MobiFone hoàn thành việc thoái vốn khỏi SeABank, TPBank

Ngày đăng : 09:45, 23/12/2022

(Kiemsat.vn) - Ngày 09/12/2022, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp đã có Quyết định số 618/QĐ-UBQLV ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tổng Công ty viễn thông MobiFone. Trong đó, nhấn mạnh đến việc MobiFone không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất giao hoặc thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán,…, trừ những trường hợp theo quyết định của Thủ tướng.

Theo đó, Quy chế quản lý tài chính của MobiFone quy định cụ thể, chi tiết về: Vốn của MobiFone; Quyền và nghĩa vụ của MobiFone trong việc sử dụng vốn và các quỹ do MobiFone quản lý; Huy động vốn; Quản lý các khoản nợ phải trả; Quản lý vốn đầu tư xây dựng; Bảo toàn vốn Nhà nước; Đầu tư ra ngoài MobiFone; Đầu tư ra nước ngoài; Tài sản của MobiFone; Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định; Khấu hao tài sản cố định, thuê tài sản hoạt động; Cho thuê, thế chấp, cầm cố; Thanh lý, bán nhượng tài sản; Chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài MobiFone; Quản lý hàng tồn kho; Quản lý các khoản nợ phải thu; Kiểm kê tài sản; Đánh giá lại tài sản,…

MobiFone từng đầu tư vào TPBank và SeABank

Riêng về bảo toàn vốn Nhà nước, Quy chế nhấn mạnh: MobiFone phải đảm bảo quản lý và sử dụng vốn nhà nước có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo đúng quy định của pháp luật. Mọi biến động về tăng, giảm vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, MobiFone phải báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát.

Đồng thời, thực hiện bảo toàn vốn Nhà nước bằng các biện pháp như: Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật; mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro; việc trích lập các khoản dự phòng bao gồm dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp thực hiện theo quy định trích lập dự phòng của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

MobiFone phải thực hiện đánh giá chỉ tiêu mức độ bảo toàn vốn theo quy định. Trường hợp không bảo toàn được vốn chủ sở hữu thì Hội đồng thành viên phải có báo cáo giải trình rõ gửi Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính về nguyên nhân không bảo toàn được vốn và biện pháp khắc phục.

Phương án bán phần vốn góp tại TPBank của MobiFone 

Đối với việc đầu tư ra ngoài MobiFone, Quy chế cũng đã có quy định rất chi tiết: Theo đó, MobiFone được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của MobiFone để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo quy định tại Điều 28, Điều 29 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, gồm:

MobiFone được quyền sử dụng vốn của MobiFone để đầu tư ra ngoài MobiFone thuộc các ngành nghề kinh doanh chính được quy định trong Điều lệ tổ chức hoạt động của MobiFone. Việc đầu tư vốn ra ngoài MobiFone phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của MobiFone, đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.

MobiFone không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất giao hoặc thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Trường hợp MobiFone đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực khác, thuộc trường hợp không được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

Báo cáo kết quả thoái vốn của MobiFone 

Việc sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, quy chế cũng nêu rõ thẩm quyền quyết định dự án đầu tư vốn ra ngoài MobiFone. Theo đó, Hội đồng thành viên quyết định từng dự án đầu tư ra ngoài MobiFone với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của obiFone tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công; trường hợp dự án đầu tư ra ngoài MobiFone có giá trị lớn hơn mức quy, dự án góp vốn liên doanh của doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, dự án đầu tư vào doanh nghiệp khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì Hội đồng thành viên báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Để thực hiện tốt các nội dung theo Quy chế, MobiFone phải thực hiện công tác giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động, bao gồm các doanh nghiệp có vốn của MobiFone theo đúng quy định tại Nghị định 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Ngày 13/3/2020, MobiFone đã có báo cáo số 1060/MOBIFONE-KHCL gửi Bộ KH&ĐT, Ủy ban Quản lý vốn tại Noanh nghiệp. Trong đó nêu rõ, tính đến ngày 07/2/2018 MobiFone đã hoàn thành việc đấu giá cổ phần SeABank tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, toàn bộ cổ phần đã được các nhà đầu tư đăng ký mua và tổng số tiền thu về từ bán cổ phần là 333,4 tỷ đồng; tính đến ngày 10/5/2019, MobiFone đã hoàn thành thoái vốn tại TPBank bằng hình thức thoái vốn cổ phần đã niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, tổng tiền thu về tư bán cổ phần là 153,3 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng vốn được thực hiện dưới sự tư vấn của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, và Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam thực hiện thẩm định giá. 

Ở một diễn biến khác, trong Báo cáo số 161/BC-KTNN ngày 22/5/2022 tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: MobiFone quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn lên đến 724,21 tỷ đồng (phần lớn là khoản công nợ của khách hàng cá nhân); ngoài ra, việc bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ (Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực V); trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho không đúng quy định, trích thiếu 1,68 tỷ đồng, trích thừa khấu hao tài sản cố định 11,45 t đồng; Trung tâm mạng lưới miền Bắc thuộc mua thiết bị truyền dẫn một số dự án Mở rộng mạng lưới Metro các tỉnh khu vực Hà Nội, Đông Bắc Bộ, Đông Nam Bộ từ năm 2017 nhưng đến cuối năm 2020 mới đưa vào sử dụng; có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định là 7.029 tỷ đồng; trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp không đúng quy định hoặc chưa nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia số tiền đã trích nhưng sử dụng không hết là 54,52 tỷ đồng; sử dụng đất chưa đủ hồ sơ pháp lý là 0,71 ha và 14 cơ sở đất, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 0,8ha; chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, lĩnh vực không phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính quy định tại Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị MobiFone chỉ đạo các đơn vị xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại đã nêu tại Báo cáo kiểm toán.

Huê Minh