Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại

Ngày đăng : 14:00, 20/02/2023

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, tác giả rút ra một số dạng vi phạm thường gặp để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, như: Vi phạm về thời hạn chuyển quyết định tiếp tục giải quyết vụ án đến Viện kiểm sát; không tiếp cận công khai chứng cứ; không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ đầy đủ…; từ đó đưa ra một số giải pháp, góp phần nâng cao chất lượng kiến nghị; kháng nghị trong khâu công tác này.

Nhận diện một số dạng vi phạm qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại

Một số dạng vi phạm chủ yếu để kiến nghị:

Thứ nhất, vi phạm về thời hạn chuyển quyết định tiếp tục giải quyết vụ án đến Viện kiểm sát quy định tại Điều 216 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

Ví dụ 1, vụ án “Tranh chấp chia thừa kế” giữa bà Nguyễn Thị K và ông Ngô Văn B.

Cụ K và cụ L kết hôn năm 1974 không có con chung. Trước khi kết hôn với cụ L, thì cụ K có 3 con riêng là anh T, anh C và chị T. Cụ L có 2 lần vợ và có các con riêng là anh B, chị T, chị H. Sau khi kết hôn, cụ K và cụ L có mua 01 thửa đất số 767 tờ bản đồ số 07 diện tích 143m2 vào năm 1976 và sinh sống ở đó đến nay. Năm 2017, cụ L chết không để lại di chúc. Di sản cụ L để lại là thửa đất 767 diện tích 143m2; trị giá đất theo kết quả Hội đồng định giá xác định là 2.431.447.000 đồng, tổng trị giá đất và tài sản gắn liền với đất là 2.487.387.000 đồng. Cụ K yêu cầu chia di sản của cụ L bằng hiện vật theo quy định của pháp luật. Bị đơn là ông B không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vì ông xác định thửa đất trên là tài sản trong thời kỳ hôn nhân của bố ông là cụ L và mẹ ông là cụ S. Bố mẹ ông chưa ly hôn nhưng ông L vẫn chung sống với cụ K trên thửa đất đó, còn mấy mẹ con ông B phải về nhà ngoại ở.

Vụ án thụ lý ngày 23/11/2020 theo Thông báo thụ lý vụ án số 28/2020/TB-TLVA. Ngày 18/5/2021, Tòa án nhân dân thành phố T ban hành công văn gửi Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh B đề nghị cung cấp cho Tòa án nhân dân thành phố T các thông tin tài liệu để xác định từ năm 1962 đến năm 1974, Tòa án nhân dân huyện D có thụ lý và giải quyết ly hôn giữa cụ L và cụ S (mẹ ông B) không? Nếu có ly hôn vào thời điểm nào?

Ngày 24/5/2021, trong thời gian chờ Tòa án nhân dân huyện D cung cấp tài liệu, chứng cứ, Tòa án nhân dân thị xã T đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Trong quá trình tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân huyện D đã cấp trích lục Bản án dân sự số 10/2021/TL-VA gửi Tòa án nhân dân thành phố T ngày 20/10/2021, xác định cụ L và cụ S đã ly hôn năm 1973. Ngày 21/10/2021, Tòa án nhân dân thành phố T nhận được văn bản trên của Tòa án nhân dân huyện D. Tuy nhiên, đến ngày 01/12/2021, Tòa án nhân dân thành phố T mới ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án với lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn.

Như vậy, trong vụ án này, có vi phạm về thời hạn ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án quy định tại Điều 216 BLTTDS năm 2015 (chậm 36 ngày). Vi phạm trên đã kéo dài thời gian giải quyết vụ án dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.

Thứ hai, không tiếp cận công khai chứng cứ (vi phạm khoản 7 Điều 48 BLTTDS năm 2015).

Ví dụ 2, vụ án “Tranh chấp chia tài sản thừa kế” giữa ông Nguyễn Văn H và ông Nguyễn Đức C.

Cụ Nguyễn Văn M và cụ Phan Thị D sinh được tất cả 08 người con chung và có 01 người con riêng của cụ M gồm: Ông Nguyễn Văn H, ông Nguyễn Văn L, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn C, bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Đ (con riêng của ông M), bà Nguyễn Thị V, ông Nguyễn Văn N và ông Nguyễn Văn C. Ngày 06/11/1995, cụ M mất. Ngày 29/5/2017, cụ D mất. Khi mất cụ M và cụ D đều không để lại di chúc. Di sản thừa kế của cụ M và cụ D để lại là 01 thửa đất số 234, tờ bản đồ số 23, diện tích 143m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1996 mang tên cụ Nguyễn Văn M (theo bản đồ đo đạc năm 2012 thì diện tích thửa đất là 160,7m2) có trị giá là 1.001.000.000 đồng. Nguyên đơn ông H đề nghị chia di sản thừa kế của cụ M, cụ D để lại cho các con theo đo đạc thực tế là 160,7m2. Bị đơn là ông C không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, có yêu cầu phản tố đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện T đã cấp cho cụ M, xác định thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình cụ M, việc phân chia di sản thừa kế tính đến công sức nuôi dưỡng, chăm sóc bố mẹ và tôn tạo di sản thừa kế.

Vụ án đã được Tòa án nhân dân thị xã T (nay là thành phố T) thụ lý và đưa ra xét xử, sau đó ngừng phiên tòa để thu thập tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát. Ngày 16/11/2020, Hội đồng xét xử ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án nhân dân tỉnh B. Ngày 25/01/2021, Tòa án nhân dân tỉnh B chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân thị xã T để tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 02/03/2021, Tòa án nhân dân thị xã T thụ lý vụ án.

Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, ngày 16/6/2021, Thẩm phán được phân công đã tiến hành xác minh và làm việc với ông Nguyễn Văn V về việc ông nguyên là trưởng khu phố L từ năm 2017 đến năm 2019, là người đã ký xác nhận trong đơn của ông C về việc nuôi dưỡng cụ D; tiến hành làm việc với ông Phan Văn M về việc xác định các tài sản trên phần đất mà ông H đang kiện ông C thì những phần tài sản nào do ông C xây dựng. Đồng thời, Tòa án đã gửi công văn đến Công an phường N đề nghị xác minh sổ hộ khẩu tại thời điểm cụ M làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đây là những tài liệu mới phát sinh trong quá trình thụ lý vụ án. Tuy nhiên, Tòa án đã không tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ tất cả những tài liệu này và hòa giải làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự.

Thứ ba, thụ lý sai quan hệ tranh chấp (vi phạm khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015).

Ví dụ 3, vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và ông Đàm Văn Đ; bà Nguyễn Thị T. Ông Đàm Văn Đ và bà Lê Thị Kim T có Giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể số 21E8007297, đăng ký lần đầu ngày 19/8/2010. Ngày 21/12/2020, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh T và ông Đàm Văn Đ, bà Lê Thị Kim T ký Hợp đồng cho vay với hạn mức là 1.500.000.000 đồng; mục đích vay là bổ sung vốn thực hiện phương án mua bán chế biến gỗ; thời hạn vay được quy định trên giấy nhận nợ nhưng tối đa không quá 08 tháng. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng thửa đất số 93, tờ bản đồ số 9, diện tích 144m2, địa chỉ tại thôn P, xã K, huyện T, tỉnh B mang tên Đàm Văn Đ. Sau khi ký kết hợp đồng, Ngân hàng đã giải ngân cho ông Đ, bà T theo các giấy nhận nợ ngày 17/11/2020, 22/12/2020 và 08/6/2021. Tính đến ngày 10/8/2021, do ông Đ, bà T không trả được nợ lãi nên Ngân hàng đã chuyển toàn bộ khoản vay trên sang nợ quá hạn. Ngân hàng đã làm đơn khởi kiện yêu cầu ông Đ và bà T phải trả cho ngân hàng tổng số tiền là 1.698.803.393 đồng bao gồm nợ gốc và nợ lãi. Bị đơn ông Đ, bà T thừa nhận có nợ nhưng xin trả dần. Ngày 08/12/2022, Tòa án nhân dân thành phố T thụ lý vụ án. Đến ngày 07/4/2022, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ chờ cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu. Ngày 13/6/2022, Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án. Ngày 26/7/2022, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Trong vụ án này, tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh giữa nguyên đơn và bị đơn đều có đăng ký kinh doanh và có mục đích lợi nhuận, vì vậy vụ việc trên là tranh chấp kinh doanh thương mại, thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, Tòa án lại thụ lý giải quyết theo vụ án dân sự dẫn đến việc giải quyết vụ án quá thời hạn theo quy định là 02 tháng.

Một số dạng vi phạm chủ yếu để kháng nghị

Một là, chưa đánh giá đầy đủ chứng cứ theo Điều 108 BLTTDS năm 2015, chia thừa kế không đúng quy định của pháp luật: Vi phạm Điều 108, Điều 266 BLTTDS năm 2015, Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong vụ án “Tranh chấp chia thừa kế” giữa cụ Nguyễn Thị K và và ông Ngô Văn B nêu tại ví dụ 1, cụ L chết ngày 27/9/2017 không để lại di chúc nên chia thừa kế theo pháp luật. Di sản cụ L để lại là thửa đất số 767, diện tích 143m2. Quá trình thu thập chứng cứ xác định: Ngày 03/4/2013, cụ L, cụ S, bà T, bà H đã ký hợp đồng tặng cho thửa đất số 767, tờ bản đồ số 07 diện tích 143m2 tại khu phố T, phường Đ, thành phố T, tỉnh B cho ông Ngô Văn B. Việc cho tặng đã được ký kết tại văn phòng công chứng. Việc ký kết hợp đồng đã vi phạm về chủ thể ký kết hợp đồng khi thửa đất 767 là tài sản chung của cụ K và cụ L, nhưng khi ký hợp đồng cụ K không tham gia ký. Cụ S là vợ trước của cụ L, đã ly hôn từ năm 1973 nhưng lại ký vào hợp đồng tặng cho này. Bản án của Tòa án đã quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chia di sản thừa kế cho cụ K và cụ L mỗi người 1/2 (tức là 71,5m2), sau đó tiếp tục chia phần di sản thừa kế của cụ L cho các hàng thừa kế.

Thấy rằng, thửa đất số 767 nếu có căn cứ xác định là tài sản chung của cụ L và cụ K thì cụ L được quyền định đoạt đối với 1/2 thửa đất thuộc quyền của mình. Trong khi đó, theo hợp đồng tặng cho cụ L đã cùng cụ S, bà T, bà H định đoạt toàn bộ thửa đất số 767 là vượt quá quyền được định đoạt. Do đó, hợp đồng tặng cho chỉ hiệu lực đối với 1/2 thửa đất 767 thuộc quyền sở hữu của cụ L, vô hiệu một phần do cụ L định đoạt 1/2 thửa đất 767 của cụ K. Cụ L khi còn sống, ngày 03/4/2013 đã tặng cho ông B toàn bộ thửa đất nhưng hợp đồng tặng cho chỉ có giá trị đối với 1/2 thửa đất là phần của cụ L nên ngày 27/9/2017 cụ L chết thì di sản của cụ L là 1/2 thửa đất 767 không còn là di sản thừa kế để phân chia.

Như vậy, việc Tòa án đánh giá không chính xác về hợp đồng tặng cho nên dẫn đến việc xác định di sản thừa kế và phân chia chia di sản thừa kế của cụ L không đúng đã vi phạm Điều 457, 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 108, Điều 266 BLTTDS năm 2015.

Hai là, Tòa án không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ đầy đủ theo Điều 97 BLTTDS năm 2015.

Cũng trong vụ án nêu tại ví dụ 1, Tòa án xác định cụ K và cụ L cùng góp tiền mua thửa đất số 767. Nhưng trước khi chung sống với cụ L, cụ K đã có chồng là cụ Nguyễn Tiến T. Cụ K và cụ T sinh được 03 người con. Theo các đương sự trình bày, cụ K và cụ T đã ly hôn trong khoảng năm 1970 - 1972 tại Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh H. Nhưng Tòa án thành phố T khi giải quyết vụ án lại chỉ yêu cầu Tòa án nhân dân huyện D cung cấp về việc ly hôn giữa cụ L và cụ S mà không yêu cầu cung cấp về việc ly hôn giữa cụ K và cụ T để xác định quan hệ giữa cụ L và cụ K có được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế) hay không? Nếu như cụ K chưa ly hôn với cụ T thì cụ K chung sống với cụ L không được công nhận là vợ chồng. Việc Tòa án nhân dân thành phố T chưa xác minh, thu thập chứng cứ về việc ly hôn giữa cụ T và cụ K làm căn cứ giải quyết vụ án là có vi phạm.

Ba là, ra quyết định về án phí không đúng quy định của pháp luật: Vi phạm điểm d khoản 1 Điều 12 và khoản 2, 3 Điều 24 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Ví dụ, trong vụ án “tranh chấp kiện đòi tài sản, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa ông Nguyễn Thành S, bà Dương Thị N và Công ty TNHH đầu tư và phát triển thương nghiệp (gọi tắt là Công ty ITD). Ông Nguyễn Thành S và ông Chử Văn X có quan hệ anh em nuôi. Ông X có thương lượng làm việc trực tiếp với chị Trần Thị Y là giám đốc của Công ty ITD về việc thuê lại quyền sử dụng đất của Công ty ITD. Sau đó, ông X nhờ vợ chồng ông S, bà N đứng tên trong hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất với Công ty ITD. Ông X có đưa cho ông S, bà N ký 02 bản hợp đồng và ông S được giữ lại 01 bản hợp đồng, còn 01 bản đưa lại cho ông X để ông X đưa lại cho Công ty ITD có nội dung thuê lại quyền sử dụng đất số D14 đến D19/HD-ITD ngày 02/02/2014 có chữ ký của giám đốc Công ty là bà Trần Thị Y và con dấu của Công ty ITD. Ngày 01/10/2014, ông S chuyển số tiền 07 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty ITD mở tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh T để thực hiện hợp đồng trên. Ngày 12/01/2015, ông S nhận được Thông báo của Công ty ITD có nội dung Công ty ITD không có khách hàng tên Nguyễn Thành S, Dương Thị N; hợp đồng thuê đất nêu trên không phải do công ty phát hành ra và không giao đất cho ông S, bà N. Do vậy, ông S đã làm đơn gửi Công an tỉnh B tố cáo Công ty ITD do bà Y làm giám đốc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông. Phía Công ty ITD cũng có đơn tố cáo ông S có dấu hiệu vu khống.

Ngày 02/11/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với nội dung: Không khởi tố vụ án hình sự Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bà Trần Thị Y; Tội vu khống đối với ông Nguyễn Thành S. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng yêu cầu ông S liên hệ với Công ty ITD - chi nhánh B làm thủ tục để nhận lại số tiền 07 tỉ đồng.

Sau đó, ông S đã đến làm việc với ngân hàng đề nghị trả lại số tiền 07 tỉ đồng nhưng phía ngân hàng trả lời không thể can thiệp để trả lại số tiền này và đề nghị ông S liên hệ với cấp có thẩm quyền của Công ty ITD - chi nhánh B để làm thủ tục rút tiền về. Ông S đã nhiều lần đến Công ty ITD - chi nhánh B đề nghị làm thủ tục để nhận lại số tiền này nhưng phía Công ty ITD không trả lại số tiền trên. Ngày 01/10/2020, ông S, bà N có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty ITD phải trả lại ông bà số tiền 07 tỉ đồng đã nộp vào tài khoản Công ty ITD mở tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh T. Bị đơn Công ty ITD không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và có yêu cầu phản tố ông S, bà N phải bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín bị xâm phạm với tổng số tiền là 16.508.956.909 đồng… bao gồm thuê Luật sư tư vấn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công ty ITD, thuê làm người đại diện theo ủy quyền cho công ty và các chi phí cho việc viết đơn, gửi đơn đến các cơ quan chức năng; chi phí cho việc đi lại, trả lương cho người của Công ty ITD làm việc theo giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng...

Ngày 15/6/2022, Tòa án nhân dân thành phố T ban hành Bản án dân sự sơ thẩm xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thành S, bà Dương Thị N: Buộc Công ty TNHH đầu tư và phát triển thương nghiệp phải trả ông Chử Văn X số tiền 07 tỉ đồng… Bác yêu cầu phản tố của Công ty TNHH đầu tư và phát triển thương nghiệp về việc yêu cầu ông S, bà N phải bồi thường thiệt hại do xúc phạm danh dự, uy tín của Công ty ITD là 16.508.956.909 đồng.

Về án phí: Công ty ITD phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm…

Có thể thấy, nguyên đơn có yêu cầu trả lại số tiền cụ thể là 07 tỉ đồng và được Tòa án chấp nhận thì bị đơn phải chịu án phí có giá ngạch với số tiền phải trả nguyên đơn là 07 tỉ đồng mới đúng quy định nêu trên. Việc Tòa án thành phố T tuyên buộc Công ty ITD chỉ phải chịu 300.000 đồng án phí không có giá ngạch đã gây thất thoát số tiền án phí đương sự phải nộp.

Tòa án nhân dân thành phố T đã xác định yêu cầu của Công ty ITD là bồi thường thiệt hại do xúc phạm danh dự, uy tín. Tòa án đã bác yêu cầu phản tố của bị đơn nhưng cho rằng do yêu cầu bồi thường về danh dự, nhân phẩm, uy tín nên thuộc trường hợp theo điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí đối với yêu cầu không được chấp nhận. Nhưng theo quy định tại khoản 3 mục II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về thiệt hại do danh dự nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chi phí chi trả để thuê luật sư tư vấn và chi phí cho việc viết đơn, trả lương người làm việc theo giấy triệu tập của cơ quan tố tụng không phải là thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Do đó, số tiền mà Công ty ITD yêu cầu chi trả không thuộc trường hợp là thiệt hại về danh dự nhân phẩm, uy tín, nên khi Tòa án bác yêu cầu này thì cần buộc đương sự phải chịu án phí theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14: “Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận”.  Tòa án nhân dân thành phố T đã miễn án phí dân sự sơ thẩm cho Công ty ITD đối với toàn bộ yêu cầu phản tố không được chấp nhận là không đúng quy định nêu trên.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại

Nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, thực hiện có hiệu quả công tác kiến nghị, kháng nghị đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 18/10/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật, từ đó phát hiện các vi phạm để kiến nghị, kháng nghị kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 07/CTVKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về “tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự”.

Thứ hai, lãnh đạo đơn vị cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong khâu công tác này. Những vụ việc phức tạp lãnh đạo Viện trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ vụ án.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát, Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ, báo cáo đề xuất giải quyết vụ án với lãnh đạo Viện, qua đó kịp thời ban hành văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ giải quyết vụ án. Những vụ án có nhiều quan điểm khác nhau, cần kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phòng nghiệp vụ và lãnh đạo Viện kiểm sát cấp trên.

Thứ ba, cán bộ, Kiểm sát viên cần tổng hợp đầy đủ các thông báo rút kinh nghiệm và hướng dẫn nghiệp vụ của ngành đối với những bản án, quyết định của Tòa án bị tuyên hủy, sửa để nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nhận diện vi phạm, áp dụng vào thực tiễn công tác kiểm sát.

Thứ tư, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, trích cứu hồ sơ vụ án đầy đủ, đánh giá toàn diện, khách quan các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để đưa ra quan điểm giải quyết vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Nếu xét thấy hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ vững chắc để kháng nghị thì Kiểm sát viên trực tiếp xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc ban hành kháng nghị.

Thứ năm, trước khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án, lãnh đạo Viện phải kiểm tra các tài liệu đã được Kiểm sát viên chuẩn bị như: Đề cương hỏi, dự thảo bài phát biểu, đánh giá tính chất của vụ án đưa ra dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu những căn cứ pháp lý cần thiết được quy định trong BLTTDS, Bộ luật Dân sự, Luật tố tụng hành chính… và các văn bản pháp luật khác có liên quan để làm căn cứ giải quyết vụ án tại phiên tòa. Sau khi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, nếu quan điểm của Tòa án khác với quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên phải báo cáo ngay lãnh đạo Viện để xem xét việc kiến nghị, kháng nghị.

Sau khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án gửi đến Viện kiểm sát, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án; lập và gửi phiếu kiểm sát bản án và quyết định của Tòa án đến Phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh theo đúng quy định của ngành. Trường hợp phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nhưng không đủ thời gian để thực hiện việc kháng nghị thì lãnh đạo đơn vị kịp thời báo cáo đề xuất Phòng nghiệp vụ và lãnh đạo VKSND tỉnh kháng nghị phúc thẩm, đảm bảo mọi bản án, quyết định của Tòa án đều được giải quyết, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Ngô Thị Lan Hương