Ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu công tác của Quốc hội

Ngày đăng : 15:17, 28/12/2022

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 28/12/2022, tại Hà Nội, VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023. Đồng chí nhấn mạnh, những kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2022 đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các bộ, ban, ngành Trung ương: Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ủy Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin – Truyền thông; Thanh tra Chính phủ; Bộ Tài chính; Kiểm toán Nhà nước.

Về phía ngành Kiểm sát nhân dân có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng và đồng chí Tạ Quang Khải. Dự Hội nghị còn có các đồng chí Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự, Viện kiểm sát cấp huyện và các đồng chí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát các cấp tại các điểm cầu trong hệ thống.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng ngành Kiểm sát nhân dân bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 2022, ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu công tác Quốc hội giao

Năm 2022, Viện kiểm sát các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp. Toàn ngành Kiểm sát đã tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bảo đảm hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhiều đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ; hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu yêu cầu được Quốc hội giao.

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt kết quả tốt hơn, như: Đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, chất lượng điều tra được nâng lên; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; chất lượng và thời hạn truy tố đều đạt cao và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, số lượng kháng nghị, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hình sự vượt chỉ tiêu của Quốc hội; đã tích cực phối hợp cùng với Cơ quan điều tra, Tòa án kịp thời xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình. Công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có nhiều chuyển biến rõ rệt, đã cơ bản hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Quốc hội.

Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực; số lượng kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm chất lượng đạt cao; số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án dân sự đạt chỉ tiêu của Quốc hội. Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả hơn; công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, qua đó kịp thời phát hiện, kháng nghị những bản án, quyết định có vi phạm pháp luật. Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án tuân thủ đúng pháp luật, quyền con người, quyền công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được tôn trọng, bảo đảm.

Công tác xây dựng Ngành chuyển biến rõ nét; bộ máy, lãnh đạo chủ chốt tiếp tục kiện toàn tổ chức; đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên được bổ sung, chất lượng từng bước được nâng lên; thực hiện tốt các nội dung phục vụ nhiệm vụ cải cách tư pháp và xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; công tác hướng dẫn thi hành pháp luật và giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong Ngành được thực hiện hiệu quả, thường xuyên; kỷ cương, kỷ luật của Ngành được tăng cường.

Hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được chú trọng và đạt kết quả tốt; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về phương pháp, nội dung và các hình thức đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành; công tác thi đua khen thưởng thực chất hơn, kịp thời động viên, khuyến khích công chức, viên chức thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, xây dựng và nhân rộng được nhiều tấm gương điển hình tiên tiến; công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực. Chủ động và ứng phó kịp thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống và hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, một số đơn vị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số đơn vị có chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp; việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; một số Viện kiểm sát địa phương chưa thực hiện tốt công tác kháng nghị phúc thẩm nên không phát hiện được vi phạm của bản án sơ thẩm, các bản án này đã bị Viện kiểm sát cấp cao nghiên cứu kháng nghị phúc thẩm và Tòa án cấp cao tuyên hủy, sửa án; việc phát hiện vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, dân sự để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục; việc chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm trong công tác tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm để tham mưu cấp ủy và kiến nghị cơ quan hữu quan có biện pháp phòng ngừa, khắc phục…

Tiếp tục làm tốt công tác chống oan sai, chống lọt tội phạm, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội

Năm 2023, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, quyết tâm vượt qua khó khăn và tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế. Thực hiện nhiều hình thức, nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên; trong đó coi trọng công tác đào tạo, đổi mới nội dung đào tạo, tự đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, đơn vị; tiếp tục tổ chức những lớp đào tạo trực tuyến toàn Ngành về nhận thức, kỹ năng công tác xây dựng Đảng cho lãnh đạo kiểm sát các cấp. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong đơn vị để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực và vi phạm pháp luật.

Toàn Ngành tiếp tục làm tốt công tác chống oan sai, chống lọt tội phạm, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; rà soát giải quyết dứt điểm đối với các vụ án, tin báo tạm đình chỉ còn tồn đọng; tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã; tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo tăng cường thu hồi tài sản Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án để góp phần hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống; thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nhất là kỹ năng, ứng dụng công nghệ mới trong điều tra, kiểm sát điều tra.

Thực hiện các biện pháp nâng chất hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; thực hiện việc đánh giá chất lượng công tác và rà soát lại đội ngũ điều tra viên để sắp xếp, kiện toàn, bố trí cán bộ, phân công công việc và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ Điều tra viên; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong kiểm sát hoạt động tư pháp bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tích cực chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm…

Toàn Ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; nghiên cứu các vấn đề hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự có liên quan đến lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương nhưng chưa có người đứng ra bảo vệ.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng và những đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2022.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong NQ số 27 của TƯ (khóa XIII) về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới"; trong đó liên quan đến ngành Kiểm sát nhân dân là “Hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp tăng cường năng lực của ngành Kiểm sát nhân dân. Qua đó tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của Ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ; chủ động nghiên cứu, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm điều kiện hoạt động của Viện kiểm sát các cấp để tạo động lực mới, tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới cho sự phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tổ tụng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham những, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường thực hiện việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thiệt hại, thất thoát; hạn chế tối đa việc hình sự hóa những quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại, góp phần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, đổi mới, sáng tạo nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối Tư trong tương trợ tư pháp hình sự; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin rằng, với sức mạnh đoàn kết, với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực phấn đấu, toàn ngành Kiểm sát sẽ phát huy truyền thống, tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần "Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và cá nhân đồng chí Nguyễn Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đối với hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân thời gian qua; đồng thời khẳng định, những ý kiến chỉ đạo quý báu, toàn diện của đồng chí Chủ tịch nước sẽ là định hướng cho hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo VKSND tối cao sẽ nghiêm túc tiếp thu, thảo luận, chỉ đạo quyết liệt để toàn Ngành thực hiện nghiêm, qua đó hoàn thành xuất sắc mọi yêu cầu, nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 22 tập thể; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2022 cho các đơn vị, VKSND các địa phương.

Danh sách 22 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, gồm:
Các đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, VKSND tối cao; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ, VKSND tối cao; Vụ Kiểm việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, VKSND tối cao; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSND tối cao; Vụ Tổ chức cán bộ, VKSND tối cao; Văn phòng VKSND tối cao; Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh; Báo Bảo vệ pháp luật.
Các VKSND địa phương: VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; VKSND Thành phố Hà Nội; VKSND Thành phố Hồ Chí Minh; VKSND tỉnh Quảng Ninh; VKSND tỉnh Thái Nguyên; VKSND tỉnh Bắc Ninh; VKSND tỉnh Vĩnh Phúc; VKSND tỉnh Thanh Hóa; VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế; VKSND tỉnh Đắk Lắk; VKSND tỉnh Bình Định; VKSND tỉnh Bình Phước; VKSND tỉnh Vĩnh Long; VKSND tỉnh Hậu Giang.

Trịnh Quyết - Hà Vy - Thanh Huyền