Biện pháp điều tra tài chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng : 08:00, 16/12/2022

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn điều tra vụ án tham nhũng trên thế giới đã chứng minh tính hiệu quả của các biện pháp điều tra tài chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, biện pháp này còn khá mới và ít được sử dụng tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm của một số nước, tác giả cho rằng việc ghi nhận và sử dụng biện pháp điều tra tài chính trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Đặc trưng của tội phạm tham nhũng là luôn gắn với lợi nhuận - tài sản nên hoạt động điều tra bằng cách truy vết tài sản, lần theo dấu vết tài sản đã cho thấy tính hiệu quả của nó. Ưu điểm của biện pháp điều tra tài chính là truy vết, lần theo chuyển động của tài sản (đa phần là tiền), giúp phát hiện nguồn tài sản bất hợp pháp của người bị tình nghi, thông qua đó, thu thập bằng chứng chứng minh hành vi tham nhũng cũng như sự đa dạng về cách tiếp cận nguồn thông tin phục vụ cho công tác điều tra. Biện pháp này đang được nhiều quốc gia sử dụng như một phần không thể thiếu trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp được ghi nhận tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng.

1. Về biện pháp điều tra tài chính

Các cuộc điều tra tài chính xét về bản chất là những hồ sơ điều tra chuyên sâu, chỉ ra sự dịch chuyển của đồng tiền. Cơ sở của biện pháp điều tra tài chính là dựa trên việc điều tra sự không cân xứng giữa tài sản hợp pháp đã được báo cáo và tài sản thực tế, bao gồm sổ đăng ký công khai và những hợp đồng có giá trị, từ đó chỉ ra việc một quan chức có quá nhiều tiền hoặc tài sản. Ví dụ, hợp đồng cho thuê một ngôi nhà đặc biệt đắt tiền, tài liệu ngân hàng và công ty hay xác minh các khoản chi tiêu của các quan chức công quyền hoặc những người thân cận của họ là cách hiệu quả trong việc phát hiện các dấu hiệu tham nhũng. Bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến hoặc cho thấy dấu vết của sự chuyển động của đồng tiền đều quan trọng đối với một cuộc điều tra tài chính. Cụ thể, thông tin tài khoản ngân hàng (hồ sơ kiểm tra và tài khoản tiết kiệm), đăng ký xe (giấy chủ quyền, nơi mua và hồ sơ người nắm quyền), hồ sơ bất động sản (hồ sơ cho thấy thế chấp và hồ sơ chứng thư) là những tài liệu hoặc hồ sơ thường thấy trong các cuộc điều tra. Ngoài ra, các hồ sơ như đĩa máy tính, hóa đơn điện nước, xác nhận ly hôn và thẻ tín dụng có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc điều tra tài chính.

Các yếu tố của hoạt động điều tra tài chính bao gồm: (1) Phát hiện nghi phạm và hành vi phạm tội (điều tra tội phạm); (2) Xác định tiền thu được từ tội phạm; (3) Xác định tài sản nhiều hơn mức có thể bị tịch thu.

- Về yêu cầu và trình tự của điều tra tài chính:

Điều tra tài chính là hoạt động điều tra dựa trên dòng chảy của đồng tiền, do vậy, người thực hiện hoạt động điều tra tài chính cần có kiến ​​thức liên ngành và hiểu biết về nhiều quy định của pháp luật (dân sự, thuế, ngân hàng, chứng khoán và công ty); đồng thời nắm rõ các quy tắc liên quan đến quyền truy cập dữ liệu tài chính. Theo đó, một nhà điều tra tài chính cần đáp ứng các yêu cầu sau: (1) Nắm các quy định của pháp luật để xác định (các) tội phạm đang được điều tra; (2) Hiểu các khái niệm liên quan đến việc thu thập và khả năng chấp nhận của bằng chứng; (3) Khả năng xác định vị trí và giải thích các hồ sơ chứa đựng thông tin tài chính; (4) Truy vết, theo dõi sự dịch chuyển của đồng tiền thông qua các tổ chức tài chính; (5) Biết cách sử dụng các kỹ thuật, thủ thuật kế toán và kiểm toán; (6) Biết sử dụng các phương pháp chứng minh để liên kết các sự kiện tài chính; (7) Khả năng thực hiện phỏng vấn tài chính, ghi nhận những phát hiện mới và tóm tắt dưới dạng báo cáo; (8) Khả năng sử dụng các công cụ điều tra như giám sát và hoạt động bí mật.

- Về cách thức tiến hành các hoạt động điều tra tài chính:

Sau khi có căn cứ về hành vi tham nhũng của nghi phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra tài chính để thu thập chứng cứ cho vụ án. Hiện nay, hoạt động điều tra tài chính thường được thực hiện như sau:

Cơ quan thực thi pháp luật lần theo dấu vết của tài sản từ hồ sơ tài chính (giai đoạn kiểm tra tài sản cơ bản). Theo đó, hồ sơ tài chính có thể được thu thập từ nguồn thông tin mở (từ internet và các phương tiện thông tin đại chúng) và nguồn thông tin đóng (dữ liệu đăng ký động sản, đăng ký bất động sản, thông tin từ ngân hàng, từ khai báo tài sản hay thông tin sẵn có về tiền lương, thu nhập và chi tiêu như hóa đơn, báo cáo chi phí). Ngoài ra, các nhà thực thi pháp luật cũng có thể phân tích thông tin kế toán, hợp đồng, hóa đơn và các tài liệu khác của các doanh nghiệp.

Sau khi kết thúc kiểm tra tài sản cơ bản thì cơ quan thực thi pháp luật đã có thông tin sơ bộ về tài sản của người bị tình nghi có hành vi tham nhũng, để thực hiện thủ tục tiếp theo - điều tra tài chính chi tiết. Trong giai đoạn này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành truy vết, theo dõi và xác định vị trí của tài sản, phân tích hồ sơ tài chính để đánh giá tính không cân xứng giữa tài sản hợp pháp đã được báo cáo và tài sản thực tế, từ đó phát hiện ra các tài sản bất hợp pháp, đồng thời thu thập, đối chiếu, phân tích, diễn giải và tổng hợp dữ liệu xác định hành vi tham nhũng để làm bằng chứng truy tố trước Tòa án.

Trong quá trình điều tra tài chính, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các biện pháp cụ thể nhằm sàng lọc hồ sơ tài chính đối với người bị tình nghi, người mà họ có mối quan hệ chặt chẽ (như các thành viên trong gia đình và các cộng sự thân thiết…). Bởi lẽ, số tiền thu được từ tham nhũng thường được gửi vào các tài khoản ngân hàng đứng tên vợ/chồng, con cái, anh em hoặc cha mẹ của người có hành vi tham nhũng, hay đất đai và cổ phiếu cũng thường được đăng ký dưới tên của những người khác.

2. Kinh nghiệm quốc tế về biện pháp điều tra tài chính

Hồng Kông là một trong số những quốc gia điển hình về sự thành công của việc sử dụng biện pháp điều tra tài chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo đó, tại Hồng Kông, Ủy ban độc lập chống tham nhũng “Independent Commission Against Corruption” (ICAC) được giao nhiệm vụ điều tra các cáo buộc tham nhũng cũng như bất kỳ tội phạm nào (bao gồm rửa tiền) được tạo điều kiện hoặc liên quan đến các nghi ngờ về tội danh tham nhũng. Đơn vị Tình báo tài chính “Joint Financial Intelligence Unit” (JFIU) là một đơn vị chuyên dụng do lực lượng Cảnh sát Hồng Kông và Cục Thuế vụ phối hợp điều hành để tiếp nhận, phân tích giao dịch đáng ngờ do các tổ chức tài chính cung cấp. Mặc dù ICAC không phải là thành viên của JFIU, nhưng ICAC có thể đưa ra các yêu cầu về thông tin tài chính trong những trường hợp cụ thể. Mặt khác, JFIU cũng sẽ chủ động cung cấp cho ICAC thông tin tình báo liên quan nếu họ biết rằng thông tin đó có thể được ICAC quan tâm. Trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, ICAC sử dụng biện pháp điều tra tài chính song song với điều tra tội phạm. Để đạt được hiệu quả, năm 2011, ICAC đã thành lập các đơn vị chuyên trách về kế toán tư pháp “The Forensic Accounting Group” (FAG). Tổ chức này bao gồm các cán bộ chuyên trách về kế toán tư pháp có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm kế toán, đã cung cấp thông tin cho các nhà điều tra tuyến đầu trong việc giải quyết các trường hợp liên quan đến hoạt động kinh doanh ngày càng phức tạp từ góc độ tài chính. Sự hỗ trợ này bao gồm việc cung cấp ý kiến ​​chuyên gia liên quan đến các vấn đề tài chính và kế toán cũng như trong các hoạt động tìm kiếm. Ngoài ra, các biện pháp điều tra tài chính cũng được ghi nhận trong Sắc lệnh ngăn chặn hối lộ “The Prevention of Bribery Ordinance” (POBO) của Hồng Kông, cụ thể, tại Mục 13 Phần 3 quy định về quyền hạn điều tra đặc biệt. Theo đó, Ủy viên của ICAC có quyền: (i) Điều tra và kiểm tra các tài khoản, sổ sách hoặc tài liệu đó hoặc các bài viết khác của (hoặc liên quan đến) người được Ủy viên nêu tên; (ii) Yêu cầu bất kỳ người nào cung cấp các tài khoản, sách, tài liệu hoặc các bài báo khác của (hoặc liên quan đến) người được Ủy viên nêu tên… Tại Mục 14 “Quyền thu thập thông tin” quy định: Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đồng thuận rằng có cơ sở hợp lý để nghi ngờ một hành vi phạm tội theo Sắc lệnh này đã được thực hiện, Tòa án có thể ra lệnh ủy quyền cho Ủy viên bằng một thông báo bằng văn bản để yêu cầu người đó cung cấp cho cán bộ điều tra danh sách các tài sản, nêu rõ nội dung tài sản đó thuộc sở hữu của ai.

Làm tốt việc sử dụng biện pháp điều tra tài chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn có ở Hoa Kỳ. Các Công tố viên thực hiện hoạt động điều tra tài chính để thu thập thông tin, bằng chứng từ các hình thức công khai tài chính của các viên chức theo yêu cầu của Đạo luật về đạo đức trong Chính phủ (bao gồm thông tin về những món quà nhận được; việc đi lại, thu nhập và trách nhiệm của vợ, chồng và những người thân khác). Hoặc Công tố viên có thể thu thập thông tin từ một thông cáo báo chí và dữ liệu từ biểu mẫu thông báo du lịch công khai của một quan chức nhà nước để chứng minh rằng quan chức đó đã sử dụng chuyến đi chính thức này cho mục đích cá nhân. Đây chính là bằng chứng về hành vi tham nhũng. Tại Hà Lan, năm 1993, Đạo luật tịch thu - Đạo luật tước tài sản phạm tội lần đầu tiên được đưa ra, ban đầu dưới khẩu hiệu “lột trần chúng” và được thực hiện nhằm phát triển chuyên môn tài chính trong cơ quan thực thi pháp luật. Chính phủ đã ưu tiên điều tra tài chính và tịch thu theo luật hình sự liên quan đến tài sản do phạm tội mà có. Cảnh sát Hà Lan, các cơ quan điều tra đặc biệt của các bộ khác nhau và dịch vụ công tố của Hà Lan tập trung vào các khía cạnh tài chính để thu thập thông tin, bằng chứng khi điều tra và truy tố nghi phạm.

3. Khuyến nghị cho Việt Nam trong điều tra các vụ án tham nhũng

Tình hình tham nhũng tại Việt Nam hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Thực tiễn điều tra cho thấy, các vụ án tham nhũng liên quan tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn do quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật và xác định tội danh dẫn đến vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, thời gian giải quyết kéo dài.

Hiện nay, việc điều tra các vụ án tham nhũng đang được thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự, trọng tâm là làm rõ hành vi phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội, tức là Điều tra viên tìm cách xác định cách thức thực hiện hành vi, động cơ và danh tính của tội phạm. Để xác định được thì Điều tra viên đặt trọng tâm vào hiện trường và đối tượng bị tình nghi để lần theo hành vi, thông qua đó, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan thay vì đặt trọng tâm vào tài sản, tiến hành truy vết, lần theo dấu vết tài sản để thu thập bằng chứng liên quan như trong hoạt động điều tra tài chính. Nói cách khác, hiện nay, việc sử dụng các biện pháp điều tra tài chính trong điều tra các vụ án tham nhũng còn khá mới ở nước ta, chưa có quy định riêng hay hướng dẫn chi tiết, cụ thể về điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục thực hiện trong quá trình điều tra vụ án, đặc biệt là các vụ án liên quan đến tài chính, tài sản. Các biện pháp điều tra dựa trên hiện trường, đối tượng tình nghi và lần theo hành vi đang dần tỏ ra kém hiệu quả.

Hiện nay, đa phần các quốc gia đã sử dụng biện pháp điều tra tài chính như một phần không thể thiếu trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng cũng như tạo sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền nhằm cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến tội phạm về tài chính, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng (vì tội phạm tham nhũng thường đi liền với các hành vi rửa tiền xuyên biên giới). Biện pháp điều tra tài chính góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng. Do vậy, việc ghi nhận và sử dụng biện pháp điều tra tài chính như một phần trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Có thể thấy được tính khả thi của việc áp dụng biện pháp điều tra tài chính tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, xuất phát từ quy định của pháp luật về điều tra các vụ án tham nhũng. Hiện nay, trình tự, thủ tục của hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng đang được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021. Theo đó, đã có nhiều quy định cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra được áp dụng các biện pháp liên quan đến tài sản như: Thu giữ và bảo quản vật chứng; kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản; khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật… Đặc biệt là những quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 về việc công khai, minh bạch trong bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là những yếu tố quan trọng về mặt pháp lý để đảm bảo thiết lập và tổ chức thực hiện các biện pháp điều tra tài chính trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng.

Thứ hai, theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, những cơ quan được giao nhiệm vụ, quyền hạn trong việc kiểm soát tài sản thu nhập gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước, Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội. Luật này cũng quy định về việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. So sánh với các yêu cầu của các biện pháp điều tra tài chính, có thể thấy, những quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền kiểm soát thu nhập cũng như cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập chính là những yếu tố cần thiết đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp điều tra tài chính.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, Việt Nam đã sẵn có các yếu tố cần thiết để ghi nhận, hướng dẫn chi tiết về điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục tiến hành các biện pháp điều tra tài chính trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng. Theo đó, để áp dụng và phát huy hiệu quả biện pháp này, tác giả đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục cũng như các biện pháp cụ thể của hoạt động điều tra tài chính mà cơ quan tiến hành tố tụng được quyền áp dụng, đặc biệt là đối với việc điều tra hành vi tham nhũng, từ giai đoạn xác minh tài sản bị nghi ngờ; truy tìm tài sản; sử dụng các biện pháp tạm thời như phong tỏa, thu giữ khi thích hợp để tránh tẩu tán tài sản; thực hiện các biện pháp tịch thu tài sản; chứng minh hành vi tham nhũng.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài sản, thu nhập của cán bộ công chức để cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng.

Ba là, tổ chức đào tạo hoặc cử đi đào tạo nước ngoài về kỹ năng thực hiện các biện pháp điều tra tài chính cũng như kiến thức liên quan đến tài chính, truy vết tài chính, hoạt động tài chính, ngân hàng để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực phục vụ cho việc thực hiện các biện pháp điều tra tài chính song song với điều tra tội phạm trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm toán và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng.

ThS. Lê Tiến Sinh - ThS. Nguyễn Văn Hiếu