Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập
Ngày đăng : 08:09, 26/04/2023
Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và 53 năm ngày truyền thống trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. |
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Dự buổi Lễ còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo VKSND tối cao; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự Trung ương, VKSND cấp cao tại Hà Nội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội qua các thời kỳ; VKSND một số địa phương; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tổ chức quốc tế hợp tác với Nhà trường…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. |
Thay mặt Lãnh đạo trường, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu diễn văn kỷ niệm điểm lại quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và những thành tựu mà Trường đã đạt được trong thời gian qua. Từ mái trường này, lớp lớp thế hệ học viên đã trưởng thành, rất nhiều học viên, sinh viên của Trường Kiểm sát đã và đang công tác trong các Bộ, ban, ngành khác ở Trung ương và địa phương, nhiều đồng chí giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.
Trải qua 53 năm xây dựng và trưởng thành, trường Đại học Kiểm sát Hà Nội luôn giữ trong mình sứ mệnh nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng của Trường từ lúc thành lập cho đến nay đó là công tác bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ, kiểm sát viên của Ngành; đào tạo đại học, sau đại học về lĩnh vực pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; nghiên cứu khoa học; cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Trải qua thời gian xây dựng và trưởng thành, công tác bảo đảm chất lượng giáo dục luôn được Nhà trường xác định là vấn đề then chốt, là mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển của Nhà trường; công tác bảo đảm chất lượng giáo dục luôn được Nhà trường xác định là vấn đề then chốt, là mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển của Nhà trường. Nhà trường đã chủ động đổi mới cách thức, phương pháp bồi dưỡng linh hoạt phù hợp với tình hình và đặc thù của môi trường Ngành, giúp học viên ứng dụng một cách linh hoạt, hiệu quả những kiến thức, kỹ năng thụ hưởng vào quá trình thực thi nhiệm vụ.
Nhà trường đã chủ động đổi mới cách thức, phương pháp bồi dưỡng linh hoạt phù hợp với tình hình và đặc thù của môi trường Ngành, giúp học viên ứng dụng một cách linh hoạt, hiệu quả những kiến thức, kỹ năng thụ hưởng vào quá trình thực thi nhiệm vụ… Đặc biệt, ngày 19/10/2022, Trường đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam công nhận chương trình đào tạo ngành Luật chuyên ngành Kiểm sát, trình độ đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định của pháp luật. Qua đó khẳng định chất lượng chương trình đào tạo của Nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu của người học, của xã hội.
Trong thời gian qua, Nhà trường đã đạt được những kết quả nổi bật với những dấu ấn quan trọng. Nhà trường đã mở ngành đào tạo ngành Luật, tuyển sinh 10 khóa hệ đại học chính quy ngành Luật chuyên ngành Kiểm sát và 3 hệ đại học chính quy ngành Luật chuyên ngành Luật Thương mại; mở ngành đào tạo thạc sĩ Luật hình sự và tố tụng hình sự; trình Bộ Giáo dục và Đào tạo hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ Luật Hình sự và tố tụng hình sự; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát đạt nhiều kết quả tích cực; thành lập Trung tâm Tin học.
Từ năm 2013 đến nay, Nhà trường đã tuyển sinh 10 khóa hệ đại học với 2 chuyên ngành Kiểm sát và chuyên ngành Luật Thương mại, đào tạo cho Bộ Quốc phòng 52 sinh viên, có 6 khóa sinh viên đã tốt nghiệp, đã cung cấp cho ngành Kiểm sát và xã hội 1.918 cử nhân luật, trong đó đã có gần 700 cử nhân luật đã làm trong ngành Kiểm sát. Trong thời gian tới, Nhà trường nghiên cứu mô hình đào tạo từ xa E-learning cho phù hợp với các đối tượng là người học đang đi làm có thể dễ dàng tham gia học tập.
Từ năm 2019 đến nay, Nhà trường đã tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ Luật hình sự và tố tụng hình sự được 4 khóa, chuẩn bị tuyển sinh khóa 5, học viên thạc sĩ chủ yếu là cán bộ đang công tác tại các Viện kiểm sát, Tòa án, Công an các cấp, làm việc tại các văn phòng Luật sư …
Bên cạnh đó, đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, qua các thời kỳ, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng các khóa, các hệ với 3.858 khóa/32.448 học viên.
Với những thành tựu đạt được, Nhà trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1984; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1990; năm 2010, Trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Năm 2020, Trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao. |
Đến dự và chỉ đạo tại buổi Lễ, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao chúc mừng trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhân kỷ niệm 10 năm thành lập và 53 năm ngày truyền thống; đồng thời, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành tích của Nhà trường đạt được trong thời gian qua.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu Nhà trường cần xác định mục tiêu của công tác đào, bồi dưỡng đó là phải đào tạo được đội ngũ Kiểm sát viên chất lượng cho Ngành; đội ngũ Kiểm sát viên phải là những người có kiến thức, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, đúng như lời dạy của Bác Hồ đối với người cán bộ Kiểm sát đó là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Nhà trường cần quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế Nhà trường. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
Ngoài ra, Nhà trường cần nghiên cứu, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng, trong đó tăng cường hợp tác với các nước có nhiều nét tương đồng. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng; tiếp tục nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên cơ hữu gắn với yêu cầu thực tiễn; thường xuyên cập nhật kiến thức, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ gắn với nghiên cứu hoạt động thực tiễn của Ngành.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô giáoTrường Đại học Kiểm sát Hà Nội. |
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tin rằng, với những kết quả đạt được, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao, sự phối hợp của các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy, khẳng định được vị thế, đoàn kết, khát vọng để tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu mới.
Nhân dịp này, trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cũng đã công bố và trao các quyết định khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường trong thời gian qua. |
Trường Đại học kiểm sát Hà Nội đã trải qua 53 năm xây dựng và trưởng thành. Cơ sở đào tạo đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân (tiền thân của Trường Đại học kiểm sát Hà Nội) là Trường Cán bộ kiểm sát được Viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định thành lập (Quyết định số 220/QĐ) ngày 12/10/1964. Ngày 21/4/1970 Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định số 62/QĐ-TC đổi tên Trường Cán bộ kiểm sát thành Trường Bổ túc và đào tạo cán bộ kiểm sát. Ngày 23/10/1981, Viện trưởng VKSNDTC ban hành Quyết định số 158/QĐ-V9 về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trường Cao đẳng kiểm sát được thành lập trên cơ sở Trường Bổ túc và đào tạo cán bộ Kiểm sát. Ngày 19/02/2003, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định số 01/2003/QĐ/VKSTC về chuyển Trường Cao đẳng kiểm sát thành Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát.
Thực hiện chủ trương của Đảng về việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, được sự đồng ý về chủ trương của Bộ Chính trị về việc cho phép ngành Kiểm sát nhân dân được thành lập Trường Đại học kiểm sát để đào tạo nguồn nhân lực cho Ngành, ngày 24/4/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 614 /QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát.