Trao đổi về việc áp dụng tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Ngày đăng : 08:00, 21/04/2023

(Kiemsat.vn) - Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, có nhiều văn bản hướng dẫn việc xác định tội danh, áp dụng tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đối với từng vụ án cụ thể còn có những quan điểm chưa thống nhất.

1. Về áp dụng tình tiết định khung “giết 02 người trở lên” thì có áp dụng tình tiết định khung “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” không?

Nội dung vụ án:

Khoảng 23 giờ 20 phút ngày 30/12/2021, do nghi ngờ anh H, M và anh N đang đi trên một xe mô tô là nhóm người đã chặn xe ô tô đánh, chém mình bị thương tích trước đó nên Q đã điều khiển xe ô tô, nhấn ga tăng tốc độ, đâm vào phía sau bên trái xe mô tô do anh H điều khiển làm xe mô tô đổ lao vào lề đường, anh M và anh N ngã văng vào lề đường, anh H ngã nằm bất tỉnh trên nắp rãnh thoát nước bên phải theo chiều đi của xe ô tô. Q điều khiển xe ô tô đi thẳng cách vị trí anh H nằm khoảng 20m; sau đó điều khiển xe vòng quay lại, thấy anh N và anh M đang cúi đỡ, nâng anh H dậy; Q tiếp tục nhấn ga tăng tốc độ điều khiển xe ô tô đâm thẳng vào anh H, anh M và anh N; bánh trước bên lái của xe ô tô do Q điều khiển đã đâm chèn qua đầu anh H, đầu xe ô tô bên trái quệt vào đùi trái anh M gây thương tích. Hậu quả anh H chết trên đường đi cấp cứu. Anh M bị thương tích, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 3%.

Trong quá trình giải quyết vụ án, hiện còn quan điểm khác nhau trong việc áp dụng các tình tiết định khung đối với Q về Tội giết người.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Q phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung theo các điểm a, l, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) là “giết 02 người trở lên”, “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, “có tính chất côn đồ” và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”.

Theo đó, hành vi phạm tội của Q diễn ra như thế nào thì phải chịu đầy đủ các tình tiết theo hành vi đã thực hiện. Trong vụ án này, hành vi của Q điều khiển xe ô tô để đâm vào anh H, anh M và anh N là phương pháp có tính nguy hiểm cao, có khả năng làm chết nhiều người; mục đích là nhằm tước đoạt sinh mạng của cả 03 người, có thể làm cả anh H, anh M và anh N chết; hậu quả chỉ có anh H chết, anh M và anh N không chết là ngoài ý muốn. Vì vậy, Q phải chịu đầy đủ cả hai tình tiết định khung “giết 02 người trở lên” và “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Q chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung theo các điểm a, n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 là “giết 02 người trở lên” và “có tính chất côn đồ” và chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”.   

Như vậy, cả hai quan điểm nêu trên đều có điểm thống nhất là phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a, n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 là “giết 02 người trở lên”, “có tính chất côn đồ” và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”, chưa thống nhất việc áp dụng tình tiết định khung “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” khi đã áp dụng tình tiết định khung “giết 02 người trở lên”.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:

Khi nói đến khả năng làm chết nhiều người là nói đến tính năng, tác dụng của phương tiện mà người phạm tội sử dụng khi phạm tội có tính nguy hiểm cao, có thể gây thương vong cho nhiều người như: Ném lựu đạn vào đám đông, bỏ thuốc độc vào bể nước... Hậu quả có thể chết người mà người phạm tội mong muốn và có thể chết người khác; có thể chết nhiều người và cũng có thể không ai bị chết (phạm tội chưa đạt).

Trở lại nội dung vụ án, hành vi của Q điều khiển xe ô tô là nhằm vào số lượng người cụ thể, mục đích là nhằm giết cả 03 người (anh H, anh M và anh N). Từ việc xác định rõ số người và khả năng hậu quả chỉ có thể xảy ra theo nội dung vụ án, thì hành vi của Q chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung “giết 02 người trở lên”, anh M và anh N không chết là ngoài ý muốn. Q chỉ phải chịu tình tiết định khung “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, trong trường hợp, muốn giết anh H, khi anh H đang đứng trong đám đông người và Q đã điều khiển xe ô tô lao thẳng vào đám đông... Do đó, nếu không áp dụng tình tiết định khung “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” thì cũng không áp dụng tình tiết tăng nặng “dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội” đối với Q.

2. Về việc đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” thì có áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” không?

Nội dung vụ án:

Khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 14/8/2021, tại nhà ông Lý Văn H; Lý Thị C (con đẻ của ông H) bị bệnh tâm thần phân liệt, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đã cầm dao bằng kim loại, lưỡi dao dài 27cm, bản dao chỗ rộng nhất là 4,2cm, chỗ hẹp nhất là 2,7cm chém, cứa nhiều nhát vào đầu, cổ ông H. Hậu quả ông H chết.

Trong quá trình giải quyết vụ án, hiện còn có các quan điểm chưa thống nhất trong việc áp dụng các tình tiết định khung đối với Lý Thị C:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Lý Thị C phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điểm đ, i, n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 là “giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”, “thực hiện tội phạm một cách man rợ”, “có tính chất côn đồ” và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.

Vì theo quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015 thì chỉ người bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, Lý Thị C là người chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nên C vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ về hành vi đã thực hiện. C giết ông H không có nguyên nhân, vô cớ, coi thường tính mạng… là hành vi côn đồ, vì vậy phải áp dụng đầy đủ cả điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS; việc Lý Thị C là người bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi chỉ là tình tiết giảm nhẹ.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Lý Thị C chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ, i, khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 là “giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”, “thực hiện tội phạm một cách man rợ” và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.

Như vậy, 02 quan điểm trên chưa thống nhất việc đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” thì có áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” không?

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:

Người bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi là người khi phạm tội, họ không nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm về hành vi và hậu quả do mình gây ra; họ ở trong trạng thái vô thức, lúc tỉnh lúc mê, không thể điều khiển được hành vi theo ý muốn. Trong khi đó, côn đồ có thể được hiểu là hành động coi thường pháp luật, sẵn sàng dùng vũ lực để uy hiếp người khác vô cớ hoặc chỉ vì lý do nhỏ nhặt là manh động, đâm, chém, giết người; coi thường tính mạng, sức khoẻ của người khác.

Như vậy, hành vi có tính chất côn đồ được hiểu là hành vi của người có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, nhận thức rõ hành vi và hậu quả xảy ra nhưng cố tình thực hiện tội phạm. Điều này cũng có nghĩa, đối với người bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, họ không nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm về hành vi và hậu quả do mình gây ra thì không áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ”.

Nguyễn Tiến Đường