Kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự để kháng nghị, kiến nghị
Ngày đăng : 08:00, 28/04/2023
1. Xác định và tiếp nhận nguồn thông tin về việc vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự
Theo quy định của pháp luật, quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự và từ thực tiễn công tác cho thấy, Viện kiểm sát các cấp phát hiện, xem xét vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án để kháng nghị, kiến nghị dựa trên cơ sở 07 nguồn thông tin, đó là:
Một là, thông qua bản án, quyết định do Tòa án gửi.
Theo Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015), Tòa án phải giao bản án sơ thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp và gửi Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Các điều 30, 52 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 15/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế số 505/2017) và Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC ngày 17/9/2020 về phối hợp kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.
Thông qua theo dõi chặt chẽ việc Tòa án gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát đối với từng vụ án, Kiểm sát viên cần nắm chắc các trường hợp đã gửi và chưa gửi. Trường hợp Tòa án gửi chậm thì trực tiếp đôn đốc Tòa án gửi đầy đủ và kịp thời để có đủ thời gian nghiên cứu, xem xét việc kháng nghị, kiến nghị. Trường hợp Tòa án gửi chậm hoặc không gửi nhiều bản án, quyết định thì tập hợp kiến nghị, yêu cầu khắc phục và theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, thực hiện. Nếu Tòa án không khắc phục thì kiến nghị lên Tòa án cấp trên, đưa ra Ban Nội chính, Hội đồng nhân dân địa phương hoặc báo cáo VKSND tối cao để kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Thực tế, Kiểm sát viên không chỉ đợi bản án, quyết định của Tòa án được gửi đến mà có thể chủ động theo dõi, nắm bắt vi phạm của các cơ quan tố tụng trong các giai đoạn tố tụng, nhất là trong việc Tòa án xử lý, xét xử vụ án để sớm có phương án xử lý. Việc kháng nghị, kiến nghị vẫn trên cơ sở có bản án, quyết định và hồ sơ vụ án đã được nghiên cứu.
Hai là, thông qua bản án, quyết định của Tòa án do Viện kiểm sát cấp dưới gửi Viện kiểm sát cấp trên.
Theo các điều 30, 52 Quy chế số 505/2017, Viện kiểm sát cấp trên kiểm sát bản án chưa có và đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới.
Viện kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện, Viện kiểm sát cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh; Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh; VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án có hiệu lực pháp luật của các Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh, Tòa án cấp cao. Vì vậy, Viện kiểm sát các cấp cần lưu ý gửi đầy đủ, đúng thời hạn bản án, quyết định của Tòa án cho Viện kiểm sát cấp trên xem xét theo luật định.
Ba là, thông qua việc Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị.
Theo các điều 30, 52 Quy chế số 505/2017, Viện kiểm sát cấp huyện có thể đề nghị Viện kiểm sát cấp tỉnh kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện; đề nghị Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện. Viện kiểm sát cấp tỉnh có thể đề nghị Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định chưa có hiệu lực của Tòa án cấp tỉnh; đề nghị Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh, nếu không đồng ý với quan điểm của Viện trưởng VKSND cấp cao thì có thể đề nghị VKSND tối cao xem xét; Viện kiểm sát cấp cao có thể đề nghị VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án cấp cao.
Việc báo cáo đề nghị của Viện kiểm sát cấp dưới cần gửi kèm theo bản án sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án và các văn bản, tài liệu có liên quan. Trường hợp Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị thì gửi ngay quyết định kháng nghị, bản án, quyết định của Tòa án về kháng nghị của Viện kiểm sát, văn bản rút kháng nghị (nếu có) cho Viện kiểm sát có báo cáo đề nghị. Trường hợp Viện kiểm sát cấp trên không kháng nghị thì gửi ngay văn bản trả lời, thông báo không kháng nghị cho Viện kiểm sát đã báo cáo.
Bốn là, thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát nghiệp vụ.
Thông qua việc theo dõi, giám sát công tác, các hình thức thanh tra, kiểm tra của Viện kiểm sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới, có thể phát hiện việc giải quyết, xét xử vụ án cụ thể có vi phạm cần kháng nghị theo các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; Viện kiểm sát cấp trên có thể trực tiếp yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới cung cấp các văn bản, tài liệu kèm theo để xem xét việc kháng nghị theo luật định.
Năm là, qua đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Điều 372 BLTTHS năm 2015 quy định mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền phát hiện các bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm và thông báo cho người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.
Trên thực tế, đây là nguồn thông tin lớn nhất mà Viện kiểm sát cấp cao và VKSND tối cao tiếp nhận. Phần lớn số đơn này do người tham gia tố tụng hoặc thân nhân của họ, đặc biệt là bị án, bị hại gửi đến Viện kiểm sát đề nghị xem xét, kháng nghị, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác đề nghị rất ít. Việc gửi đơn có thể bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện; một số trường hợp đơn gửi các cơ quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được chuyển đến Viện kiểm sát.
Sáu là, qua sự phản ánh của phương tiện truyền thông, dư luận xã hội.
Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần phân công cán bộ chuyên theo dõi nguồn thông tin qua phương tiện truyền thông, dư luận xã hội để kịp thời nắm bắt và xử lý trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án, trong đó có việc xử lý các bản án, quyết định của Tòa án có dấu hiệu vi phạm, nhằm góp phần ổn định tình hình dư luận xã hội.
Bảy là, qua việc quản lý xử lý nguồn thông tin về bản án, quyết định của Tòa án.
Viện kiểm sát các cấp phải xây dựng sổ theo dõi, ghi chép, phản ánh đầy đủ, cụ thể về các bước tiếp nhận, xử lý đối với các thông tin về bản án, quyết định của Tòa án từ các nguồn khác nhau như: Bản án, quyết định do Tòa án gửi; bản án, quyết định của Tòa án do Viện kiểm sát cấp dưới gửi Viện kiểm sát cấp trên; Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị; bản án, quyết định phát hiện có dấu hiệu vi phạm qua kiểm tra, thanh tra, giám sát nghiệp vụ; đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức và thông tin từ các phương tiện truyền thông, dư luận xã hội. Sổ theo dõi ghi nhận đầy đủ về kết quả việc xử lý, giải quyết các thông tin đó, như việc kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát, kết quả xét xử vụ án do kháng nghị và việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của Tòa án. Việc theo dõi cần thể hiện ở dạng phần mềm trên mạng máy tính.
Trường hợp Viện kiểm sát cấp dưới gửi bản án, quyết định của Tòa án cho Viện kiểm sát cấp trên, cả hai cấp cần theo dõi chặt chẽ trên sổ sách, qua đó nắm chắc từng trường hợp đã gửi, chưa gửi để đôn đốc việc gửi được kịp thời, đầy đủ và đối chiếu, kiểm tra định kỳ hoặc không định kỳ. Trường hợp Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị thì cả hai cấp cần theo dõi trên sổ sách việc gửi, tiếp nhận báo cáo, tài liệu kèm theo và kết quả giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên.
2. Các dạng vi phạm thường gặp
2.1. Vi phạm về luật nội dung
Vi phạm về luật nội dung bao gồm tất cả những vi phạm của cơ quan tố tụng trong việc áp dụng pháp luật về nội dung để giải quyết vụ án; chủ yếu là quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác. Thực tế thường gặp 09 dạng vi phạm sau:
(1) Bỏ lọt tội phạm, người phạm tội: Bỏ lọt người phạm tội thường xảy ra trong vụ án đồng phạm, cơ quan tố tụng có thể bỏ lọt không truy cứu người giúp sức, người thực hiện, người xúi giục, thậm chí cả người chủ mưu, cầm đầu; bỏ lọt tội danh khi một người có nhiều hành vi phạm tội, phạm vào nhiều tội danh khác nhau nhưng cơ quan tố tụng không xem xét, truy cứu hết các tội danh đó; bỏ lọt hành vi phạm tội khi đối tượng thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng cơ quan tố tụng chỉ điều tra, truy tố, xét xử một số hành vi, còn bỏ sót một số hành vi.
(2) Vi phạm về định tội danh: Có bốn dạng vi phạm là kết án người không phạm tội, kết án về tội danh nặng hơn, nhẹ hơn hoặc tội danh ngang bằng nhưng không đúng với tội danh bị cáo thực hiện.
(3) Vi phạm về áp dụng khung, mức hình phạt: Có hai dạng vi phạm, Tòa án áp dụng khung hình phạt nặng hơn hoặc nhẹ hơn tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Trường hợp xử khung hình phạt nhẹ hơn còn có tình trạng Tòa án áp dụng một khung hình phạt, sau đó áp dụng quy định về việc xử dưới khung hình phạt, nhưng thực tế là bị cáo không đủ điều kiện để được xử dưới khung hình phạt đó. Việc áp dụng sai khung hình phạt như trên thường dẫn đến hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ. Còn có trường hợp Tòa án áp dụng đúng khung hình phạt, nhưng quyết định mức hình phạt cụ thể lại không phù hợp.
(4) Vi phạm về phạt tù cho hưởng án treo: Trên thực tế, có những bản án cho bị cáo hưởng án treo khi không đủ các điều kiện quy định tại Bộ luật Hình sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
(5) Vi phạm về áp dụng loại hình phạt: Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về 14 loại hình phạt, trong đó có 07 hình phạt chính và 07 hình phạt bổ sung. Mỗi loại hình phạt được áp dụng với một hoặc một số trường hợp phạm tội nhất định, Tòa án được coi là vi phạm khi áp dụng không đúng trường hợp do luật định.
(6) Vi phạm về tổng hợp hình phạt: Là các trường hợp không tổng hợp hình phạt của nhiều bản án; không tổng hợp phần còn lại của bản án đang được thi hành; không trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam của bị cáo; không tổng hợp với hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo của bản án đang chấp hành theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự; tổng hợp hình phạt không chính xác về thời gian chấp hành do nhầm lẫn về số liệu.
(7) Vi phạm về xác định trách nhiệm dân sự: Là các trường hợp Tòa án xác định trách nhiệm bồi thường đối với bị cáo quá cao hoặc quá thấp; không xác định trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn hoặc hoàn trả; không xác định đúng người có nghĩa vụ và người có quyền được hưởng lợi theo luật định.
(8) Vi phạm về áp dụng các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành (như kinh tế, tài chính, ngân hàng, xây dựng, hải quan, quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ, khai thác lâm sản, y tế, giáo dục), từ đó không tìm được hoặc tìm không đúng văn bản, quy định cần áp dụng, dẫn đến xét xử không đúng luật định, ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm hình sự, dân sự của các bên tham gia tố tụng.
(9) Vi phạm về quyết định biện pháp tư pháp như: Quyết định không tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội hoặc ngược lại là tịch thu công cụ, phương tiện khi không chứng minh được bị cáo dùng vào việc phạm tội.
2.2. Vi phạm về luật tố tụng
Các vi phạm về tố tụng bao gồm vi phạm về hành vi tố tụng và các quyết định tố tụng, có 12 dạng vi phạm thường phát sinh như sau:
(1) Vi phạm về thẩm quyền giải quyết vụ án: Trường hợp này xảy ra không nhiều trong thực tế, có thể là việc truy tố của Viện kiểm sát và việc xét xử của Tòa án không đúng thẩm quyền giữa Tòa án quân sự với Tòa án nhân dân hoặc thẩm quyền theo lãnh thổ (nếu vụ án xảy ra ở nhiều nơi hoặc ở nơi không có bị cáo hoặc không có bị hại); hoặc việc Tòa án xét xử vượt quá giới hạn mà Viện kiểm sát đã truy tố.
(2) Thu thập chứng cứ không hợp pháp, không đầy đủ, không khách quan. Vi phạm này dẫn đến chứng cứ không rõ, mâu thuẫn, không thể hiện rõ các vấn đề cần chứng minh của vụ án (như không lấy đầy đủ lời khai của người làm chứng, chỉ lấy lời khai của người làm chứng có lợi cho một hoặc một số bên, không thu thập đầy đủ vật chứng, dấu vết, dữ liệu điện tử…).
(3) Sử dụng, đánh giá chứng cứ không chính xác: Việc sử dụng, đánh giá chứng cứ không đúng bản chất của vụ án sẽ dẫn đến quan điểm xử lý vụ án không phù hợp (như chỉ sử dụng chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua nhiều chứng cứ bất lợi, hoặc chỉ sử dụng chứng cứ bất lợi cho bị cáo, bỏ qua chứng cứ có lợi. Điều này dẫn đến việc đánh giá không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, áp dụng hình phạt quá nhẹ hoặc quá nặng.
(4) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các thủ tục tố tụng cần thiết theo luật định dẫn đến tình trạng không đủ các thông tin, chứng cứ cần thiết để đánh giá toàn diện vụ án.
(5) Không chỉ định, không tạo điều kiện đầy đủ cho người bào chữa tham gia các hoạt động tố tụng, khiến hoạt động tố tụng không đảm bảo tính khách quan.
(6) Mớm cung, bức cung, dùng nhục hình.
(7) Xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng: Thường xảy ra các trường hợp nhầm lẫn khi xác định người bị hại với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với người làm chứng; thậm chí giữa bị can với bị hại.
(8) Vi phạm trong việc lập biên bản điều tra: Thu giữ tài liệu, đồ vật không lập biên bản thu giữ; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra không ghi chép đầy đủ, rõ ràng các thông tin cần thiết; biên bản hỏi cung ghi chép không đúng lời khai của bị can; các biên bản điều tra bị tẩy xóa, sửa chữa câu chữ không có xác nhận của người tham gia tố tụng…
(9) Vi phạm trong việc tách vụ án như: Một hoặc nhiều bị can có nhiều hành vi phạm tội có liên quan đến nhau nhưng cơ quan tố tụng lại tách ra thành vụ án khác để xử lý sau, dẫn đến việc đánh giá không chính xác và toàn diện tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị can, thậm chí còn bỏ lọt tội phạm, vì sau khi vụ án được tách ra có thể không được tiếp tục điều tra, giải quyết.
(10) Vi phạm trong xử lý vật chứng: Có những trường hợp vật chứng của vụ án không được thu thập đầy đủ, kịp thời, không bảo quản đúng quy định, dẫn đến không đảm bảo giá trị chứng minh; vật chứng có giá trị chứng minh trong vụ án, cần thu giữ nhưng không thu giữ hoặc có thu giữ nhưng lại trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, dẫn đến khó khăn trong việc xác định sự thật của vụ án.
(11) Vi phạm trong việc tống đạt, giao nhận văn bản tố tụng: Việc giao, nhận, tống đạt văn bản tố tụng giữa các cơ quan tố tụng với nhau, giữa cơ quan tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng nhiều trường hợp chưa đúng luật định, chưa đầy đủ và kịp thời, dẫn đến việc người tham gia tố tụng không có điều kiện bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình, không có thêm chứng cứ để chứng minh các vấn đề của vụ án.
(12) Vi phạm trong việc xây dựng bản án, quyết định của Tòa án: Là trường hợp bản án có các biểu hiện diễn đạt sai nội dung vụ án, ghi nhận sai về các chứng cứ tài liệu của vụ án, nhận xét, đánh giá sai dẫn đến quyết định sai về vụ án.
3. Kỹ năng phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị
Thứ nhất, chủ động phát hiện vi phạm qua phối hợp với Tòa án trong giai đoạn xét xử.
Kiểm sát viên cần chủ động theo dõi, phát hiện vi phạm ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử đến khi xét xử và sau xét xử, nghiên cứu kỹ, thực hiện đầy đủ Quy chế số 505/2017 và hướng dẫn hằng năm của VKSND tối cao về khâu công tác này. Sau khi chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án, Kiểm sát viên thông qua Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các kênh thông tin khác nắm chắc tình hình, diễn biến quá trình xử lý vụ án của Tòa án để phát hiện các vi phạm về hành vi, quyết định tố tụng, vi phạm về luật nội dung, luật tố tụng để kháng nghị hoặc kiến nghị. Trong đó, có các vấn đề về thẩm quyền xét xử của Tòa án; thời hạn chuẩn bị xét xử; việc Tòa án tiếp nhận, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa; việc giao, gửi quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
Kiểm sát viên cần lưu ý theo dõi, việc Tòa án ra các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án nhằm chủ động xác định tính có căn cứ để kháng nghị. Ngay sau khi phát hiện các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ của Tòa án có vi phạm, không có căn cứ pháp luật, Kiểm sát viên cần báo cáo lãnh đạo Viện xem xét, quyết định việc kháng nghị, kiến nghị. Trường hợp Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, Kiểm sát viên lưu ý thành phần Hội đồng xét xử; thành phần những người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa, phát hiện có vi phạm (như thành viên Hội đồng xét xử, người giám định, người định giá tài sản là người có quan hệ gia đình với bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng cần thiết cho việc làm rõ vụ án nhưng không được triệu tập) để kiến nghị hoặc yêu cầu xử lý.
Quá trình xét xử, Kiểm sát viên kiểm sát việc điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, việc chấp hành pháp luật, nội quy phiên tòa của người tiến hành và người tham gia tố tụng; nếu phát hiện vi phạm thì yêu cầu sửa chữa ngay. Sau khi phiên tòa kết thúc, Kiểm sát viên tập trung kiểm sát biên bản phiên tòa, việc ban hành và gửi các bản án cho Viện kiểm sát và những thành phần liên quan theo đúng luật định.
Thứ hai, kiểm sát chặt chẽ biên bản phiên tòa.
Thông qua việc thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải chú ý theo dõi, nắm rõ diễn biến phiên tòa, cơ bản xác định được các nội dung sẽ được thể hiện tại biên bản phiên tòa. Yêu cầu của việc kiểm sát biên bản phiên tòa là kiểm sát hình thức, nội dung của biên bản phiên tòa, trong đó có thành phần người tiến hành, người tham gia tố tụng, thủ tục bắt đầu, thủ tục xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa và những nội dung khác, việc hoãn phiên tòa của Tòa án...
Sau khi kiểm tra biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên phải lập phiếu kiểm sát theo mẫu, phản ánh rõ các vi phạm (nếu có) và đề xuất xử lý. Kiểm sát viên đánh giá về các vi phạm được phát hiện, từ đó có đề xuất biện pháp xử lý cho phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm, như yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung vào biên bản phiên tòa, kiến nghị Tòa án sửa chữa hoặc kháng nghị khi có vi phạm nghiêm trọng.
Thứ ba, qua kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.
Kiểm sát viên nghiên cứu kịp thời, xử lý đúng hạn luật định các bản án, quyết định của Tòa án, không để xảy ra tình trạng bản án, quyết định có vi phạm cần kháng nghị song không kháng nghị được vì quá hạn luật định.
Đối với các quyết định bắt tạm giam, trả tự do cho bị cáo; quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án; thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, định giá, phiên dịch, dịch thuật, hoãn phiên tòa, đình chỉ xét xử (thường có nội dung đơn giản), Kiểm sát viên cần xem xét thẩm quyền, thủ tục, căn cứ ban hành các quyết định đó có đúng quy định của pháp luật hay không.
Về mặt nguyên tắc, nội dung bản án phải dựa trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Nội dung bản án có thể đơn giản hoặc phức tạp tùy theo từng vụ án, song ngoài các phần có tính thủ tục, bản án sơ thẩm thường có các phần: Nội dung vụ án; ghi nhận về chứng cứ; nhận xét, đánh giá; quyết định của Tòa án.
Phần nội dung vụ án đã được Kiểm sát viên nắm chắc trong quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử tại phiên tòa và được thể hiện trong kết luận điều tra của Cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát. Thực tế ở phần này, bản án thường thể hiện thống nhất như kết luận điều tra hoặc cáo trạng, trừ trường hợp bị diễn đạt không phù hợp với diễn biến của vụ án. Kiểm sát viên lưu ý những đoạn Tòa án mô tả khác với kết luận điều tra hoặc cáo trạng. Kiểm sát viên xem xét cách mô tả đó của Tòa án có đúng, phù hợp với thực tế, tình tiết, diễn biến cụ thể của vụ án hay không.
Về phần ghi nhận các chứng cứ và ý kiến đánh giá của các bên tại phiên tòa, ý kiến, quan điểm, lập luận của các bên tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, về tất cả các vấn đề liên quan đến vụ án, từ trách nhiệm hình sự, dân sự của bị cáo đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, Kiểm sát viên cần xem xét, xác định Tòa án có ghi nhận đúng về các chứng cứ và ý kiến của các bên tham gia phiên tòa hay không.
Về phần nhận xét, đánh giá của Hội đồng xét xử: Đây là phần Kiểm sát viên cần lưu ý xem xét nhất. Vi phạm thường do mô tả sai nội dung vụ án, ghi nhận sai chứng cứ được kiểm tra tại phiên tòa hoặc ý kiến, lập luận của các bên, dẫn đến Tòa án phán quyết không đúng quy định của pháp luật. Ngay khi nghiên cứu, xem xét cách Tòa án mô tả nội dung vụ án, cách ghi nhận chứng cứ trong bản án, Kiểm sát viên có thể biết được quan điểm và cách lập luận của Tòa án sau đó. Kiểm sát viên phải nghiên cứu, xem xét kỹ lập luận của Tòa án trên các khía cạnh: Lập luận đó có căn cứ, bám sát vào các tình tiết của vụ án hay không; có ghi nhận, mô tả, sử dụng và đánh giá chính xác các chứng cứ của vụ án không; chứng cứ từ tất cả các nguồn: Lời khai của người tham gia tố tụng, vật chứng, dấu vết, kết luận giám định, định giá tài sản, biên bản tố tụng, dữ liệu điện tử, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế, tài liệu, đồ vật khác.
Phần quyết định của bản án (bao gồm quyết định về hình sự, dân sự và các nội dung khác): Đây là phần có giá trị pháp lý của bản án và là kết quả của phần nhận xét, đánh giá của Tòa án. Tuy nhiên, việc xem xét, đánh giá bản án cần tập trung vào phần nhận định. Bởi lẽ, vi phạm thường xảy ra khi Tòa án mô tả sai nội dung vụ án, ghi nhận sai các chứng cứ và ý kiến của các bên về chứng cứ; nhưng cũng có trường hợp Tòa án diễn đạt đúng nội dung vụ án, ghi nhận đúng các chứng cứ, ý kiến, lập luận của các bên, song Tòa án lại có đánh giá, lập luận khác biệt về chứng cứ, dẫn đến phán quyết không đúng.
Thứ tư, thông qua nghiên cứu nội dung đề nghị của Viện kiểm sát cấp dưới, đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức, dư luận báo chí liên quan.
Sau khi Tòa án xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên cần rà soát lại việc giải quyết vụ án, kiểm tra biên bản phiên tòa, kiểm tra bản án, nghiên cứu đơn kháng cáo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trường hợp Tòa án xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, sau phiên tòa, nếu phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên cần đề xuất lãnh đạo Viện để báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Thực tế cho thấy, báo cáo của Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc, tái thẩm thường có nội dung khá rõ ràng và khách quan. Trong khi đó, đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức thường đứng về lợi ích của một bên tham gia tố tụng; nhiều đơn phức tạp, dài dòng, không rõ nội dung, thậm chí nội dung không liên quan trực tiếp đến vụ án. Kiểm sát viên cần nghiêm túc đọc kỹ nội dung đơn, nhận diện từng vấn đề mà người có đơn đề nghị để xem xét, không được bỏ qua những nội dung đề nghị của người có đơn. Việc nghiên cứu báo cáo, đơn đề nghị hay thông tin báo chí cũng có các yêu cầu như việc nghiên cứu bản án của Tòa án. Theo đó, cần xem xét cách thức các nguồn tin diễn đạt nội dung vụ án, mô tả diễn biến, tình tiết, hành vi phạm tội của bị cáo so với thực tế; các chủ thể ghi nhận, sử dụng, đánh giá chứng cứ có khách quan, đúng mức hay không; ý kiến, quan điểm của chủ thể về vi phạm có cơ sở hay không…
Thứ năm, thông qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, tiến hành xác minh.
Quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Kiểm sát viên đã nắm được hồ sơ vụ án. Sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Kiểm sát viên cần thông qua hồ sơ kiểm sát để rà soát, nắm chắc lại vụ án, nhất là những vấn đề có liên quan đến vi phạm cần xem xét. Trên cơ sở đó, kết hợp với việc nghiên cứu biên bản phiên tòa, bản án của Tòa án, đơn kháng cáo của người tham gia tố tụng, xác định rõ vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án, Kiểm sát viên báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kháng nghị đối với bản án sơ thẩm hoặc đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị đối với bản án sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án cùng cấp. Đối với việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên cần đề xuất yêu cầu Tòa án đã xét xử vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chuyển hồ sơ vụ án để nghiên cứu.
Thực tế, vụ án có nhiều vấn đề, nội dung là những vụ án lớn, phức tạp, án kinh tế, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều hành vi phạm tội, ở các thời điểm và địa điểm khác nhau. Kiểm sát viên không nhất thiết phải nghiên cứu toàn bộ vấn đề trong hồ sơ vụ án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, mà cần tập trung vào các vi phạm trong bản án có hiệu lực pháp luật đã được phát hiện qua 06 nguồn thông tin đã nêu ở trên.
Các vi phạm về tố tụng chủ yếu được thể hiện trong hồ sơ vụ án, vì trong đó có toàn bộ tài liệu, văn bản tố tụng, thể hiện các hành vi và quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Kiểm sát viên cần nghiên cứu việc thực hiện các thủ tục tố tụng của cơ quan và người tiến hành tố tụng, từ khi thụ lý, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án, khởi tố bị can đến khi hoàn thành việc xét xử vụ án; tập trung nghiên cứu, xem xét, đối chiếu hành vi, quyết định tố tụng với quy định cụ thể của pháp luật để xác nhận, kết luận về vi phạm.