Hoàn thiện pháp luật về các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Ngày đăng : 08:00, 14/03/2023
1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là một trong những cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự. Hiện nay, các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh trực tiếp đấu tranh phòng, chống các tội phạm; Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng quản lý xuất nhập cảnh; các phòng, cục nghiệp vụ an ninh trực tiếp đấu tranh phòng, chống các tội phạm; Đội An ninh Công an cấp huyện; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Trại giam; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát giao thông.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có sự khác nhau, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Cụ thể:
Các cơ quan thuộc lực lượng An ninh trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn: Khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án; Đội An ninh ở Công an cấp huyện trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thì tiến hành ngay việc truy bắt người có hành vi phạm tội chạy trốn, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án và báo ngay cho Cơ quan an ninh điều tra Công an cấp tỉnh.
Các cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn: Khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án; trường hợp người phạm tội trốn khỏi nơi giam, Giám thị Trại giam ra quyết định truy nã và tổ chức lực lượng truy bắt người bỏ trốn.
Nhìn chung, pháp luật tố tụng hình sự đã quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Từ đó, các cơ quan và người có thẩm quyền trong các cơ quan này áp dụng các hoạt động điều tra hình sự nhằm phát hiện, ngăn chặn tội phạm; thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
2. Vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Cụ thể là:
Thứ nhất, các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, song không có thẩm quyền thực hiện các hoạt động trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. Thực tế cho thấy, quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền, nhiều trường hợp các cơ quan này cần có kết luận giám định, kết quả định giá tài sản để làm căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự như tố giác, tin báo về tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, trong đó vật chứng thu được là tiền giả bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định… Tuy nhiên, luật không quy định thẩm quyền thực hiện hoạt động trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản gây ra nhiều khó khăn cho các các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng như trong quá trình điều tra vụ án hình sự, các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có thẩm quyền ra lệnh khám xét khẩn cấp, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ. Điều này đã gây ra những khó khăn trong ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người bị tố giác bỏ trốn, hoặc có hành vi tiêu hủy tài liệu, vật chứng của vụ án.
Thứ hai, người có thẩm quyền thuộc các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) như triệu tập, lấy lời khai; khám xét, thu thập vật chứng; khám nghiệm hiện trường… Mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục tiến hành từng hoạt động điều tra này nhưng lại không đề cập đến chủ thể có thẩm quyền thuộc các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói chung, trong đó có các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói riêng. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ đề cập đến Điều tra viên là chủ thể chủ trì thực hiện các hoạt động như triệu tập đối tượng lấy lời khai (các điều 185, 188); thủ tục thông báo cho Kiểm sát viên trước khi tiến hành khám xét (khoản 3 Điều 193); trình tự, thủ tục thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông (Điều 197); thủ tục tạm giữ tài liệu, đồ vật khi khám xét (Điều 198); trình tự, thủ tục tiến hành khám nghiệm hiện trường (Điều 201).
Thứ ba, quy định về thẩm quyền của cấp trưởng, cấp phó và Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ở điểm đ khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 40 BLTTHS năm 2015 về việc lấy lời khai người bị kiến nghị khởi tố là chưa phù hợp. Bởi vì, theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015, các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khởi tố. Theo đó, các cơ quan này không có thẩm quyền lấy lời khai người bị kiến nghị khởi tố.
Ngoài ra, điểm a khoản 3 Điều 40 BLTTHS năm 2015 quy định Cán bộ điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn: “Lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm” là không cần thiết. Vì những người tham gia tố tụng mà Cán bộ điều tra có thẩm quyền lấy lời khai trong quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm đã được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLTTHS năm 2015.
Thứ tư, tổ chức của Đội An ninh Công an cấp huyện (là cơ quan trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra) không có cấp trưởng, cấp phó mà chỉ có Cán bộ điều tra là không phù hợp. Theo quy định tại Điều 35 BLTTHS năm 2015, khoản 6 Điều 9 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Đội An ninh Công an cấp huyện chỉ gồm Cán bộ điều tra, không có cấp trưởng, cấp phó. Mặt khác, khoản 1 Điều 37 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định Đội An ninh Công an cấp huyện có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thì tiến hành ngay việc truy bắt người có hành vi phạm tội chạy trốn để lấy lời khai… và báo cáo cho Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh; đồng thời, Đội An ninh Công an cấp huyện có thẩm quyền tiếp nhận, nhưng không có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Các quy định này gây ra những khó khăn trong tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra để thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ vụ việc.
Thứ năm, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đã đưa ra những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn bổ nhiệm cấp trưởng, cấp phó và Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói chung; các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói riêng. Điều này gây ra tâm lý “e ngại” ở một số cán bộ được phân công tham gia giải quyết nguồn tin về tội phạm, thực hiện một số hoạt động điều tra, cũng như gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả các hoạt động khởi tố và điều tra vụ án hình sự.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, bổ sung quy định về việc các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản và khám xét khẩn cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan này trong kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, thu thập được căn cứ khởi tố vụ án hình sự; ngăn chặn việc các đối tượng bị tố giác bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu, vật chứng. Mặt khác, việc bổ sung thẩm quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản của các cơ quan này còn góp phần đảm bảo sự thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015.
Hai là, bổ sung vào các điều 185, 188, 193, 197, 198, 201 BLTTHS năm 2015 về chủ thể thực hiện các hoạt động điều tra này còn bao gồm Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc bổ sung chủ thể này trong quy định của BLTTHS để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan này nói chung, các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói riêng.
Ba là, sửa đổi Điều 40 BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, Cán bộ điều tra của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cụ thể: Bỏ cụm từ “người bị kiến nghị khởi tố” ở điểm đ khoản 2 và điểm c khoản 3; bỏ cụm từ “lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm” ở điểm a khoản 3.
Bốn là, bổ sung quy định về cấp trưởng, cấp phó của Đội An ninh Công an cấp huyện và thẩm quyền giải quyết sơ bộ đối với tố giác, tin báo về tội phạm mà Đội An ninh Công an cấp huyện tiếp nhận. Để đảm bảo yêu cầu trong quan hệ phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, với Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh cũng như tổ chức chỉ đạo thực hiện các hoạt động điều tra hình sự, BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung theo hướng 01 Phó Trưởng Công an huyện phụ trách lĩnh vực an ninh là cấp trưởng, Đội trưởng Đội An ninh là cấp phó trong thực hiện các hoạt động điều tra của Đội An ninh Công an cấp huyện.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn cần bổ sung quy định việc Đội An ninh Công an cấp huyện có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan an ninh điều tra Công an cấp tỉnh trong trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm không phải quả tang có thẩm quyền lấy lời khai; kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan… sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh trong thời hạn không quá 07 ngày. Điều này hoàn toàn phù hợp với cơ cấu, nhiệm vụ của Đội An ninh Công an cấp huyện với vị trí là đơn vị được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Hơn nữa, về mặt tổ chức, Đội An ninh Công an cấp huyện bao gồm các cán bộ được đào tạo nghiệp vụ như các Phòng nghiệp vụ an ninh của Công an cấp tỉnh, nên có thể thực hiện các hoạt động điều tra khi được phân công.
Năm là, bổ sung quy định trong Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 về tiêu chuẩn của cấp trưởng, cấp phó và Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói chung, các cơ quan khác của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói riêng. Theo đó, các chủ thể có thẩm quyền phải đảm bảo các tiêu chí cơ bản như: Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; có trình độ đại học An ninh nhân dân, đại học Cảnh sát nhân dân hoặc cử nhân Luật trở lên; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; được đào tạo qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra đối với trường hợp không tốt nghiệp ngành Điều tra hình sự ở các trường Công an nhân dân.