Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội khẳng định giá trị, vị thế, uy tín trên con đường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát và cho xã hội
Ngày đăng : 15:55, 11/01/2023
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; Ban Giám hiệu, lãnh đạo cùng toàn thể công chức, viên chức và người lao động trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. |
Năm 2022, trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã hoàn thành đợt khảo sát chính thức đánh giá ngoài Chương trình đào tạo ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát; hoàn thành việc thẩm định kết quả và đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao Quyết định và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát.
Đây là bước ngoặt quan trọng của trường trong việc khẳng định giá trị, vị thế, uy tín của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trên con đường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát và cho xã hội; việc đánh giá ngoài chương trình đào tạo giúp cải tiến chất lượng đào tạo, phát huy hơn nữa các thế mạnh, khắc phục những điểm hạn chế còn tồn tại, đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả nhất trong thời gian tới để Nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện tự đánh giá cơ sở giáo dục theo lộ trình đã đặt ra, tiến thêm một bước nữa trong tiến trình tự chủ theo quy định.
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đang tổ chức đào tạo 05 khóa sinh viên đại học chính quy với 1.637 sinh viên; 02 khóa đào tạo văn bằng thứ 2 ngành Luật; thực hiện 05 đợt thi sát hạch, cấp Chứng chỉ tin học cho 208 thí sinh đủ điều kiện; hoàn thành việc tổ chức giảng dạy, quản lý và cấp chứng chỉ cho 01 khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát (khóa 32 với tổng số 62 học viên). Đồng thời, hoàn thành việc tổ chức giảng dạy, quản lý 25 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu với tổng số 1.806 học viên.
Đặc biệt, năm 2022, Nhà trường đã nghiên cứu, xây dựng và tổ chức giảng dạy thành công ở các VKSND địa phương chuyên đề Kỹ năng ứng dụng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử. Đây là nội dung bồi dưỡng mới, có tính đột phá của Nhà trường và lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy tại các VKSND địa phương. Bên cạnh việc triển khai giảng dạy, Nhà trường đã xây dựng một số mẫu sơ đồ tư duy để giải quyết các nhiệm vụ cấp thiết trong công tác nghiệp vụ như sơ đồ tư duy để phục vụ việc báo cáo án, sơ đồ tư duy để quản trị công việc của cá nhân Kiểm sát viên.
Phản hồi tích cực từ các khóa đào tạo cho thấy, hầu hết các Viện kiểm sát địa phương đều đánh giá việc mở khóa học về ứng dụng sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án là hết sức cần thiết, mang lại ý nghĩa to lớn và hiệu quả tích cực, giúp Kiểm sát viên có thể quản trị công việc, báo cáo án với lãnh đạo Viện một cách bài bản, logic, rõ ràng và đầy đủ hơn so với phương thức báo cáo án truyền thống. Sơ đồ tư duy còn giúp lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp áp dụng trong việc phổ biến văn bản pháp luật tại cuộc họp, hạn chế tối đa về thời gian nhưng vẫn đảm bảo truyền tải toàn bộ nội dung văn bản đến cán bộ, Kiểm sát viên, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của đơn vị.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng trường thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích nổi bật của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng trường yêu cầu Nhà trường cần chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng mới, chỉnh sửa nội dung các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo tinh thần cải cách tư pháp, đồng thời phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường cử cán bộ đi tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, giảng dạy ngành luật theo định hướng ứng dụng, lấy đào tạo đại học làm nền tảng, chú trọng đào tạo kiến thức pháp lý gắn với kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt lưu ý tăng cường kỷ cương, kỷ luật, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị cho sinh viên, học viên; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng thời, Nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức giảng dạy và học tập. Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, phát triển nguồn học liệu điện tử, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên về các kỹ năng cần thiết về dạy học trực tuyến, bảo đảm chất lượng dạy và học trực tuyến.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Huy Tiến cho rằng, Nhà trường cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Thủ trưởng các đơn vị, các công chức có học vị cao, kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ tốt trong Ngành và các chuyên gia của các bộ, ban, ngành khác để tổ chức giảng dạy, truyền đạt kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên sâu phục vụ công tác kiểm sát và lãnh đạo quản lý cho đội ngũ công chức, Kiểm sát viên của VKSND các cấp.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Tiến tin tưởng, với truyền thống và kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng và được sự ủng hộ của toàn Ngành, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2023 sẽ là một năm “bản lề” của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội với những bước phát triển vượt trội, vượt qua thách thức đạt thành tích cao nhất để chào mừng 10 năm ngày thành lập trường.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng trường trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân cho tập thể lãnh đạo trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. |