Về thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố

Ngày đăng : 08:00, 04/12/2022

(Kiemsat.vn) - Thông qua việc phân tích một số vấn đề lý luận về giai đoạn truy tố, bài viết đưa ra khái niệm và những đặc trưng của thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố trong tố tụng hình sự và vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn này.

Về thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố

1. Quyền công tố  

Theo Từ điển tiếng Việt, công tố là “điều tra, truy tố, buộc tội kẻ phạm pháp và phát biểu ý kiến trước Tòa án”. Định nghĩa trên cho thấy, công tố là một chuỗi hoạt động độc lập, liên tiếp, kế tiếp nhau từ điều tra, truy tố đến buộc tội kẻ phạm pháp và phát biểu ý kiến trước Tòa án. Từ điển Luật học định nghĩa: “Quyền công tố là quyền buộc tội nhân danh Nhà nước đối với người phạm tội”. Theo đó, quyền công tố là quyền buộc tội (tức là quyền “buộc vào một tội gì, bắt phải nhận tội, chịu tội”3), việc buộc tội này được thực hiện nhân danh quyền lực nhà nước, hướng tới đối tượng là người phạm tội. Buộc tội là một trong những chức năng cơ bản của tố tụng hình sự bên cạnh chức năng bào chữa và chức năng xét xử. Trong đó, chức năng buộc tội là một dạng hoạt động tố tụng nhằm phát hiện, chứng minh tội phạm và cáo buộc người đã thực hiện hành vi phạm tội; là chức năng tiền đề, “khởi động” cho cả quá trình tố tụng hình sự, vì nếu không phát hiện, chứng minh được tội phạm và đề nghị xét xử thì tố tụng hình sự không thể tiến hành do không có đối tượng.

Hiện nay, mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng có thể rút ra quyền công tố có những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, quyền công tố là quyền lực của Nhà nước. Nhà nước ủy quyền hoặc phân công cho một cơ quan cụ thể thực hiện quyền công tố trong bộ máy cơ quan nhà nước. “Bất cứ nước nào trên thế giới cũng phải sử dụng quyền công tố để chống lại những hành vi gây nguy hại đến sự thống trị và những lợi ích cơ bản của giai cấp cầm quyền và cũng là để duy trì trật tự pháp luật, trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm ổn định và phát triển của toàn xã hội…”4. Vì vậy, quyền công tố ra đời trên cơ sở sự cần thiết bảo vệ thiết chế xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trước những tác động đi ngược lại chuẩn mực chung của xã hội và trừng trị những hành vi xâm phạm các quan hệ xã hội, nhất là những hành vi bị pháp luật coi là tội phạm, đó là một trong những chức năng của Nhà nước và thực hiện chức năng của Nhà nước. Nhà nước đại diện cho ý chí chung của toàn xã hội để buộc tội người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Sự buộc tội nhân danh công quyền là quyền công tố, nên quyền công tố là một loại quyền lực nhà nước, tồn tại, phát triển và tiêu vong cùng với Nhà nước.

Thứ hai, phạm vi của quyền công tố chỉ tồn tại trong lĩnh vực tư pháp hình sự (chỉ giới hạn trong lĩnh vực tố tụng hình sự)5. Buộc tội với tư cách là một hoạt động tố tụng hình sự nhằm chống lại người thực hiện tội phạm do chủ thể buộc tội có trách nhiệm đưa ra lời cáo buộc đối với người thực hiện tội phạm và chứng minh những cáo buộc đó bằng chứng cứ cụ thể, nên quyền công tố là quyền của Nhà nước nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Cơ quan được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố có trách nhiệm chứng minh tội phạm và người phạm tội, truy tố ra trước Tòa án và bảo vệ sự buộc tội đó tại phiên tòa.

 Thứ ba, quyền công tố mang tính cụ thể, chỉ xuất hiện trong trường hợp tội phạm cụ thể đã được thực hiện và đối với những người phạm tội cụ thể; quyền công tố đối với vụ án cụ thể xuất hiện từ khi tội phạm xảy ra và chấm dứt khi việc buộc tội kết thúc (bản án có hiệu lực pháp luật hoặc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can).

Từ đó, có thể đưa ra khái niệm quyền công tố như sau: Quyền công tố là quyền nhân danh Nhà nước (theo sự phân công, ủy quyền) để thực hiện việc buộc tội người thực hiện tội phạm ra trước Tòa án, đồng thời bảo vệ sự buộc tội đó tại phiên tòa nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, xuất hiện từ khi tội phạm được thực hiện và kết thúc khi bản án có hiệu lực pháp luật hoặc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

2. Thực hành quyền công tố

Qua nghiên cứu, có thể thấy, thực hành quyền công tố có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, thực hành quyền công tố do một chủ thể là cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện. Quyền công tố luôn là một bộ phận cấu thành của quyền lực nhà nước, nên gắn liền với cách thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia.

Thứ hai, thực hành quyền công tố là hoạt động thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước (ở Việt Nam là Viện kiểm sát nhân dân (VKSND)) và đối tượng bị áp dụng pháp luật là người bị buộc tội (người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội) theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, mối quan hệ giữa quyền công tố và thực hành quyền công tố là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Vì vậy, đối tượng của quyền công tố là tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, còn đối tượng của thực hành quyền công tố là người bị buộc tội6.

Thứ ba, thời điểm bắt đầu thực hành quyền công tố là khi và chỉ khi tội phạm được phát hiện và cơ quan có thẩm quyền sử dụng quyền năng của mình để chứng minh tội phạm, kết thúc khi có bản án có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định khác có ý nghĩa kết thúc quá trình buộc tội.

Thứ tư, thực hành quyền công tố là việc áp dụng các quyền năng do pháp luật tố tụng hình sự quy định để bảo đảm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Để bảo đảm thực hiện việc buộc tội đối với người thực hiện hành vi phạm tội, pháp luật đã cụ thể hóa quyền công tố thông qua các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của VKSND trong các giai đoạn tố tụng (tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm và giai đoạn xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật). Việc sử dụng các quyền năng pháp lý để thực hiện các hoạt động tố tụng này chính là nội dung của thực hành quyền công tố7.

Từ những phân tích trên, có thể hiểu: “Thực hành quyền công tố là việc VKSND thực hiện các quyền năng pháp lý thuộc nội dung quyền công tố theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự để buộc tội, đưa người thực hiện tội phạm ra xét xử trước Tòa án và bảo vệ sự buộc tội đó tại phiên tòa”.

3. Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố

Được quy định là cơ quan nhà nước duy nhất có chức năng thực hành quyền công tố (ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và xuyên suốt các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự), VKSND là cơ quan duy nhất đảm nhận chức năng truy tố tội phạm và người phạm tội ra trước Tòa án để xét xử. Trong giai đoạn truy tố, VKSND thực hiện nhiều hoạt động khác nhau của quyền công tố nhằm mục đích cuối cùng là quyết định việc truy tố. Đặc trưng nhất của vai trò quyết định truy tố là việc “Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can theo đề nghị của Cơ quan điều tra (CQĐT) về những hành vi phạm tội của họ theo tội danh điều khoản của Bộ luật Hình sự hoặc quyết định không truy tố bị can vì không có căn cứ; nếu truy tố thì tiếp tục bảo vệ quan điểm truy tố trước Tòa án, đồng thời kiểm tra quan điểm truy tố để nếu thấy có cơ sở thì rút quyết định truy tố”8. Hoạt động quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án dựa trên cơ sở chứng minh được tội phạm và người phạm tội. Đây là nội dung của thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố, đồng thời là hoạt động độc lập, đặc trưng riêng của VKSND. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố của VKSND chỉ là quyết định truy tố. Về lý luận và thực tiễn cho thấy, hoạt động truy tố, buộc tội người phạm tội tại phiên tòa chỉ là một trong số các quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố9. Trong đó, thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố là kết quả của quá trình thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố, điều tra và là cơ sở cho việc thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử.

Trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, các chủ thể như CQĐT và một số cơ quan khác có thẩm quyền tiến hành các hoạt động thuộc nội dung quyền công tố. Tuy nhiên, VKSND có vai trò chính thực hành quyền công tố trong các giai đoạn tố tụng này, thể hiện ở việc Viện kiểm sát có quyền chỉ đạo hoạt động của các cơ quan khác và có quyền quyết định cuối cùng, đồng thời chịu trách nhiệm trong việc đưa một người ra trước Tòa án và bảo vệ sự buộc tội đó trước Tòa án; trong giai đoạn truy tố, quyền công tố của VKSND được thể hiện đầy đủ và tập trung nhất do “toàn thể các hoạt động điều tra dù dài dòng và phức tạp đến mấy, nếu giai đoạn truy tố VKSND quyết định không đưa vụ án ra xét xử do không đủ căn cứ”10 thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội trong giai đoạn truy tố bị chấm dứt. Do vậy, thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố là hoạt động buộc tội trong giai đoạn tiếp theo của quá trình buộc tội, đồng thời, việc VKSND trực tiếp thực hiện các quyền năng thuộc quyền công tố nhằm “quyết định có hay không đưa vụ án ra xét xử trước Tòa án” là nội dung quan trọng của thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố.

Viện kiểm sát nhân dân có nhiều quyền năng pháp lý để thực hành quyền công tố trong các giai đoạn tố tụng hình sự nói chung và trong giai đoạn truy tố nói riêng, trong đó, quyền quyết định việc truy tố bị can ra trước Tòa án là quyền duy nhất chỉ VKSND có, mà không tồn tại ở bất kì cơ quan tố tụng nào khác. Một số cơ quan có các quyền năng thuộc nội hàm quyền công tố, nhưng chỉ có cơ quan được giao chức năng thực hành quyền công tố và có vai trò quyết định việc buộc tội mới được sử dụng đầy đủ các quyền năng pháp lý cần thiết để buộc tội người thực hiện hành vi phạm tội và quyết định việc truy tố họ ra trước Tòa án. Như vậy, trong mối quan hệ với các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố là một trong những hoạt động thực hiện chức năng buộc tội nhân danh quyền lực nhà nước và chỉ do VKSND thực hiện.

Từ những phân tích trên, tác giả đưa ra khái niệm và đặc điểm thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố như sau: Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố là hoạt động công tố nhân danh Nhà nước của VKSND trong giai đoạn truy tố thông qua việc thực hiện các hành vi, quyết định tố tụng cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự để quyết định việc truy tố tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội ra xét xử trước Tòa án, được thực hiện từ khi VKSND nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của CQĐT và kết thúc khi VKSND ban hành cáo trạng hoặc quyết định đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật.

Phạm vi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án, bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của CQĐT và kết thúc khi Viện kiểm sát ban hành cáo trạng truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử hoặc quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để tiến hành điều tra bổ sung; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và giao gửi các văn bản tố tụng đến cơ quan, người có thẩm quyền.

Nội dung thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố của VKSND bao gồm quyền quyết định việc truy tố và các quyền hỗ trợ thực hiện việc quyết định truy tố trong giai đoạn truy tố, cụ thể: Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố trong việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án; thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố khi phát hiện còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố, điều tra; ban hành các quyết định tố tụng trong giai đoạn truy tố; một số hoạt động khác theo quy định của pháp luật…

Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát bao gồm các hành vi và quyết định tố tụng mang tính công khai theo một trình tự, thủ tục, thẩm quyền được pháp luật tố tụng hình sự quy định. Quá trình buộc tội đối với đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự đòi hỏi phải được tiến hành đầy đủ trên hai phương diện nội dung và hình thức. Trong đó, việc bảo đảm quy trình tố tụng, tính có căn cứ, hợp pháp và công khai là biểu hiện của nguyên tắc tuân thủ pháp luật tố tụng. Kết quả trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát là sự đánh giá tổng hợp các chứng cứ chứng minh tội phạm của CQĐT, Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố, điều tra. Chứng cứ do Viện kiểm sát thu thập trong giai đoạn truy tố bao gồm chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội… để quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.

Trần Trọng Hoàn