Vụ 11 VKSND tối cao phát hiện, xử lý một số vi phạm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự
Ngày đăng : 15:18, 26/04/2023
Tài sản thi hành án là nhà, đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung
Theo nội dung hồ sơ, ngày 06/11/2014 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh B đã có Quyết định thi hành án số 12/QĐ-CCTHA. Tài sản kê biên là quyền sử dụng đất của hộ gia đình gồm có 05 thành viên.
Tuy nhiên, trước khi kê biên tài sản, Chấp hành viên không tiến hành khảo sát thực tế hiện trạng tài sản; chưa yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Thi hành án dân sự, đã thực hiện việc kê biên, cưỡng chế, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Dẫn đến việc kê biên cả phần tài sản của đồng sở hữu, sử dụng đã được phân chia và kê biên, xử lý ở vụ việc trước đó. Đồng thời, việc xác định kích thước, mốc giới không chính xác dẫn đến việc kê biên thiếu diện tích phần hậu của ngôi nhà nằm trên phần đất còn lại của người phải thi hành án.
Mặt khác, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của hộ gia đình; tuy nhiên, tài sản gắn liền với đất thì chưa có văn bản, tài liệu nào thể hiện quyền sở hữu, nhưng Chấp hành viên lại xác định tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của vợ, chồng người phải thi hành để cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong hộ gia đình người phải thi hành án. Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ (Nghị định 62/2015/NĐ-CP). Qua trực tiếp kiểm sát, xác định những vi phạm nêu trên của Chấp hành viên là nghiêm trọng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 11) đã yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B kháng nghị theo thẩm quyền, hủy kết quả kê biên, xử lý tài sản để tổ chức thi hành án lại.
Kết quả là Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q đã chấp nhận thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B.
Nhiều vi phạm của Chấp hành viên đã được phát hiện, xử lý theo quy định. Ảnh minh họa |
Xác minh điều kiện thi hành án, quản lý thu, chi tiền bán đấu giá tài sản
Theo hồ sơ, năm 2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q đã tổ chức thi hành án theo Quyết định số 21/QĐ-CCTHA. Chấp hành viên đã tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản là nhà đất của vợ chồng người phải thi hành án; sau đó, xác định người phải thi hành án còn có nghĩa vụ thi hành 06 quyết định thi hành án khác. Qua kiểm sát đã xác định các vi phạm sau:
Chấp hành viên không thực hiện việc cho đương sự tự kê khai tài sản và xác minh các tài sản khác của đương sự mà chỉ căn cứ vào kết quả xác minh đối với nhà, đất của gia đình người phải thi hành án đang ở để xác định là tài sản duy nhất và thực hiện việc cưỡng chế kê biên. Trước khi cưỡng chế kê biên, Chấp hành viên không làm rõ tài sản là quyền sử dụng đất và ngôi nhà trên đất là tài sản riêng của người phải thi hành án hay tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình người phải thi hành án. Vi phạm khoản 2 Điều 20, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, khoản 4 Điều 6 Nghị định 58/2009/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 125/2013/NĐ-CP).
Sau 06 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo phần chia tài sản chung, Chấp hành viên đã ra quyết định cưỡng chế kê biên để tổ chức bán đấu giá tài sản; đồng thời, cũng không thông báo cho các đồng sở hữu tài sản về quyền và thời hạn ưu tiên mua tài sản chung (trong thời hạn 03 tháng), làm mất quyền yêu cầu phân chia, ưu tiên mua tài sản chung. Vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 20, Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, Điều 15b của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 10 Điều 1 nghị định số 123/2013/NĐ-CP).
Sau khi kê biên và trước khi bán đấu giá tài sản để thi hành quyết định thi hành án, người phải thi hành án đã trả tiền cho người được thi hành án và hai bên đương sự đã thỏa thuận được về việc thi hành; ngay sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q nhận được đơn rút yêu cầu của người được thi hành án. Tại thời điểm này, việc tổ chức thi hành các quyết định thi hành án khác (có sau Quyết định số 21) chưa được Chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế, tiếp tục kê biên. Do vậy, được xác định là đã có đủ căn cứ để đình chỉ thi hành án, dừng việc bán đấu giá tài sản đối với tài sản đã kê biên để thi hành cho Quyết định số 21, nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q không ra Quyết định đình chỉ thi hành án, mà vẫn tiếp tục bán đấu giá tài sản là vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, Chấp hành viên không thực hiện việc thông báo trực tiếp cho đương sự được quyền nộp tiền và nhận lại tài sản trước ngày bán đấu giá tài sản, vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự; Vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về việc gửi tiết kiệm số tiền bán đấu giá tài sản không đúng quy định: Trong thời gian chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá từ năm 2015 đến ngày 20/9/2021, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q gửi số tiền bán đấu giá tài sản theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn mà không gửi theo hình thức kỳ hạn 01 tháng theo quy định.
Qua trực tiếp kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành 02 kiến nghị với Cục Thi hành án dân sự tỉnh B, yêu cầu tổ chức chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm nêu trên.
Tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án
Qua trực tiếp kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã phát hiện vi phạm trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án. Vi phạm trong việc ban hành Quy chế cuộc đấu giá cùng ngày với ngày niêm yết thông báo bán đấu giá tài sản thi hành án; không ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản thi hành án cho từng cuộc đấu giá; đặt điều kiện đối với người tham gia đấu giá không đúng quy định.
Ngoài ra còn có hành vi vi phạm trong việc yêu cầu người trúng đấu giá nộp tiền một lần mua tài sản đấu giá; thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán chi phí bán đấu giá không đúng quy định; chứng từ chi phí bán đấu giá không đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ, không đúng thực tế (như chứng từ chi phí đưa khách hàng đi xem tài sản của các lần đấu giá không thành....
Những nội dung này đã được nêu cụ thể tại Thông báo số 38/TB-VKSTC ngày 16/3/2023 rút kinh nghiệm trong hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự.
Những dạng vi phạm phổ biến của Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án
Không kịp thời xác minh hoặc không xác minh điều kiện thi hành án; không tiến hành xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác của người phải thi hành án; không tiến hành xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng; không xác minh rõ chủ sở hữu tài sản trước khi kê biên, xử lý tài sản để thi hành án là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
Không yêu cầu người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản nộp cho Cơ quan Thi hành án dân sự khi kê biên, xử lý tài sản, dẫn đến có trường hợp ngân hàng vẫn giải chấp, trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho đương sự;
Không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người liên quan; cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản thi hành án không đúng, vượt quá tài sản được tuyên trong bản án; chậm hoặc không lập biên bản ghi nhận ý kiến của đương sự về việc thoả thuận về giá hoặc tổ chức thẩm định giá; chậm ký hợp đồng thẩm định giá, hợp đồng bán đấu giá (cá biệt có vụ việc kéo dài nhiều năm)...
Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ tài liệu về bán đấu giá tài sản thi hành án; trong hồ sơ thi hành án hầu như không có hóa đơn, chứng từ chi phí thực tế, hợp pháp, hợp lệ của tổ chức đấu giá trong việc bản đấu giá tài sản thi hành án.