VKSND huyện Tân Uyên (Lai Châu) phối hợp với TAND cùng cấp xét xử lưu động 03 vụ án hình sự

Ngày đăng : 14:01, 20/02/2023

(Kiemsat.vn) - VKSND huyện Tân Uyên vừa phối hợp với TAND cùng cấp xét xử lưu động, rút kinh nghiệm 03 vụ án hình sự nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về tác hại của ma túy và loại tội phạm liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống, ngăn chặn loại tội phạm này trên địa bàn huyện

Nhận thấy trong thời gian qua trên địa bàn huyện Tân Uyên được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Tân Uyên luôn được giữ vững và ổn định, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật cơ bản đã được kiềm chế; tuy nhiên tội phạm về ma túy và cố ý gây thương tích tiếp tục gia tăng và có diễn biến phức tạp.

Để góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống, ngăn chặn loại tội phạm này trên địa bàn, VKSND huyện Tân Uyên đã phối hợp với TAND cùng cấp xét xử lưu động, rút kinh nghiệm 03 vụ án hình sự gồm: Vụ án La Văn Sơn phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy" quy định tại khoản 2, Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015; vụ án Tráng Thị Chí phạm tội "Tạng trữ trái phép chất ma túy" quy định tại khoản 1, Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015 và vụ án Thào A Khứ phạm tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các phiên tòa có sự tham dự của các lãnh đạo, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Kiểm tra viên, Thư ký Tòa án và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã tham gia xét hỏi, tranh tụng và bảo vệ quan điểm truy tố, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát. Thông qua quá trình xét hỏi, luận tội và tranh tụng, Kiểm sát viên đã lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến những người tham dự về tác hại của ma túy cũng như hậu quả của hành vi cố ý gây thường tích và đặc biệt là hành vi bạo lực trong gia đình. Qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa, trên cơ sở tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tương xứng với hành vi phạm tội đối với các bị cáo.

Sau thời gian nghị án, HĐXX tuyên phạt đối với các bị cáo:  La Văn Sơn 08 năm tù; Tráng Thị Chí 01 năm 06 tháng tù. Đối với vụ án Thào A Khứ phạm tội "Cố ý gây thương tích", tại phiên Tòa bị hại là Vàng Thị Tùng (vợ của bị cáo Khứ) đã tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố, Hội đồng xét xử xem xét áp và ra quyết định đình chỉ vụ án theo yêu cầu của người bị hại đồng thời trả tự do tại phiên tòa đối với bị cáo Thào A Khứ. 

Các phiên tòa xét xử lưu động đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, đây cũng chính là một phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm hiệu quả. Tham dự phiên tòa xét xử lưu động, người dân sẽ được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Khi người dân đã biết và hiểu về pháp luật thì chính họ sẽ tuyên truyền, phổ biến đến những người thân và gia đình của mình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân nhất là các loại tội phạm đang có diễn biến phúc tạp trên địa bàn như tội phạm về ma túy, cố ý gây thương tích, qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Nguyễn Hải Nam