Sự phát triển của công lý phục hồi ở Châu Âu và liên hệ với Việt Nam

Ngày đăng : 08:00, 30/05/2023

(Kiemsat.vn) - Trên thế giới, một số Chính phủ đã giúp đỡ hoặc cho phép các cơ quan tư pháp hình sự áp dụng và thực hiện công lý phục hồi một cách triệt để và đạt được những hiệu quả nhất định. Những năm gần đây, nhiều quốc gia châu Âu đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong nhận thức ở việc sử dụng công lý phục hồi trong hệ thống tư pháp hình sự. Tìm hiểu về công lý phục hồi để nghiên cứu, áp dụng vào hệ thống tư pháp hình sự có ý nghĩa thiết thực trong cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.

1. Một số vấn đề cơ bản về công lý phục hồi

Trên thực tế, có nhiều cách định nghĩa khác nhau về cụm từ công lý phục hồi (Restorative justice). Theo định nghĩa của Tony Marshall thì: “Công lý phục hồi là một quy trình thông qua đó những bên liên quan tới một vi phạm cùng nhau quyết định về cách thức giải quyết những bước tiếp theo của vi phạm này và các hậu quả trong tương lai”; còn theo định nghĩa của Howard Zerh thì: “Công lý phục hồi là một quy trình nhằm mục đích tập hợp, càng nhiều càng tốt, tất cả các bên liên quan đến một hành vi phạm tội cụ thể và tìm cách cùng xác định và giải quyết sự đau đớn phải gánh chịu, nhu cầu và nghĩa vụ, để chữa lành và khắc phục nhiều nhất có thể”1. Công lý phục hồi tạo cơ hội cho nạn nhân, người phạm tội và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tội phạm giao tiếp (trực tiếp hoặc gián tiếp) về nguyên nhân, hoàn cảnh và tác động của tội phạm cũng như giải quyết các yêu cầu liên quan đến họ.

Công lý phục hồi là lý thuyết tập trung vào hòa giải, thỏa thuận hơn là trừng phạt. Người phạm tội phải nhận trách nhiệm đối với bị hại và đền tội với nạn nhân. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia khác nhau đã thử áp dụng phương pháp này với nỗ lực làm cho hệ thống tư pháp hình sự của họ hiệu quả hơn. Công lý phục hồi không phải là một ý tưởng mới. Trên thực tế, nó đã là một hình thức công lý phổ biến trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, nó hoàn toàn khác với hệ thống trừng phạt. Thay vì giam giữ tội phạm, một hệ thống tư pháp phục hồi yêu cầu họ sửa đổi hành vi sai trái của mình và thay đổi cách thức của họ trong tương lai. Đó là một hệ thống coi tội phạm không phải là vi phạm các quy tắc mà là một hành động gây hại. Bởi vì điều này, nó coi việc giam giữ là một phản ứng gián tiếp, không đầy đủ và cuối cùng là không hiệu quả đối với tội phạm.

Công lý phục hồi góp phần xây dựng một hệ thống tư pháp hình sự dễ tiếp cận, nhân ái và công bằng; thúc đẩy sự an toàn và hạnh phúc trong cộng đồng xã hội. Trong hệ thống công lý phục hồi, có thể bao gồm các hoạt động chính như sau:

- Gặp gỡ: Khi có thể và khi cả hai bên đồng ý, tội phạm và nạn nhân cùng nhau thảo luận về hành vi phạm tội và ảnh hưởng của nó; thống nhất về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trong tình huống các bên không thể hoặc sẽ không gặp nhau, bước này có thể được bổ sung hoặc bỏ qua. Cuộc gặp gỡ là điểm khởi đầu; bắt đầu bằng một lời mời và tất cả các bên tham gia một cách tự nguyện.

- Thực hiện sửa đổi: Thay vì bị giam giữ, tội phạm bị kết án được mong đợi sẽ sửa đổi thông qua quá trình xin lỗi và bồi thường. Việc bồi thường có thể được yêu cầu bởi Tòa án hoặc được thỏa thuận giữa tội phạm và nạn nhân.  Bởi vì hành vi phạm tội gây thiệt hại cho con người và phá vỡ các mối quan hệ xã hội và cộng đồng; do vậy, công lý phục hồi tìm cách sửa chữa những thiệt hại từ một góc độ rộng lớn; gắn liền với trách nhiệm của cả cộng đồng.

- Tái hòa nhập: Cả nạn nhân và tội phạm bị kết án đều được hỗ trợ để họ tái hòa nhập cộng đồng.

Công lý phục hồi có thể là một phương pháp nhân đạo hơn nhiều để đối phó với tội phạm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng công lý phục hồi có thể dẫn đến: Giảm đáng kể tình trạng tái phạm đối với một số người phạm tội. Giảm các triệu chứng căng thẳng sau sang chấn của nạn nhân và giảm các chi phí liên quan khác. Cả nạn nhân và người phạm tội đều cảm thấy hài lòng hơn với công lý, giảm ham muốn trả thù bạo lực và giảm chi phí của tư pháp hình sự.

Tuy nhiên, công lý phục hồi vẫn tồn tại một số nhược điểm như: Một số cá nhân trong cộng đồng cảm thấy không thoải mái khi cho phép một số loại tội phạm, chẳng hạn như tội phạm bạo lực, tái gia nhập cộng đồng hay nạn nhân không quan tâm đến việc tham gia vào hệ thống công lý phục hồi…

2. Sự phát triển ở châu Âu và phương pháp tiếp cận của pháp luật hình sự Việt Nam với chế định công lý phục hồi

Năm 1999, Hội đồng châu Âu đã thông qua Khuyến nghị số R (99) 19 của Ủy ban Bộ trưởng cho các quốc gia thành viên về hòa giải trong các vấn đề hình sự (sau đây gọi là “Khuyến nghị 1999”). Kể từ đó, đã có sự mở rộng đáng kể trong việc sử dụng công lý phục hồi trong bối cảnh tư pháp hình sự ở một số nước châu Âu. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, công lý phục hồi đã được đưa vào luật pháp hoặc chính sách quốc gia.

Năm 2007, Ủy ban Châu Âu về Hiệu quả của Tư pháp (CEPEJ) đã ban hành hướng dẫn để thực hiện tốt hơn Khuyến nghị 1999. Hướng dẫn này nêu rõ rằng, ở nhiều quốc gia thành viên, có sự thiếu nhận thức chung về công lý phục hồi, thiếu sự sẵn có của công lý phục hồi ở một số giai đoạn của quá trình tư pháp hình sự và thiếu đào tạo chuyên môn về công lý phục hồi.

Đặc biệt, Chỉ thị 2012/29/EU của ECOSOC (LHQ) năm 2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu về quyền, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân của tội phạm đã thúc đẩy các hoạt động lập pháp và chính sách khác nhau trên khắp châu Âu, yêu cầu các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) nâng cao quyền của nạn nhân và phát triển các dịch vụ dành cho nạn nhân của tội phạm. Nó cũng thảo luận về việc sử dụng công lý phục hồi, tạo ra trách nhiệm cho các cơ quan tư pháp và/hoặc các cơ quan tư pháp hình sự thông báo cho nạn nhân về các dịch vụ công lý phục hồi có sẵn trong khu vực của họ và vạch ra các biện pháp bảo vệ khác nhau cho các nạn nhân tham gia. Nó gần như sử dụng định nghĩa tương tự như định nghĩa có trong Khuyến nghị năm 1999, mặc dù nó đề cập đến thuật ngữ “công lý phục hồi” thay vì “hòa giải trong các vấn đề hình sự”. Tuy nhiên, Chỉ thị không dừng lại ở việc tạo ra quyền tiếp cận công lý phục hồi cho các nạn nhân của tội phạm và tập trung hoàn toàn vào các quyền của nạn nhân với chi phí cung cấp sự bảo vệ cho người phạm tội.

Năm 2016, Ủy ban Châu Âu về các vấn đề tội phạm (CDPC) phối hợp với các bên liên quan sửa đổi Khuyến nghị năm 1999. Khuyến nghị này đi xa hơn Khuyến nghị năm 1999 trong việc kêu gọi sự thay đổi rộng rãi hơn trong lĩnh vực tư pháp hình sự trên toàn châu Âu theo hướng tiếp cận và văn hóa phục hồi hơn trong các hệ thống tư pháp hình sự.

Hiện nay, hệ thống tư pháp hình sự ở Việt Nam đang nghiêng về hệ thống công lý trừng phạt; theo đó trao toàn quyền quyết định cho các cơ quan tiến hành tố tụng nên có thể dẫn đến lạm dụng quyền lực và xâm phạm đến các quyền cơ bản của công dân, quyền con người. Nó cũng đặt ra chi phí kinh tế lớn cho nhà nước trong việc duy trì, vận hành các cơ sở tạm giữ, tạm giam.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 không đưa ra quy định về nguyên tắc hòa giải. Tuy nhiên Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì đề cập đến vấn đề này tại khoản 3 Điều 29 như sau: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy, có thể thấy rằng, tại luật nội dung (Bộ luật Hình sự) đã có quy định về vấn đề hòa giải nhưng luật hình thức (Bộ luật Tố tụng hình sự) lại chưa quy định về cách thức thực hiện. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án cho thấy, do không có các hướng dẫn cụ thể để các bên thực hiện theo Điều 29 Bộ luật Hình sự nêu trên như về trình tự, thủ tục tiến hành, thành phần tham gia… nên có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng một cách tùy nghi. Do chưa quy định rõ ràng nên hòa giải trong pháp luật hình sự vẫn chưa được chú trọng và tính hợp pháp chưa cao. Do đó, cần có những quy định cụ thể về hòa giải trong hình sự như định nghĩa, đặc điểm, quy trình, cách thức thực hiện, thành phần… để áp dụng một cách đồng bộ và thống nhất trên thực tế.

Công lý phục hồi hoàn toàn có thể áp dụng song song với công lý trừng phạt trong pháp luật hình sự, tố tụng hình sự ở Việt Nam; đặc biệt nghiên cứu áp dụng đối với đối tượng chưa thành niên phạm tội và nhóm tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng. Ví dụ, hiện nay khi áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi thì “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này” (Điều 92 Bộ luật Hình sự năm 2015). Như vậy, quy định này đã thể hiện được sự “thỏa thuận” giữa các bên trước khi thực hiện các biện pháp giám sát đối với người chưa thành niên.

Tóm lại, công lý phục hồi giúp giảm chi phí của tư pháp hình sự, giúp sửa chữa người phạm tội, bù đắp các thiệt hại cho nạn nhân hòa cùng trách nhiệm chung của cộng đồng và toàn xã hội. Qua những nội dung nêu trên, có thể thấy, công lý phục hồi là một khái niệm phức tạp, một quá trình được thực hiện theo nhiều cách rất khác nhau giữa các quốc gia, nhưng luôn mang lại một lợi ích nhất định và làm tăng giá trị nền tư pháp của quốc gia đó. Dù quan niệm này có thể phức tạp, hay còn nhiều vướng mắc khi áp dụng trong nền tư pháp hình sự Việt Nam thì nó vẫn có ý nghĩa thiết thực để Việt Nam có thể học hỏi, nghiên cứu, vận dụng theo cách phù hợp và hiệu quả nhất.

Nguyễn Huyền My