VKSND tỉnh phú Thọ phê chuẩn Lệnh bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 19-01V
Ngày đăng : 13:32, 03/02/2023
Theo điều tra ban đầu, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện trong thời gian từ năm 2021 đến 2022, Phùng Mạnh Duẩn với cương vị là Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 19-01V có trụ sở tại thành phố Việt Trì đã nhận số tiền 198 triệu đồng của 4 cá nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để làm thủ tục cải tạo xe cơ giới trái quy định.
Các cơ quan tiến hành tố tụng khám xét nơi làm việc của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 19-01V trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. |
Theo đó, Phùng Mạnh Duẩn đã liên hệ với Lê Đức Thiện, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thiết kế kỹ thuật ô-tô Đức Thịnh có địa chỉ tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) để hợp thức hồ sơ đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo đối với 18 xe ô-tô của 4 cá nhân nêu trên.
Sau đó, Phùng Mạnh Duẩn đã cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo cho 18 xe ô-tô trái quy định và hưởng lợi số tiền hơn 150 triệu đồng.
Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật
Theo điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 tội "Nhận hối lộ" được quy định như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.