Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn trước Quốc hội đối với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát

Ngày đăng : 18:06, 20/03/2023

(Kiemsat.vn) - Chiều 20/3/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát gồm:

1- Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

2- Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

3- Về công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát.

4- Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Chiều ngày 20/3/2023, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trả lời trả lời chất vấn trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát (Ảnh: Quochoi.vn).

Trong chương trình Phiên họp thứ 21, diễn ra vào 14h00 chiều nay, ngày 20/3/2023, đã có 24 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 04 đại biểu đăng ký tranh luận. Các vấn đề được đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách; đồng thời đã nghiêm túc, cầu thị và lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, thẳng thắng giải trình làm rõ những nội dung liên quan. 

Phát biểu tại phiên chất vấn, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, qua phiên chất vấn, ngành Kiểm sát nhân dân mong được sự chia sẻ, góp ý và sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội và hệ thống chính trị các cấp để Ngành có thể hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng bày tỏ niềm tin dù nhiệm vụ khó đến đâu, nhưng được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được nhân dân đồng tình ủng hộ, sự phối hợp hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, hơn nhiệm kỳ qua, Viện trưởng VKSND tối cao xác định phương châm hoạt động của toàn Ngành là “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, Kỷ cương - Thực chất, hiệu quả” và đầu năm 2023 điều chỉnh thêm nội hàm “Liêm chính, vượt khó, chuyên nghiệp”; đồng thời chỉ đạo quán triệt và tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là triển khai cụ thể lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát viên là phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đây vừa là phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp và là phương pháp công tác mà yêu cầu mỗi Kiểm sát viên phải quán triệt trong nhận thức, hành động nhằm không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và đảm bảo sức thuyết phục, tính nhân văn trong thực hiện nhiệm vụ.

Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của các Đại biểu về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết đây là chủ trương xuyên suốt của Ngành, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ. Do đó thời gian qua, Ban Cán sự Đảng và Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn Ngành phải quán triệt nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với Kiểm sát viên. Đặc biệt, Viện trưởng ban hành chỉ thị chuyên đề về chống oan sai, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như: Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Viện trưởng VKSND tối cao đã yêu cầu Kiểm sát viên của Viện kiểm sát các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định gắn chặt với công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản như bắt khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung, đối chất, nhận dạng. Chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu. Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn; chứng cứ đến đâu xử lý đến đó; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế và đảm bảo đúng pháp luật. Những vấn đề mới và phức tạp phải tìm hiểu sâu trong lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình. Yêu cầu Kiểm sát viên phải đảm bảo khách quan, toàn diện trong xem xét, đánh giá chứng cứ, trong xác định tội danh và khung hình phạt, phải đảm bảo xử lý nghiêm minh, nhưng cũng đảm bảo chính sách khoan hồng, nhân văn, thuyết phục.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Yêu cầu Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND tối cao giữ vững phẩm chất nghề nghiệp, xác định danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất; cần tập trung đào tạo nghiệp vụ điều tra cho đội ngũ Điều tra viên đáp ứng yêu cầu công việc đề ra.

Về giải pháp hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng đây là vấn đề lớn, vĩ mô liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Dưới góc độ của ngành Kiểm sát, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể làm khác. Đồng thời, cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng giải quyết xử lý, tăng tính răn đe…

Cũng tại phiên chất vấn, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí  đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác giải quyết án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai; công tác tuyển dụng công chức của ngành Kiểm sát; công tác đào tạo, điều động, luân chuyển cán bộ để đáp ứng được yêu cầu công việc; về công tác giám định các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng chức vụ; về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, phiên chất vấn Viện trưởng VKSND tối cao trong chiều nay đã diễn ra rất thẳng thắn, khẩn trương, sôi nổi, tập trung vào các nội dung chất vấn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra. Các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát nội dung chất vấn, đặt nhiều câu hỏi, tập trung vào các vấn đề được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm. 

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý đã trả lời cơ bản rõ ràng, cụ thể các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới… Trong đó, tập trung vào các công tác trọng tâm từ xây dựng thể chế đến các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, công tác tổ chức cán bộ, kỷ luật, kỷ cương và công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan để làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và các Bộ trưởng ngành tại phiên chất vấn. Căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, kết luận từng nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ được nêu trong Nghị quyết này và yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Chính phủ, các Bộ trưởng ngành hữu quan cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng; khắc phục triệt để việc xảy ra một số trường hợp oan. Việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên. Yêu cầu mọi quyết định phê chuẩn khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác phải bảo đảm đúng căn cứ theo luật định. Đồng thời, đề nghị VKSND tối cao tiếp tục có giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra, hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, chú trọng phát hiện oan sai để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Đẩy nhanh việc bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm của người làm oan theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các vụ án trên cơ sở tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, nhất là phối hợp trong công tác giám định nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án và Viện kiểm sát có đủ phẩm chất, năng lực uy tín, liêm chính để thực sự chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; đề xuất chính sách cụ thể để thu hút các chuyên gia về công tác tại Tòa án và Viện kiểm sát. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đối với lĩnh vực này, một mặt yêu cầu phải xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ Kiểm sát, Tòa án để tương thích với những vấn đề có tính chất đặc thù, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước.

Công Minh