Đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Ngày đăng : 17:50, 20/05/2023

(Kiemsat.vn) - Tổng Thư ký Quốc hội vừa gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Việc xin ý kiến chọn nhóm vấn đề chất vấn ở kỳ họp thứ 5 được tiến hành sớm hơn nhiều so với các kỳ họp trước. Các đại biểu Quốc hội sẽ chọn 4/5 lĩnh vực để trả lời chất vấn. Bên cạnh chọn đồng ý hoặc không đồng ý, các đại biểu có thể có ý kiến khác.

Theo chương trình dự kiến của kỳ họp thứ 5, hoạt động chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 6/6/2023 đến sáng ngày 8/6/2023.

Các nhóm vấn đề xin ý kiến gồm:

Nhóm vấn đề 1 (lĩnh vực khoa học và công nghệ) gồm chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề 2 (thuộc trách nhiệm Bộ Tư pháp) gồm việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và bồi thường nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề 3 (lĩnh vực dân tộc) gồm trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030)...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình vấn đề liên quan.

Nhóm vấn đề 4 (lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội) gồm giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực...

Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ); quản lý quỹ bảo hiểm xã hội... Giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình vấn đề liên quan.

Nhóm vấn đề 5 (lĩnh vực giao thông vận tải) gồm giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn...

Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông...

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 22/5 đến 10/6, đợt 2 từ ngày 19/6 đến 23/6.
Từ ngày 11/6 đến 18/6, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 22 ngày.
Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết. Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án luật.
Bên cạnh đó, xem xét các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, trong đó có vấn đề nhân sự.

Việt Anh