VKSND tỉnh Quảng Ngãi: Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự

Ngày đăng : 15:25, 06/04/2023

(Kiemsat.vn) - VKSND tỉnh Quảng Ngãi ban hành thông báo rút kinh nghiệm đến VKSND cấp huyện nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự đối với vụ án có thiếu sót trong việc xác định thời hiệu khởi kiện, đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định yêu cầu phản tố của bị đơn không đúng.

Nội dung vụ án

Năm 2007, UBND xã H đã bán cho ông Huỳnh H, bà Huỳnh Thị Nh 40m2 đất hẻm với giá là 800.000 đồng/1m2. Ông H, bà Nh đã nộp đủ số tiền 32.000.000 đồng cho UBND xã H, nhưng từ đó đến nay ông H, bà Nh vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho diện tích đất trên. Năm 2013 thực hiện việc đo đạc và cấp đổi GCNQSDĐ theo đúng hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn huyện N.

Khi thực hiện việc đo đạc, cơ quan có thẩm quyền đã đo diện tích đất ông H, bà Nh sử dụng là 403,2m2 (trong đó có 40m2 đất đã mua của UBND xã H vào năm 2007) và đã ban hành Giấy CNQSD đất số BS 240375 cấp ngày 31/12/2013 nhưng ông H, bà Nh chưa được nhận GCNQSDĐ. Ông H, bà Nh đã nộp hồ sơ yêu cầu cấp đổi GCNQSDĐ tại Phòng TN&MT huyện N, thì Phòng TN&MT huyện N yêu cầu phải nộp 100% giá trị tiền sử dụng đất đối với phần diện tích tăng thêm là 157,2m2 (trong đó có bao gồm 40m2 đất đã mua của UBND xã H) so với GCNQSDĐ cũ được cấp năm 1991.

Ông H, bà Nh trình bày và xuất trình biên lai thu tiền của UBND xã H đối với 40m2 đất để được khấu trừ tiền sử dụng đất nhưng không được chấp nhận. Sự việc trên ông H, bà Nh đã nhiều lần gặp và làm việc với UBND xã H để yêu cầu giải quyết về việc trả lại tiền hoặc làm thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với 40m2 đất đã mua, nhưng UBND xã H không giải quyết.

Năm 2021 ông H, bà Nh đã làm thủ tục cấp đổi lại GCNQSDĐ, ông H, bà Nh đã bỏ tiền ra nộp tiền sử dụng đất với đơn giá 2.000.000 đồng/1m2 theo Thông báo của Chi cục thuế để được nhận giấy CNQSD đất theo diện tích đất sử dụng thực tế 403,2m2 đất (trong đó có phần diện tích đất 40m2 mà UBND xã H đã thu tiền của ông H, bà Nh vào năm 2007).

Nay ông H, bà Nh yêu cầu Tòa án giải quyết buộc UBND xã H phải trả lại cho ông H, bà Nh số tiền gốc đã nhận là 32.000.000 đồng và tiền thiệt hại tạm tính từ ngày 12/01/2007 cho đến ngày xét xử với mức lãi suất là 10%/năm là 49.982.000 đồng. Tổng cộng gốc và lãi là 81.982.000 đồng và yêu cầu UBND xã H tiếp tục trả lãi kể từ ngày 26/8/2022 cho đến khi trả xong nợ cho ông H, bà Nh.

Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2022/DS-ST ngày 20/8/2022 của TAND huyện N, tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc UBND xã H phải trả cho ông h, bà Nh số tiền 32.000.000 đồng. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện về bồi thường thiệt hại của ông H, bà Nh. Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, chi phí tố tụng và các quyền khác theo luật định.

Bản án phúc thẩm số 13/2023/DS-PT ngày 20/3/2023 của TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của ông H, bà Nh, sửa bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện N.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông H, bà Nh. Tuyên bố giao dịch dân sự giữa UBND xã H với ông H, bà Nh về việc chuyển nhượng 40m2 đất (nay thuộc thửa đất số 31, tờ bản đồ số 04, xã H) vào năm 2007, theo biên lai thu tiền số 471054 ngày 11/01/2007 của UBND xã H là vô hiệu. Buộc UBND xã H phải trả lại cho ông H và bà Nh số tiền 32.000.000 đồng. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H và bà Nh về việc yêu cầu UBND xã H bồi thường thiệt hại cho ông H, bà Nh số tiền 45.600.000đồng.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

1. Xác định quan hệ tranh chấp không đúng

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại 32.000.000 đồng từ việc nguyên đơn mua 40m2; đồng thời nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường khoản tiền thiệt hại trên số tiền 32.000.000 đồng tạm tính từ ngày 12/01/2007 đến ngày nguyên đơn nộp đơn khởi kiện (ngày 12/4/2021) với mức lãi suất 10%/năm. Số tiền này và yêu cầu bồi thường thiệt hại từ một giao dịch chuyển quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn và bị đơn. Cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá tính hợp pháp của giao dịch dân sự này, nhưng lại xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp đòi lại tài sản” là không đúng. Cấp phúc thẩm xác định lại quan hệ tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp về giao dịch dân sự” theo khoản 3 Điều 26 BLTTDS.

2. Xác định thời hiệu khởi kiện không đúng

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn là UBND xã H bồi thường thiệt hại là số tiền 49.982.000 đồng, nhưng cấp sơ thẩm cho rằng hết thời hiệu khởi kiện và đình chỉ đối với yêu cầu này là không đúng pháp luật. UBND xã H là cơ quan quản lý đất đai tại địa phương không có thẩm quyền thực hiện việc giao đất theo quy định tại khoản 3 Điều 37, khoản 1 Điều 103 Luật Đất đai năm 2003. Nhưng UBND xã H tự ý lập Hội đồng tư vấn đất đai xã họp thông qua xem xét và bán cho nguyên đơn với diện tích 40m2 là phần diện tích đất đường hẻm sát phía Nam thửa đất số 1195 và có thu tiền sử dụng đất của nguyên đơn là trái pháp luật về đất đai.

Do đó, giao dịch dân sự giữa UBND xã H với nguyên đơn là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm không bị hạn chế.

3. Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về bồi thường thiệt hại là không đúng

Xét hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: Các bên đều thừa nhận biết việc chuyển nhượng 40m2 đất vào năm 2007 là trái pháp luật, nhưng các bên vẫn tiến hành giao dịch. Như vậy, cả nguyên đơn và bị đơn đều có lỗi trong việc chuyển nhượng đất này. Nguyên đơn thừa nhận từ khi nhận chuyển nhượng 40m2 đất này từ năm 2007 đến nay, quá trình sử dụng đất, nguyên đơn không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất trái pháp luật.

Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, UBND xã H đề nghị UBND huyện N thu hồi phần diện tích đất tăng thêm của nguyên đơn, nhưng UBND huyện N không thu hồi và xác định không có căn cứ để thu hồi diện tích đất này để giao trả lại cho UBND xã H quản lý. Do đó, nguyên đơn không bị thiệt hại trong giao dịch dân sự vô hiệu này. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại này của nguyên đơn, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại đình chỉ yêu cầu khởi kiện về bồi thường thiệt hại của nguyên đơn là không đúng. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm sửa án phần này của Tòa án cấp sơ thẩm.

4. Việc xác định yêu cầu phản tố của bị đơn không đúng

Bị đơn yêu cầu phản tố về việc hủy GCNQSDĐ do UBND huyện N cấp cho vợ chồng ông H, bà Nh vào ngày 31/12/2013 đối với thửa đất số 31, tờ bản đồ số 04, diện tích 403,2m2. Tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.”

Căn cứ quy định nêu trên, khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án sẽ xem xét hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, không phụ thuộc vào việc đương sự có hay không có yêu cầu, Tòa án không thu tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu này. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm xác định đây là yêu cầu hủy quyết định cá biệt là yêu cầu phản tố, đồng thời ban hành Thông báo về việc yêu cầu UBND xã H thực hiện yêu cầu phản tố theo thủ tục khởi kiện, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 31/12/2013 của UBND huyện N cấp cho ông H, bà Nh là không đúng./.

Trịnh Quyết ( Theo VKSND tỉnh Quảng Ngãi)