Vai trò của nhà trường trong phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra

Ngày đăng : 08:00, 17/03/2023

(Kiemsat.vn) - Phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra nằm trong cơ cấu của hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung. Để phòng ngừa loại tội phạm này thì việc nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện phát sinh, tồn tại của nó là rất cần thiết, trong đó, phải kể tới vai trò của gia đình, các tổ chức xã hội và nhà trường.

1. Một số hạn chế của nhà trường trong phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra

Nhà trường không chỉ trang bị kiến thức mà còn giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho học sinh; có vị trí quan trọng trong việc hình thành phẩm chất con người. Đó là ý thức đối với xã hội, bao gồm hệ thống những quan điểm, nhân sinh quan, phương pháp nhìn nhận, đánh giá sự vật, ý thức tập thể, tinh thần vươn tới những biểu hiện tích cực, phù hợp với đạo đức xã hội... Tuy nhiên, hiện nay, môi trường nhà trường cho thấy một số hạn chế là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội, đó là:

- Việc tổ chức quản lý học sinh ở một số trường đôi lúc chưa tốt: Để quản lý tốt học sinh, các thầy cô phụ trách lớp không chỉ nắm sĩ số, quản lý các em trong thời gian học tập trên lớp mà còn phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý từng em, để có phương pháp giảng dạy và uốn nắn kịp thời những biểu hiện sai trái. Nếu buông lỏng quản lý sẽ dẫn tới việc các hiện tượng tiêu cực bên ngoài xâm nhập vào học đường; các em có học lực yếu kém, có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ không được phát hiện và nhận được sự giúp đỡ kịp thời của thầy cô, bạn bè, nhà trường, từ đó dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội.

- Việc giáo dục đạo đức, pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh chưa đạt hiệu quả: Nhiều trường chỉ chú trọng thành tích, do vậy mà xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho học sinh thông qua các hoạt động tập thể. Việc chăm lo đời sống tinh thần để thu hút sự tham gia của học sinh tại nhà trường còn hạn chế. Hoạt động của các tổ chức, đoàn thể chưa đáp ứng được yêu cầu. Các tổ chức như Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên... còn nặng về hình thức, ít thu hút được thanh, thiếu niên.

Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, việc giảng dạy môn giáo dục công dân chưa đạt kết quả cao, do chương trình đào tạo còn nhiều điểm chưa hợp lý, việc giảng dạy và học tập các môn học chính chiếm rất nhiều thời gian. Những buổi học các môn giáo dục công dân, tuyên truyền pháp luật mang tính hình thức, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền không cao. Vì thế, nhiều em có quan niệm chưa đúng đắn về đạo đức, thiếu hiểu biết pháp luật, đây cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng người chưa thành niên phạm tội.

- Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, nhà trường với các tổ chức xã hội khác ở một số trường chưa chặt chẽ, thường xuyên, còn mang tính hình thức: Sự phối hợp quản lý, giáo dục học sinh giữa nhà trường và gia đình tại một số cơ sở giáo dục chưa tốt, thậm chí lỏng lẻo. Nhiều học sinh lấy lý do gia đình nên nghỉ học, hoặc giả mạo đơn xin phép của phụ huynh để bỏ học đi chơi. Hay có những em vi phạm kỷ luật, thậm chí bị đuổi học nhiều ngày mà gia đình không biết.

Sự phối hợp giữa nhà trường với các tổ chức xã hội còn nhiều bất cập nên còn những hàng quán, cửa hàng dịch vụ giải trí internet, dịch vụ cầm đồ, cho thuê đồ, cho vay tiền xung quanh trường là tụ điểm học sinh bỏ học, trốn học đến vui chơi, mà chủ các cơ sở không nhắc nhở, thậm chí còn bao che cho các em có hành vi sai phạm.

2. Một số giải pháp nâng cao vai trò của nhà trường trong phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội

Từ những hạn chế nêu trên, theo chúng tôi, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội, cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, có chương trình giáo dục phù hợp hơn. Giáo dục trong nhà trường không chỉ có mục đích đem lại cho người học tri thức, mà quan trọng hơn là phải tạo cho người học ý thức và thói quen suy nghĩ độc lập, tự nghiên cứu, khám phá, sáng tạo, tự phát hiện và giải quyết vấn đề. Trong khi đó, hiện nay, chương trình học còn nhiều bất cập làm cho người học bị quá tải, thụ động. Do đó, ngoài việc giáo dục tri thức, văn hóa, cần chú ý đến việc giáo dục lối sống, đạo đức cho các em.

Hai là, tăng cường tuyên truyền pháp luật trong các trường phổ thông. Chương trình giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông cần tập trung vào những vấn đề cần thiết, phù hợp đối với học sinh, cập nhật kiến thức pháp luật mới và sự kiện pháp luật diễn ra trong đời sống để chương trình học tập không nhàm chán. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn học này; cần có chiến lược lâu dài và hợp lý để khuyến khích, động viên sinh viên tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật tham gia công tác giáo dục pháp luật.

Để buổi học pháp luật ở trường phổ thông không nhàm chán, phát huy tác dụng và ý nghĩa, thầy cô giáo phải có phương pháp truyền thụ hấp dẫn, lý thú để thu hút sự chú ý của học sinh. Do đó, cần đảm bảo điều kiện vật chất phục vụ cho việc giảng dạy pháp luật trong trường phổ thông, trang bị đầy đủ sách pháp luật cũng như các phương tiện hiện đại để tăng tính hấp dẫn của môn học.

Ngoài ra, có thể lồng ghép giáo dục pháp luật vào các buổi tuyên truyền, vận động, sinh hoạt Đội, sinh hoạt Đoàn, các buổi dã ngoại... hoặc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật với các hình thức hấp dẫn để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật.

Ba là, tăng cường các biện pháp quản lý học sinh trong nhà trường. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, trường học nào có hình thức quản lý học sinh chặt chẽ và khoa học sẽ hạn chế được tình trạng cãi nhau, đánh nhau hoặc bỏ học. Nếu nhà trường tổ chức tốt các phong trào để thu hút học sinh tham gia sẽ có tác dụng rất lớn, tạo cho các em sân chơi bổ ích, có điều kiện phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách. Ngược lại, những nhà trường coi nhẹ vấn đề này thì chất lượng giáo dục không cao và sẽ có nhiều học sinh bỏ học, hư hỏng, thậm chí phạm tội.

Làm tốt công tác quản lý giáo dục học sinh trong nhà trường chính là góp phần phòng ngừa tội phạm, tách các em ra khỏi môi trường phạm tội. Muốn làm được điều này, đòi hỏi mỗi nhà trường cần có cách quản lý khoa học, người làm công tác quản lý giáo dục không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải là những người hiểu về tâm lý lứa tuổi, có cách quản lý khoa học, phù hợp với lứa tuổi của các em.

Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội. Thầy cô giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách, đạo đức của học sinh; chính lối sống, đạo đức của người thầy sẽ là tấm gương để các học trò học tập và noi theo. Hành động và thái độ cư xử chuẩn mực của người thầy có tác dụng rất lớn hình thành thái độ sống đúng đắn trong các em. Bằng tình yêu thương, sự tận tụy và tâm huyết trong nghề nghiệp, thầy cô giáo có thể động viên, khích lệ các em học tập hăng say, lao động nhiệt tình, sinh hoạt nền nếp. Từ đó, hình thành ý thức kỷ luật, yêu lao động, yêu học tập, trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc. Qua đó, ý thức phòng ngừa, loại bỏ những thói hư tật xấu, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật được hình thành trong quan hệ xử sự hàng ngày của các em.

Năm là, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc trao đổi thông tin nắm được diễn biến tâm lý của các em để có biện pháp tác động kịp thời. Bởi đây là hai môi trường gần gũi, ảnh hưởng đến tính cách của các em. Nếu nhà trường và gia đình có sự liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục, chăm sóc, tạo điều kiện cho các em phát triển, hoàn thiện sẽ góp phần tích cực phòng ngừa tội phạm lứa tuổi chưa thành niên. Ngược lại, nếu mối quan hệ đó lỏng lẻo, có nhiều sơ hở sẽ dẫn đến việc người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội.

Phạm Ngọc Cường - Phan Thị Thu Hà