Thực tiễn thi hành công tác tương trợ tư pháp hình sự theo luật tương trợ tư pháp năm 2007 – kinh nghiệm của Nhật Bản

Ngày đăng : 14:23, 03/12/2022

(Kiemsat.vn) - Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2026”, VKSND tối cao phối hợp với Dự án JICA Nhật Bản tổ chức Hội thảo về thực tiễn thi hành công tác tương trợ tư pháp hình sự theo Luật tương trợ tư pháp 2007 - Kinh nghiệm của Nhật Bản.

Bà Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao và ông Kono Ryzuo, Cố vấn trưởng Dự án JICA đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao cho biết, mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá thực tiễn 14 năm thực hiện công tác tương trợ tư pháp hình sự theo Luật tương trợ tư pháp năm 2007. Với vai trò là cơ quan trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND tối cao Việt Nam mong muốn trao đổi, học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

Thời gian qua, VKSND tối cao Việt Nam đã nhận được sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật trong nước và nước ngoài trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự. Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự của các nước, trong đó có Nhật Bản, hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự trong nước có yếu tố nước ngoài.

Đại diện Vụ 13 VKSND tối cao Việt Nam đã trình bày một số nội dung quan trọng như: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự tại Việt Nam qua 14 năm triển khai thi hành luật tương trợ tư pháp, yêu cầu tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài qua đó chỉ ra những mặc hạn chế, khó khăn và nguyên nhân điển hình là do luật chung quy định nhiều lĩnh vực chưa sâu, thiếu quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, Việt Nam vẫn chưa ký hiệp định với nhiều quốc gia nên việc chuyển giao yêu cầu tương trợ tư pháp phải gửi qua kênh ngoại giao và sự khác biệt về quy định pháp luật của nước ngoài và pháp luật Việt Nam dẫn đến những yêu cầu từ của từ phía Việt Nam chưa đáp ứng quy định của nước ngoài và khi phát sinh vấn đề cần tương trợ, các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương không gửi qua cơ quan trung ương mà gửi đến các cơ quan khác hướng dẫn lập hồ sơ theo yêu cầu nên xảy ra tình trạng thiếu nội dung, hồ sơ…

Toàn cảnh Hội thảo.

Ông Kitajima Ryozo, đại diện Cục Hình sự Bộ Tư pháp Nhật Bản đã giới thiệu pháp luật tương trợ điều tra hình sự Nhật Bản và những nội dung cần lưu ý đối với Việt Nam khi lập yêu cầu tương trợ tư pháp gửi Nhật Bản cần thu thập đủ chứng cứ cần thiết cho việc điều tra. Về việc Điều tra viên ở quốc gia khác tiến hành hoạt động điều tra trên lãnh thổ nước ngoài, truy tố vụ án hình sự ở nước ngoài thì đề nghị Cơ quan điều tra nước ngoài tiến hành việc thu thập, cung cấp chứng cứ; khung pháp lý về tương trợ điều tra khi trường hợp không có điều ước sẽ tuân theo nguyên tắc có đi có lại, thực hiện thông qua kênh ngoại giao và quy định của pháp luật trong nước đó; khung pháp lý về tương trợ điều tra trường hợp có điều ước sẽ thực hiện theo điều ước giữa hai nước và điều ước giữa nhiều quốc gia cần phải thực hiện theo tiến trình thủ tục tương trợ điều tra...

Ông Ryozo cũng cho biết trường hợp một số lý do bị từ chối tương trợ điều tra là do thiếu tính chất tội phạm kép, tội phạm chính trị, nguy cơ xâm phạm các lợi ích thiết yếu, vi phạm điều kiện quy định trong Điều ước,…

Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Hội thảo còn dành thời gian thảo luận các vấn đề liên quan đến việc hướng dẫn lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự cho các Kiểm sát viên tham dự được thực hành trên các mẫu văn bản được soạn sẵn yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự, giải đáp những vấn đề thắc mắc của Kiểm sát viên trong việc giải quyết vụ án trong thực tiễn, đồng thời giới thiệu nội dung cuốn Sổ tay công tác tương trợ tư pháp về hình sự.

Bà Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13 VKSND tối cao Việt Nam gửi lời cảm ơn đến đại biểu tham dự đã tập trung đóng góp ý kiến, thảo luận sôi nổi tại buổi hội thảo, tích cực phát biểu chia sẻ những khó khăn còn vướng mắc trong thực tiễn tại địa phương, những kinh nghiệm hay trong quá trình phối hợp giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và các nước; đồng thời có những đề xuất, kiến nghị phù hợp với VKSND tối cao Việt Nam để hoàn thiện hệ thống pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam.

Gia Huy – Trà My