Ngành Kiểm sát nhân dân tích cực đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tại các dự án đầu tư năm 2023

Ngày đăng : 16:16, 03/03/2023

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 03/3/2023, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí thành viên Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của ngành Kiểm sát; Thủ trưởng, Chủ tài khoản, Chủ đầu tư, Kế toán trưởng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh cùng tập thể lãnh đạo cấp vụ và lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục Kế hoạch - Tài chính (Cục 3) VKSND tối cao.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục 3 VKSND tối cao đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Năm 2022 được sự quan tâm của Nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân được giao kế hoạch vốn tăng cao hơn các năm trước, nhiều trụ sở được đầu tư xây dựng mới; việc triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong Ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục 3 VKSND tối cao.

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng, trong năm 2022, VKSND tối cao đã ban hành, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, đã thực hiện phân bổ và giao kế hoạch vốn đợt 1 năm 2022 ngay từ ngày 31/12/2021 theo Quyết định giao kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành việc phân bổ kế hoạch vốn ngay trong tháng 2/2022 (phân bổ đợt 2 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021- 2025 đợt 2). Ban hành 13 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Chủ đầu tư dự án, Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư triển khai thực hiện kế hoạch vốn năm 2022, trong đó xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, là một trong những tiêu chí để bình xét, đề nghị thi đua cuối năm. Bên cạnh đó, VKSND tối cao đã tổng hợp tiến độ giải ngân của từng dự án theo từng tháng, báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư, Chủ đầu tư dự án đã chủ động và quyết liệt trong triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Viện trưởng VKSND tối cao về thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công. Tại các đơn vị có dự án đầu tư đều thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công, trong đó có 1 lãnh đạo đơn vị làm Tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị thực hiện dự án; công tác lựa chọn nhà thầu bảo đảm theo quy định pháp luật; chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của địa phương, các đơn vị tư vấn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc hoặc báo cáo, đề xuất VKSND tối cao kịp thời giải quyết; chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện dự án. Nhiều đơn vị đã tích cực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân, nhiều dự án tỉ lệ giải ngân đạt tỉ lệ bình quân chung của cả nước (93,5%) kế hoạch vốn giao từ đầu năm, trong đó có 22 dự án được VKSND tối cao điều chỉnh bổ sung vốn đạt tỉ lệ giải ngân trên 100% so với kế hoạch vốn giao từ đầu năm.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của một số Viện kiểm sát địa phương đã đạt được những kết quả tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân. Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu, năm 2023 và thời gian tới dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn, do đó để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, trước hết Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư, Chủ đầu tư một số dự án cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; tích cực, quyết liệt, chủ động, sáng tạo hơn trong tổ chức thực hiện; làm tốt công tác chuẩn bị dự án; chủ động lựa chọn các đơn vị tư vấn quản lý dự án, thiết kế có chuyên môn cao, chất lượng, năng lực tốt; làm tốt công tác phối hợp, trong đó chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và các sở, ban, ngành ở địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong khâu triển khai dự án, bàn giao đất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, phòng cháy chữa cháy...

Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư, Chủ đầu tư dự án cần có các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, theo đúng quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm, cách làm hay của đơn vị khác; chịu trách nhiệm trong trường hợp không đạt tỉ lệ giải ngân theo cam kết đề ra. Đối với các dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm không thực hiện, có vướng mắc… Chủ đầu tư cần rà soát, đánh giá tính khả thi trong đầu tư xây dựng dự án, báo cáo cụ thể thời gian thực hiện, tránh tình trạng cấp vốn kéo dài nhưng không thể giải ngân; kiên quyết và xử lý nghiêm, kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm hoàn thiện thủ tục thanh toán.

Thanh Lâm