Vụ án Vi Văn Phượng phạm tội "Giết người" xảy ra tại Bắc Giang: Giảm hình phạt cho bị cáo từ tử hình xuống chung thân
Ngày đăng : 14:19, 24/05/2023
Vụ án xảy ra năm 2012, khi đó cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang xác định, bị cáo Vi Văn Phượng sống chung với người mẹ ruột bị mù là bà Nguyễn Thị V. Từ năm 2009, Phượng vay tiền và vàng để cho con trai đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, trong đó có vay bà V 1,5 chỉ vàng, bà V nhiều lần đòi vàng nhưng Phượng chưa trả được. Sau đó, Phượng đến tiệm vàng mua 1,5 chỉ vàng để trả cho mẹ nhưng vì bà V nói là vàng giả nên Phượng bức xúc vì nghĩ mẹ không tin mình.
Sáng ngày 05/10/2012, Vi Văn Phượng đi làm rồi ăn trưa tại nhà người khác. Hơn 11h trưa Phượng về nhà để mua mì tôm nấu cho mẹ, nhưng khi tới nhà lại dùng dao chém nhiều nhát khiến bà V tử vong. Ngày 19/5/2012, Vi Văn Phượng bị bắt. Các chứng cứ có được là chiếc áo cộc màu trắng Phượng mặc khi chém bà V được vắt lên dây phơi sau khi gây án và hung khí là con dao quắm dùng để gây án.
Ngày 30/8/2016, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành kháng nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Tháng 11/2016, TAND tối cao đã tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.
Sau khi hủy án điều tra lại, năm 2019, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm lần thứ hai và vẫn kết luận, bị cáo Vi Văn Phượng giết mẹ đẻ bằng cách dùng dao chém nhiều nhát một cách tàn nhẫn. Bị cáo Vi Văn Phượng tiếp tục kháng cáo kêu oan. Sau 4 năm kháng cáo, sáng ngày 23/5/2023 phiên tòa xét xử phúc thẩm được mở để xem xét kháng cáo của bị cáo Phượng.
Bị cáo Vi Văn Phượng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. |
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Vi Văn Phượng khai rằng, bị cáo không sát hại mẹ. Giải thích về lý do từng có lời khai nhận tội, bị cáo Phượng cho biết lý do khai nhận như vậy vì bị một Điều tra viên đánh đập. Tuy nhiên, khi đối chất tại phiên tòa, Điều tra viên đã bác bỏ lời khai của bị cáo và khẳng định, không ép cung và đã làm đúng quy định của pháp luật.
Kiểm sát viên đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm, bị cáo Vi Văn Phượng có 6 giai đoạn khai báo. Ban đầu không nhận tội, nhưng sau khi bị bắt ngày 19/10/2012 lại khai là đang làm việc thì quay về giết mẹ lúc 9h, rồi trở lại đi làm. Hai ngày sau, bị cáo Phượng khai lại, giết mẹ lúc hơn 11h; đến ngày 31/10/2012 bị cáo lại kêu oan. Sau đó, bị cáo Phượng lại nhận tội rồi lại kêu oan từ năm 2013 tới nay.
Kiểm sát viên cho rằng, các lời khai của bị cáo Phượng thay đổi thời gian, lúc nhận tội, lúc không nhận tội và khai báo không nhất quán. Sau khi phân tích, đánh giá về những mâu thuẫn trong các lời khai của bị cáo, Kiểm sát viên đã đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm tử hình đối với bị cáo Phượng để điều tra lại vụ án.
Sau thời gian nghị án, cuối phiên xét xử ngày 23/5, HĐXX phúc thẩm đã ra phán quyết đối với bị cáo Vi Văn Phượng. Theo HĐXX phúc thẩm, vụ án này có một số vi phạm trong quá trình giải quyết. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi bản chất sự việc. Vì thế, HĐXX xử phúc thẩm quyết định bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Phượng.
Đối với lời khai của bị cáo Phượng về việc bị bức cung, nhục hình, HĐXX phúc thẩm thấy không có căn cứ nên không xem xét. Theo HĐXX phúc thẩm, bị cáo Phượng là người dân tộc thiểu số, phạm tội lần đầu, lại nuôi mẹ mù trong thời gian dài. Ngoài ra, đại diện hợp pháp của bị hại có mong muốn giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do đó HĐXX phúc thẩm quyết định giảm hình phạt cho bị cáo Phượng từ tử hình xuống chung thân về tội "Giết người".