kiểm sát đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền rà soát, hoàn thiện thể chế để phòng ngừa vi phạm, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ.

2.2. Hướng trọng tâm công tác xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ vào các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực

Công tác xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ phải tập trung phát hiện, xử lý ngay những tội phạm xảy ra trong các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo lập môi trường trong sạch, lành mạnh để tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước.

Trong những năm qua, toàn ngành Kiểm sát đã phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý rất nhiều vụ án trong các lĩnh vực quản lý đất đai, tài sản công, cổ phần hóa, xã hội hóa, tài chính ngân hàng, an sinh xã hội (giáo dục, y tế...), chứng khoán. Qua giải quyết các vụ án này cho thấy: (1) Hành vi thao túng và lợi ích nhóm giữa công và tư; (2) Tham nhũng trong khu vực tư không ít, nhưng xử lý chưa nhiều; (3) Hậu quả gây ra rất nghiêm trọng về nhiều mặt như: Mất cân đối trong quản trị, điều tiết của Nhà nước (sau cùng thì Nhà nước vẫn phải xử lý hậu quả trước để giữ ổn định nền kinh tế, ổn định thị trường, xã hội); rối loạn thị trường kinh tế, tài chính, vốn; mất tài sản, mất nguồn lực để phát triển đất nước; mất cán bộ; mất niềm tin… Năm 2022, ngành Kiểm sát đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý kịp thời, nghiêm minh rất nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, dư luận quan tâm được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

2.3. Chủ động tham mưu giải quyết nhiều việc khó, phức tạp, vượt qua nhiều thách thức chưa từng có trong tố tụng hình sự

(1) Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tập trung chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc về thể chế cũng như trong từng vụ án cụ thể, bảo đảm tiến độ, yêu cầu đặt ra. Điển hình như, để khắc phục khó khăn, chậm trễ trong xác định thiệt hại, VKSND tối cao đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017, quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

(2) Ngành Kiểm sát đã chủ động, chủ trì, phối hợp thực hiện phân quyền, phân cấp, quản lý, phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án hình sự lớn; phân cấp về phạm vi kết luận, truy tố, xét xử (theo hành vi sai phạm/tương ứng với tội danh; diện về đối tượng/trong hay ngoài công lập; phạm vi quyết định về dân sự; chuyển giao và sử dụng kết quả điều tra của nhau…). Đây là những vấn đề mới, phi truyền thống và phải có cách làm đúng, phù hợp mới giải quyết tốt vụ án.

Quy mô đối tượng phạm tội trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ là rất lớn. Do đó, việc phân loại, phân hóa sâu để xử lý là điều bắt buộc. Ngành Kiểm sát đã chủ động cùng cơ quan tiến hành tố tụng tham mưu, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cấp ủy địa phương cho phân loại, phân hóa để xử lý theo nguyên tắc đúng bản chất, nghiêm minh, nhân văn, nhân đạo (xét đến tận cùng nguyên nhân gốc của sai phạm).

(3) Phương thức, thủ đoạn phạm tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ thời gian gần đây không giống như tội phạm truyền thống nên vấn đề xác định thời điểm, loại, mức thiệt hại, người bị thiệt hại trong nhiều vụ án hiện nay rất phức tạp, còn nhiều quan điểm khác nhau, nhất là trong các vụ án về chứng khoán, lừa đảo. 

(4) Để xử lý kịp thời đối tượng phạm tội bỏ trốn, theo đúng yêu cầu “trốn cũng không thể thoát”. Ngành Kiểm sát chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra thu thập đủ chứng cứ về hành vi phạm tội của những bị can bỏ trốn và truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

2.4. Quán triệt nghiêm, hiện thực hóa các quan điểm, phương châm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(1) Quán triệt quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, cấp ủy, lãnh đạo, Thủ trưởng đơn vị VKSND các cấp đã chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm là: Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp theo đúng quy định của pháp luật; tập trung xử lý những vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ mang tính tập thể, có tổ chức; kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời cán bộ tham nhũng. Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội là phải được tiến hành điều tra; có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố; có cáo trạng thì phải được đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời. Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự thì phối hợp cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin để xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể.

(2) Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ đều xảy ra một thời gian dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Do vậy, kết quả điều tra rõ đến đâu thì chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý đến đó; đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo cho chủ trương tách vụ án để giải quyết vụ án ở nhiều giai đoạn.

(3) Xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án, Kiểm sát viên chủ động đánh giá khách quan, toàn diện, thấu đáo các tình tiết của bị can, bị cáo (về tính chất, mức độ sai phạm; vị trí, vai trò đồng phạm; nguyên nhân, bối cảnh khách quan, chủ quan dẫn đến sai phạm; thái độ về sai phạm, hậu quả gây ra, mức độ hợp tác) để có quan điểm xử lý đúng pháp luật, nghiêm minh; thể hiện rõ chính kiến và chịu trách nhiệm về quan điểm của mình trước lãnh đạo và trước pháp luật.

Hầu hết các đối tượng bị xử lý đều đã nhận thức rõ sai phạm của mình, ăn năn, hối cải; nói lời sau cùng, có nhiều bị can, bị cáo day dứt, hối hận về việc làm sai trái của mình, xin lỗi Đảng, chính quyền và Nhân dân, mong muốn khắc phục hậu quả đã gây ra; tâm phục, khẩu phục về việc truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát, qua đó cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.

2.5. Chủ động tham mưu phối hợp thực hiện đồng bộ giữa thi hành kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự

(1) Cấp ủy, lãnh đạo, thủ trưởng Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng có thể thực hiện trước hoặc cùng với xử lý hình sự. Nội dung phối hợp tập trung vào việc cung cấp, chia sẻ thông tin, tài liệu; cùng nhau đánh giá sai phạm để xem xét trách nhiệm, bảo đảm đồng bộ, liên thông, toàn diện về loại hình trách nhiệm theo quy định của Đảng, của pháp luật, đúng tinh thần chỉ đạo “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” của đồng chí Tổng Bí thư.

(2) Quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì kịp thời yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án; ngược lại, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm toán, nếu phát  hiện sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên thì phải kịp thời thông báo và chuyển tài liệu cho cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định; sai phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử lý kỷ luật về hành chính.

 2.6. Chủ động yêu cầu thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt

(1) Ngành Kiểm sát nhân dân đã yêu cầu đội ngũ lãnh đạo, Kiểm sát viên chú trọng phối hợp với Cơ quan điều tra để kiểm tra, xác minh về tình trạng pháp lý của tài sản, nguy cơ chuyển dịch tài sản với mục đích tẩu tán (nếu có) và áp dụng ngay các biện pháp: Tạm dừng giao dịch tài khoản, tài sản (tiền tố tụng); phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản (trong tố tụng) để thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

(2) Chú trọng yêu cầu điều tra theo hướng làm rõ bản chất vụ án (đa số bị can phạm tội với lỗi cố ý, động cơ vụ lợi, có chiếm đoạt), từ đó thúc đẩy thái độ chủ động, tự nguyện khắc phục hậu quả đã gây ra hoặc thường xuyên giải thích, động viên người phạm tội khắc phục hậu quả để hưởng khoan hồng của pháp luật.

Kết quả: Tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ tăng từ 10% đến 30 - 40%; nhiều vụ án đang điều tra có giá trị tài sản bị kê biên, phong tỏa lớn hơn nhiều lần so với hậu quả thiệt hại được chứng minh, kết luận.

Hồ Đức Anh