Về cải tạo người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt tù
Ngày đăng : 08:00, 20/05/2023
1. Về cải tạo người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt tù
Cải tạo người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nói riêng, cải tạo người phạm tội nói chung là một trong những nội dung cốt lõi của tư pháp phục hồi - chủ đề được bàn đến trong khoa học pháp lý nhiều nước trên thế giới và được áp dụng trong thực tiễn từ nhiều năm nay. Khoa học pháp lý hiện đại cho rằng, mục đích của hình phạt là việc áp dụng các biện pháp điều trị và đào tạo đối với người phạm tội, để người này có thể được trở lại xã hội và sinh hoạt, làm việc với tư cách là một thành viên của cộng đồng. Và cải tạo được coi như một biện pháp nhân đạo có thể thay thế cho các biện pháp trừng phạt, răn đe2. Điều này trở nên quan trọng hơn khi đối tượng áp dụng các biện pháp cải tạo là người chưa thành niên phạm tội. Bởi đối tượng này là một chủ thể đặc biệt hơn so với những người đã thành niên phạm tội. Xuất phát từ đặc trưng về tâm lý, giới tính, lứa tuổi của người chưa thành niên phạm tội đó là những người chưa thực sự trưởng thành, có những hạn chế nhất định về thể chất và tâm lý, suy nghĩ và hành động của người chưa thành niên thường mang tính bộc phát, ngẫu hứng, cho nên chính sách hình sự đối với những đối tượng này cũng có nhiều điểm khác biệt so với đối tượng là người thành niên phạm tội3.
Đặc biệt, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng cơ chế pháp lý để ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người nói chung và quyền của người chưa thành niên nói riêng là vấn đề rất có ý nghĩa và thực sự cần thiết. Điều 40 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 có ghi: “Các quốc gia thừa nhận quyền của mọi trẻ em bị cho là tố cáo hay bị công nhận là đã vi phạm pháp luật hình sự được đối xử phù hợp với việc cổ vũ ý thức của trẻ em… Cách đối xử cũng phải tính đến lứa tuổi trẻ em và đến điều mong muốn làm sao thúc đẩy sự tái hòa nhập vào việc đảm đương vai trò trong xã hội trẻ em...”.
Có thể hiểu cải tạo người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt tù là các phương pháp giáo dục nhằm thay đổi, điều chỉnh lại các hành vi, đặc điểm, năng lực, lý trí không mong muốn của người chưa thành niên trong khi đang chấp hành hình phạt tù; hướng tới mục đích đưa họ trở về tái hòa nhập cộng đồng, tiếp tục là nguồn lực cho sự phát triển của xã hội.
Do là đối tượng đặc biệt nên hoạt động cải tạo người chưa thành niên phạm tội bị kết án tù cũng sẽ có những đặc điểm đặc thù phân biệt với việc áp dụng biện pháp cải tạo đối với những người phạm tội khác. Đó là:
(1) Các biện pháp cải tạo người chưa thành niên phạm tội bị kết án tù được tiến hành riêng, có sự phân biệt với những người đã thành niên phạm tội. Điều này xuất phát từ yêu cầu áp dụng các biện pháp cải tạo khác nhau phù hợp với các đối tượng khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng.
(2) Môi trường, không gian nơi tiến hành các hoạt động cải tạo người chưa thành niên phạm tội không đồng nhất với người phạm tội đã thành niên. Người chưa thành niên khi bị kết án phạt tù sẽ được giam giữ tại khu riêng, phù hợp với đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, sức khỏe và một số yếu tố về nhân thân.
(3) Mục đích của cải tạo người chưa thành niên phạm tội bị kết án tù cũng có nét khác biệt so với người thành niên phạm tội. Ngoài những mục đích chung như giúp người phạm tội điều chỉnh lại hành vi, nhận thức của mình, nâng cao tính tự giác, cầu thị, hướng thiện thì việc cải tạo người chưa thành niên phạm tội còn giúp cho họ có được những nhận thức ban đầu về những lĩnh vực của đời sống xã hội, hình thành nên năng lực tham gia các quan hệ pháp luật như quan hệ hợp đồng lao động... Điều này được lý giải bởi người chưa thành niên phạm tội là chủ thể chưa hình thành đầy đủ năng lực hành vi để có thể tham gia đầy đủ các quan hệ pháp luật.
2. Về cải tạo người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt tù thời gian qua
Theo Luật thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019, có 03 nhóm chế độ được áp dụng dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội khi bị kết án tù nhằm cải tạo, giúp đỡ họ có thể tái hòa nhập cộng đồng khi hoàn thành việc chấp hành án.
Nhóm thứ nhất là chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi4 được giam giữ theo chế độ riêng phù hợp với sức khỏe, giới tính và đặc điểm nhân thân. Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người dưới 18 tuổi về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, học vấn, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở, trong đó, giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với phạm nhân chưa học xong chương trình tiểu học. Chương trình, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân dưới 18 tuổi do Chính phủ quy định. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được lao động ở khu vực riêng và phù hợp với độ tuổi, không phải làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Nhóm thứ hai là chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn và được chăm sóc y tế như phạm nhân là người từ đủ 18 tuổi trở lên và được tăng thêm thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng. Ngoài tiêu chuẩn mặc và tư trang như phạm nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, mỗi năm phạm nhân là người dưới 18 tuổi được cấp thêm quần áo theo mẫu thống nhất và đồ dùng cá nhân khác theo quy định. Thời gian và hình thức tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nghe đài, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hình thức vui chơi giải trí khác phù hợp với đặc điểm của người dưới 18 tuổi.
Nhóm thứ ba là chế độ gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân. Theo quy định, phạm nhân là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân không quá 03 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam quyết định kéo dài thời gian gặp nhưng không quá 24 giờ. Trong quá trình cải tạo, nếu được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân không quá 04 lần trong 01 tháng, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí. Nhà nước khuyến khích thân nhân của phạm nhân là người dưới 18 tuổi quan tâm gửi sách vở, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho phạm nhân.
Trong những năm qua, hoạt động cải tạo phạm nhân nói chung, người chưa thành niên nói riêng đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo số liệu thống kê năm 2020, trên cả nước đã tổ chức 3.097 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ cho trên 900 nghìn lượt phạm nhân; 83 lớp dạy văn hóa xóa mù chữ cho trên 2.100 lượt phạm nhân; 1.118 lớp giáo dục công dân cho trên 29.100 phạm nhân mới đến chấp hành án, 694 lớp cho trên 66.000 lượt phạm nhân đang chấp hành án và 668 lớp cho trên 27.800 lượt phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; 439 lớp truyền thông phòng, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trên 142.400 lượt phạm nhân5…
Việc áp dụng các biện pháp cải tạo trên đã góp phần quan trọng giúp đỡ phạm nhân nói chung, người chưa thành niên bị kết án tù nói riêng có thể nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng khi hết hạn chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ. Tuy nhiên, thực tiễn việc cải tạo người chưa thành niên bị kết án phạt tù vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều trường hợp vừa mãn hạn tù đã tái phạm6 hoặc gặp nhiều khó khăn như bị kỳ thị, số người chấp hành xong hình phạt tù có việc làm không nhiều, lại tập trung vào các công việc phổ thông chân tay, độc hại và có thu nhập thấp7… Điều này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan chủ yếu sau:
Một là, pháp luật THAHS vẫn thiếu những quy định cụ thể, chi tiết về cải tạo người chưa thành niên bị kết án tù.
Mặc dù Luật THAHS năm 2019 có quy định yêu cầu việc giam giữ riêng đối với người chưa thành niên. Nhưng nghị định hướng dẫn thi hành lại thiếu yếu tố cơ bản khi giam giữ riêng, như khoảng cách, cơ sở vật chất nơi giam giữ…
Hai là, chất lượng các chương trình giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội còn thấp, chương trình giáo dục, cải tạo còn nhiều bất cập, hiệu quả dạy nghề chưa thích hợp với nhu cầu lao động xã hội. Thực tiễn khảo sát các loại hình ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là các ngành nghề đơn giản như: Lao động nông, lâm nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế…, yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp. Mặt khác, thời gian hợp tác thường ngắn hạn, theo từng năm, mang tính thời vụ, không lâu dài. Do vậy, các ngành nghề này ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề lao động thường xuyên và có hiệu quả hạn chế trong việc nâng cao trình độ kỹ năng lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành án, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng8. Hơn nữa, người chưa thành niên khi chấp hành xong án phạt tù đều là trong độ tuổi sung sức lao động (từ 18 đến 45 tuổi), có nhu cầu lớn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống chiếm tỉ lệ rất cao trên tổng số phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hằng năm (trung bình là 86,41%).
Các văn bản pháp luật hiện hành chỉ đề cập chung rằng người chưa thành niên được ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, tuy nhiên chưa có cơ chế cụ thể đưa những phương án kể trên vào đời sống.
Ba là, điều kiện giam giữ, cải tạo phạm nhân nói chung, người chưa thành niên bị kết án phạt tù nói riêng tuy được cải thiện, nhưng cơ sở vật chất của trại giam chưa được đầu tư đúng mức, kinh phí chưa đáp ứng được nhu cầu. Điều này là một trong những cản trở lớn làm giảm sút hiệu quả hoạt động cải tạo phạm nhân nói chung, người chưa thành niên bị kết án phạt tù nói riêng.
Luật THAHS năm 2019 có quy định thành lập các khu lao động, dạy nghề, hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho các phạm nhân trên đất trại giam quản lý, tuy nhiên, việc này gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do đặc thù các trại giam phân bố tại vị trí xa các trung tâm kinh tế, chính trị của địa phương, khó tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công nghiệp..., giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển, chi phí tiêu hao, giá thành sản phẩm lao động. Một số trại giam gần trung tâm thì diện tích nhỏ hẹp rất khó bố trí quỹ đất để phối hợp, hợp tác…
Bốn là, công tác chuẩn bị cho người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng sau khi hết hạn tù được tiến hành một cách thụ động. Thực trạng diễn ra tại các trại giam là trước khi trả tự do, Ban Giám thị gửi công văn cho chính quyền địa phương, sau đó cấp tiền tàu xe cho phạm nhân tự về (nếu không có người đến đón). Tuy nhiên, những người chưa thành niên khi hết hạn tù lại không nắm được tình hình và khả năng đón nhận của địa phương nên thường có tâm lý hoang mang. Do Luật THAHS năm 2019 không quy định nên Ban Giám thị trại giam không có các hoạt động cụ thể như: Thông báo cho người mãn hạn tù nói chung về khả năng tiếp nhận của địa phương; thái độ của gia đình, nhà trường, xã hội đối với họ như thế nào; họ có việc làm sau khi ra tù hay không. Nếu không có sự phối kết hợp tốt giữa các cơ quan ban ngành tại địa phương, không có sự giáo dục, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi để học tập, lao động thì họ rất dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội9.
3. Một số giải pháp, kiến nghị
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ liên quan đến hoạt động cải tạo người chưa thành niên bị áp dụng hình phạt tù. Pháp luật cần cụ thể hóa tính “riêng” nơi giam giữ người chưa thành niên kèm một số ràng buộc cơ bản, gồm: Nơi giam giữ tách biệt người thành niên; cơ sở vật chất chuyên biệt phù hợp với tâm sinh lý người chưa thành niên; đội ngũ cán bộ có chuyên môn phù hợp giữ trọng trách vận hành nơi giam giữ. Từ đó, tạo cơ sở thực hiện hiệu quả hoạt động cải tạo người chưa thành niên bị áp dụng hình phạt tù trên thực tế, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội. Áp dụng các loại hình ngành nghề lao động, việc làm đòi hỏi trình độ, kỹ năng, tay nghề cao hơn cho phạm nhân trong các trại giam với thời lượng phù hợp. Từ đó, hình thành kỹ năng nghề lao động thường xuyên và có hiệu quả cho phạm nhân trong thời gian chấp hành án, đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội, nâng cao hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng.
Về lâu dài, cần nghiên cứu áp dụng nhà tù mở để cải tạo người chưa thành niên phạm tội. Trước khi hết bản án tù, phạm nhân sẽ được xem xét chuyển sang cơ sở nhà tù mở, cho phép họ được hưởng nhiều tự do, ít sự giám sát hơn và chủ yếu tập trung vào các hoạt động cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng. Thậm chí có thể áp dụng không lắp thanh chắn vào cửa sổ buồng giam, phạm nhân được khóa cửa phòng của mình. Tại nhà tù mở, các cơ sở giáo dục bên ngoài được phép vào trong và dạy các phạm nhân10. Điều này làm tăng sự giao tiếp với cộng đồng cho người chưa thành niên phạm tội cũng như đề cao trách nhiệm cải tạo, phục hồi của cộng đồng11.
Thứ ba, xây dựng hệ thống trại giam có đủ các điều kiện để người chưa thành niên bị kết án phạt tù tự giáo dục, cải tạo. Việc tiếp tục rà soát, đầu tư nâng cấp hệ thống trại giam đáp ứng các yêu cầu của Luật THAHS và có tính đến những đặc điểm nhân thân nêu trên là điều hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả cải tạo người phạm tội nói chung, người chưa thành niên bị kết án tù nói riêng.
Thứ tư, xây dựng cơ chế thu hút huy động nguồn lực xã hội tham gia, giảm bớt áp lực cho Nhà nước trong công tác cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên bị kết án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, nên coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả cải tạo người chưa thành niên bị kết án phạt tù. Khuyến khích các doanh nghiệp đồng hành với Nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp cải tạo người phạm tội. Nghiên cứu áp dụng chính sách miễn giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp hợp tác với trại giam trong việc giáo dục, dạy nghề, nâng cao kỹ năng cho phạm nhân là người chưa thành niên.