Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế

Ngày đăng : 10:30, 13/01/2023

(Kiemsat.vn) - Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Kạn đã quán triệt thực hiện các giải pháp để nâng cao tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thiệt hại do tội phạm tham nhũng, kinh tế gây ra; trong đó, tập trung vào biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, động viên các đối tượng khắc phục thiệt hại để hưởng sự khoan hồng, nhờ đó mà hiệu quả thu hồi tài sản đạt được kết quả đáng khích lệ.

1. Thực tiễn công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Kạn

Thực hiện các chủ trương của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn công tác nghiệp vụ của ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng1. Đặc biệt, ngày 14/10/2021, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ (Hướng dẫn số 33/2021), trong đó đã nêu rõ các cơ sở pháp lý đối với các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước. Đồng thời, Hướng dẫn số 33/2021 cũng đã nhận diện rõ các tài sản phải thu hồi là tài sản tham nhũng, tài sản bị thất thoát, lãng phí, tài sản do phạm tội mà có, các bước cần thu hồi tài sản và chi tiết các biện pháp áp dụng để thu hồi tài sản trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Kiểm sát; đặc biệt là các kỹ năng cần thiết trong các công tác của ngành như thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp tư pháp nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Từ năm 2020 đến nay, VKSND hai cấp tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện, khởi tố 52 vụ/87 bị can về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tỉ lệ tài sản thu hồi, khắc phục cao. Kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế, tổng số tài sản đã thu hồi, khắc phục trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong kỳ là 11.222.000.000 đồng, đạt tỉ lệ 96% trên tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại quy đổi bằng tiền trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Để đạt được kết quả như trên, bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành, VKSND hai cấp tỉnh Bắc Kạn còn phối hợp tốt, chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế như: Phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án trong việc áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản và xử lý tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; duy trì hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trên cơ sở các quy chế phối hợp đã ký; có nhiều biện pháp tích cực để giải quyết tốt những khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ, kinh tế và việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án đó thông qua các cuộc họp, các hội nghị liên ngành rút kinh nghiệm, hội nghị tập huấn và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, dư luận xã hội quan tâm đã được liên ngành các cấp phối hợp chặt chẽ, giải quyết tốt các vụ án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tỉ lệ thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tăng theo từng năm, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt về các tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ hiện nay. Trong quá trình xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Kạn đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để nâng cao tỉ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra. Căn cứ vào tính chất và mức độ, cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp hình sự, hành chính, dân sự phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, VKSND hai cấp tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp cơ quan tiến hành tố tụng các cấp thực hiện các biện pháp như vận động, động viên, thuyết phục các đối tượng tự nguyện giao nộp, khắc phục thiệt hại đã gây ra để được xem xét giảm nhẹ tội danh, hình phạt và hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Bên cạnh đó, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện kiểm sát tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự (THADS), giúp cho cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa thiếu sót, vi phạm trong hoạt động THADS. Đối với các vụ án lớn, phức tạp, khó thi hành, khi cơ quan THADS có báo cáo đề xuất, Ban Chỉ đạo THADS đã chủ trì tổ chức họp liên ngành bàn biện pháp chỉ đạo việc thi hành án, đại điện Viện kiểm sát đều có ý kiến tham gia thiết thực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan THADS. Nhiều vụ án lớn, phức tạp, VKSND hai cấp đã phân công Kiểm sát viên cùng Chấp hành viên yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án cung cấp lệnh kê biên, các hồ sơ có liên quan và trực tiếp tống đạt các thủ tục liên quan cho các bị can tại trại giam. Công tác phối hợp về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án các khoản nộp ngân sách Nhà nước được cơ quan Thi hành án, Viện kiểm sát và Tòa án thực hiện thường xuyên, hiệu quả theo định kỳ hàng năm và đạt được kết quả tích cực, các trường hợp đủ điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đều được các ngành phối hợp rà soát và thống nhất. 

Trong thời gian qua, nhờ thực hiện tốt đồng bộ các biện pháp trên nên hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế của VKSND hai cấp tỉnh Bắc Kạn đã đạt tỉ lệ cao, tuy nhiên, trong thực tiễn, công tác thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp một số hạn chế, vướng mắc, cụ thể:

Một là, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành quy định tài sản bị tịch thu phải là tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong khi đó trên thực tế, tài sản do tham nhũng mà có thường được các đối tượng phạm tội cất giấu, chuyển cho người thân sở hữu, rửa tiền, mua sắm các phương tiện vật chất có giá trị khác... nên việc chứng minh nguồn gốc tài sản là công việc khó khăn và phức tạp đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, pháp luật chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong việc thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Hai là, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai còn gặp nhiều hạn chế. Diện tích đất các cơ quan tiến hành tố tụng kiến nghị Ủy ban nhân dân các địa phương thu hồi được rất thấp, do đa số các vụ án này có chủ thể là cán bộ xã, thôn bán đất, giao đất trái thẩm quyền để có kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi địa phương như nhà văn hóa, đường xá, cải tạo hệ thống kênh mương nông thôn... Mặt khác, sau khi nộp tiền mua đất được giao đất thì người dân hầu hết đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng công trình, tài sản trên đất, sinh sống ổn định và đến nay cũng chưa có cơ chế để giải quyết vấn đề này tại các địa phương.

Ba là, việc quy định chỉ kê biên phần tài sản, phong tỏa tài khoản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền... dẫn đến tâm lý e ngại khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bốn là, một số vụ án sau khi được phát hiện, khởi tố đã không còn tài sản để kê biên, tịch thu do bị can đã sử dụng tiền kinh doanh và thua lỗ hoặc đánh bạc, trả nợ. Việc giải quyết các vụ án hình sự trong một số lĩnh vực đặc thù, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài chính - ngân hàng, mua sắm công đòi hỏi nhiều kết quả giám định tài sản, cần những chuyên gia có trình độ năng lực và điều kiện kỹ thuật để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, phương tiện, quy trình, quy chuẩn giám định ở một số lĩnh vực này hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu; còn nhiều vướng mắc, chậm trễ trong công tác giám định dẫn đến khó khăn trong xác định mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Năm là, một số bản án tuyên không rõ phải đính chính hoặc khi chuyển giao bản án, Tòa án không chuyển đầy đủ tài liệu phục vụ công tác thi hành án; một số vụ án tài sản kê biên là tài sản chung hoặc chưa rõ ràng tài sản chung hay tài sản riêng nên cơ quan THADS chưa có cơ sở để thu hồi tài sản. Công tác thu hồi tài sản phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp truy tìm, chứng minh nguồn gốc tài sản; áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng mới tập trung vào chứng minh hành vi phạm tội để bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm mà chưa chú trọng, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, dẫn đến người phạm tội và người thân của họ có thời gian và điều kiện che giấu hoặc tìm cách tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản sau này. Đối với các vụ việc còn trong giai đoạn giải quyết tin báo, có một số ngân hàng không chấp nhận hoặc chậm thực hiện yêu cầu xác minh, cung cấp thông tin chủ tài khoản, trích sao kê giao dịch... dẫn đến khi Cơ quan điều tra thu thập được thông tin và yêu cầu phong tỏa hoặc ra lệnh phong tỏa tài khoản thì không còn tiền để thu hồi.

2. Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ

- Một số giải pháp:

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác này, nhất là Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần ban hành các hướng dẫn nghiệp vụ về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong từng giai đoạn tố tụng và thi hành án để thực hiện thống nhất trong toàn ngành.

Hai là, quá trình giải quyết vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, Viện kiểm sát các cấp cần chủ động phối hợp và sớm đề ra yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng quyết liệt áp dụng các quy định của pháp luật để đảm bảo việc thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; đồng thời với việc chứng minh hành vi phạm tội thì cần áp dụng ngay các biện pháp để chứng minh tài sản, thu nhập của bị can ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; tích cực giải thích, vận động bị can, bị cáo, người thân tự nguyện khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương… trong công tác thu hồi tài sản, chú trọng xác định nguồn gốc tài sản để làm căn cứ kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế và các biện pháp tố tụng khác như: Kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm giữ đồ vật, phương tiện… nhằm thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Ba là, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản thu nhập cá nhân, mở rộng phạm vi đối tượng có trách nhiệm kê khai tài sản; nghiêm túc thực hiện việc kê khai đầy đủ các tài sản theo quy định; cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra và có chế tài đối với những trường hợp kê khai không trung thực.

Bốn là, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra và cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác phát hiện, điều tra, tập trung xác minh, truy tìm những tài sản do phạm tội mà có thuộc sở hữu của đối tượng, người nhà đối tượng hoặc tài sản của đối tượng nhưng nhờ người khác đứng tên; kịp thời kê biên, phong tỏa theo quy định đối với những tài sản này tránh việc đối tượng tẩu tán, tiêu hủy tài sản tham nhũng. Viện kiểm sát cần tăng cường phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp khi thực hiện các biện pháp kê biên, trong đó cần chú ý xác định hiện trạng và tình trạng pháp lý của tài sản, lập biên bản rõ ràng, chi tiết, đúng hiện trạng để có cơ sở xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kiểm sát chặt chẽ việc cơ quan THADS tổ chức xác minh điều kiện thi hành án, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để thi hành án.

Năm là, thông qua việc giải quyết các vụ án, vụ việc cụ thể, Viện kiểm sát các cấp cần phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong tỏa xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình tố tụng và thi hành án dân sự.

- Một số kiến nghị:

Một là, VKSND tối cao cần kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể về “kê biên tài sản”, “phong tỏa tài khoản” để các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự áp dụng thống nhất, nhất là các quy định cụ thể trường hợp nào bắt buộc phải áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản; hướng dẫn các bước tiến hành kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xác định tài sản chung, tài sản riêng của bị can, bị cáo; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng khi không áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để bị can, bị cáo tẩu tán tài sản dẫn đến không còn tài sản để thu hồi.

Hai là, Quốc hội cần sớm ban hành Luật đăng ký tài sản cá nhân và hoàn thiện pháp luật theo hướng bổ sung quy định các giao dịch có giá trị lớn phải được thực hiện thông qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng, đồng thời tạo dấu vết dòng tiền phục vụ cho việc truy nguyên, truy tìm, phong tỏa tài khoản khi xác định đó là tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; đồng thời, bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm khi không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc.

Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (đối với các lĩnh vực tài nguyên môi trường, ngân hàng, xây dựng, chứng khoán…) cần có quy định riêng đối với các giao dịch biến động liên quan đến bất động sản (nhà, đất), tài sản có giá trị lớn (ô tô, cổ phần…) phải chứng minh rõ nguồn gốc, cần có biện pháp xác minh, kiểm soát chặt chẽ những tài sản đó trước khi thực hiện đăng ký biến động (mua bán, tặng cho…); khi cá nhân mở tài khoản có tài sản lớn phải chứng minh nguồn gốc tài sản…

Hoàng Văn Tuân - Âu Thị Hồng Thắm