Khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

Ngày đăng : 23:04, 23/02/2023

(Kiemsat.vn) - Đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống TAND dân chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân,... là mục tiêu hướng tới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.

Để cụ thể hóa mục tiêu, dự thảo Luật đã đặt ra 06 nhóm chính sách quan trọng, bao gồm: Hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Toà án; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy của TAND; sửa đổi, bổ sung về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp trong TAND; bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Toà án.

Khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014

Về hoàn thiện các quy định, dự thảo Luật đã bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, gồm: Xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật; Xét xử các vi phạm hành chính theo quy định của luật; Xem xét, quyết định văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của luật; Xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Dự thảo cũng đặt ra 02 phương án nên hay không bỏ quy định “Toà án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên toà”. Bởi việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra, công tố. Toà án là cơ quan xét xử nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó;

Đồng thời cũng đặt ra phương án nên hay không bỏ quy định về “thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự”. Bởi về bản chất, tranh tụng là việc các bên đưa ra chứng cứ và lập luận để bảo vệ quan điểm của mình. Toà án đóng vai trò là trọng tài phân xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra. Để tăng cường tranh tụng trong xét xử, cần xác định trách nhiệm thu thập chứng cứ thuộc về Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra trong vụ án hình sự; các bên trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Toà án không tiến hành thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.

Dự thảo đã nêu phương án về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án. Ảnh internet 

Về hoàn thiện tổ chức bộ máy TAND, dự thảo cũng cơ bản giữ nguyên tổ chức bộ máy giúp việc của TAND tối cao, chuyển một số đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ; đối với TAND cấp cao thì tên gọi, cơ cấu tổ chức bộ máy cơ bản giữ nguyên như hiện tại và có bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ, Tòa chuyên trách về Phá sản,...; đối với TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đặt ra 02 phương án là giữ nguyên tên gọi hoặc đổi tên thành TAND phúc thẩm và sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ của cấp tòa này; đối với TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì cũng đổi tên và sửa đổi bổ sung quy định tương ứng; thành lập Tòa án nhân dân chuyên biệt; bổ sung nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quân đội cho các Toà án quân sự…

Về sửa đổi, bổ sung về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, dự thảo cũng đặt ra 02 phương án. Trong đó, phương án 1 là sửa đổi, bổ sung về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Phương án2 là giữ nguyên quy định hiện hành về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.

Về hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp, dự thảo đã bổ sung quy định các chức danh tư pháp trong TAND: Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án. Trong đó:

Đối với thẩm phán: Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ Thẩm phán theo hướng xác định Thẩm phán là người thực hiện nhiệm vụ xét xử và thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm. Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TAND tối cao; bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán dự bị; sửa đổi quy định về ngạch, bậc Thẩm phán.

Đối với thẩm tra viên: Sửa đổi, bổ sung quy định về ngạch, bậc Thẩm tra viên theo hướng chỉ quy định một ngạch Thẩm tra viên với bậc, mức lương, chế độ chính sách tương ứng với bậc, mức lương, chế độ chính sách của Thẩm phán để thuận tiện trong quá trình luân chuyển, điều động Thẩm phán sang làm Thẩm tra viên và ngược lại bổ nhiệm Thẩm tra viên làm Thẩm phán;

Đối với thư ký Tòa án: Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với Thư ký Tòa án theo hướng quy định hệ thống lương và chính sách đối với Thư ký Tòa án do Nhà nước quy định phù hợp với đặc thù của công tác xét xử

Về bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án hiện đại, dự thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng Thẩm phán, biên chế của TAND theo hướng quy định số lượng Thẩm phán, biên chế của TAND do UBTV Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao sau khi có ý kiến của Hội đồng Tư pháp Quốc gia; Bổ sung quy định về nguyên tắc phân bổ số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trên cơ sở vị trí việc làm; quy mô dân số, diện tích tự nhiên; quy mô phát triển kinh tế - xã hội; tình hình tranh chấp, vi phạm và tội phạm; chức năng, nhiệm vụ của Tòa án.

Về đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Toà án, dự thảo cũng đặt ra 02 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên như hiện hành và thiết kế lại thành một chương riêng trong Luật. Tuy nhiên, có bổ sung quy định về tiêu chuẩn, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm tham gia xét xử tại các Toà án nhân dân chuyên biệt; Phương án 2 là tách chế định Hội thẩm ra để xây dựng thành một luật riêng với nội dung đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án hiện hành để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế này.

Theo dự thảo, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Nhận thức về ví trí, vai trò của Tòa án chưa thực sự phù hợp, thống nhất; Các Toà án về cơ bản chưa được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử; Tổ chức một số đơn vị giúp việc tại TAND tối cao chưa khoa học, chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị còn chưa phù hợp; Chưa có thiết chế và cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử, tăng cường ứng dụng CNTT trong thực tiễn; Quy trình bổ nhiệm, tái nhiệm Thẩm phán còn ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán; Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia chưa thực sự phù hợp; Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các chức danh tư pháp còn thấp, chưa tương xứng với tính chất nghề nghiệp; Cơ chế phân bổ, phê duyệt ngân sách cho Tòa án còn kéo dài qua nhiều thủ tục.

Huê Minh