Đảng viên VKSND tối cao dự Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Ngày đăng : 20:40, 28/02/2023
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Lê Hoài Trung, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương báo cáo tại Hội nghị.
Hội nghị được kết nối tới 521 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham dự của 28.458 đại biểu.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao. |
Tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao chủ trì Hội nghị; đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Cùng tham dự còn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cùng toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các điểm cầu kết nối gồm: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Đà Nẵng và tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại diện Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao. |
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, đã giới thiệu nội dung cơ bản của cuốn sách và những yêu cầu, nhiệm vụ xoay quanh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí nhấn mạnh, cuốn sách nhằm hệ thống hóa sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này. Cuốn sách được hoàn thành với hơn 600 trang, gần 100 hình ảnh minh họa, trình bày theo phong cách báo chí hiện đại, gồm 03 phần.
Phần thứ nhất, một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, gồm bài viết tổng quan “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!” của Tổng Bí thư; 4 phát biểu kết luận của Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng các năm 2014, 2018, 2020, 2022; và kết luận tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo.
Phần thứ hai, nhất quán phương châm: "Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc", những bài viết trong phần này cho thấy tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của Tổng Bí thư về “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”.
Phần thứ ba, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tập hợp, chọn lọc 62 ý kiến đánh giá của các tầng lớp nhân dân, 10 ý kiến của đại biểu Quốc hội và 24 ý kiến của các chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện sự ghi nhận, ủng hộ, niềm tin tưởng sâu sắc của người dân thuộc mọi tầng lớp, ở mọi vùng miền, lãnh thổ đối với cuộc chiến chống “giặc nội xâm” được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương lưu ý, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh” có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm, đấu tranh phòng chống tham nhũng “không ngừng, không nghỉ” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; có thể coi là cuốn cẩm nang về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Đồng chí đề nghị, cấp ủy các cấp cần phối hợp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các cơ quan báo chí; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuốn sách đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thông qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội và trên các ấn phẩm của các cơ quan báo chí.