Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong bảo vệ lợi ích công ở Trung Quốc bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Ngày đăng : 08:00, 30/11/2022

(Kiemsat.vn) - Bài viết nghiên cứu những kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc trong việc xây dựng và triển khai chế định kiểm sát tố tụng công ích; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) dưới sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Việc xác định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng không chỉ khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng trong việc đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, mà còn đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp xây dựng Nhà nước kiểu mới - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Định hướng chung tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. Đồng thời, Đảng đã đưa ra các giải pháp về đẩy mạnh cải cách tư pháp, trong đó nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật”. Chính vì vậy, cần đặt ra vấn đề nghiên cứu, hoàn thiện, tăng cường chức năng, nhiệm vụ để các cơ quan tư pháp trong bộ máy nhà nước vận hành hiệu quả, đúng mục tiêu, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) để góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp và pháp luật. Phạm vi nghiên cứu bài viết này là những kinh nghiệm của VKSND Trung Quốc trong việc xây dựng và triển khai chế định kiểm sát tố tụng công ích; từ đó, rút ra những bài học cho việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.

1. Những thành quả, bài học kinh nghiệm về kiểm sát tố tụng công ích ở Trung Quốc

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, các hành vi xâm phạm lợi ích công cộng như phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường, vi phạm các quy định về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất và buôn bán hàng giả phát sinh ngày càng nhiều, làm cản trở quá trình phát triển lành mạnh của xã hội. Những vấn đề này thường ít được Tòa án quan tâm, chủ động giải quyết, bởi chủ thể bị xâm phạm lợi ích chưa được xác định (đây là những lợi ích công cộng, thậm chí là lợi ích quốc gia), mà các chế định tố tụng truyền thống khó có thể giải quyết hiệu quả. Cùng với đó, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được thực hiện tốt. Vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ. Các chế tài để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe và thiếu hiệu quả. Kiểm sát tố tụng công ích của Trung Quốc với tư cách là một mô hình tố tụng mới, hiện đại với một hệ thống pháp luật rõ ràng sẽ giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn đó, để không một ai, không một tổ chức hay cơ quan nào có thể đứng trên pháp luật, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không bị xâm phạm hoặc nếu đã bị xâm phạm thì cũng được giảm thiểu và sớm phục hồi. Xây dựng chế định kiểm sát tố tụng công ích thực chất là tìm một chủ thể thích hợp, sử dụng biện pháp tư pháp để lấp đầy những lỗ hổng thể chế mà trước đây biện pháp tư pháp chưa thể giải quyết, thông qua giám sát tư pháp một cách hiệu quả để thúc đẩy thực thi quyền hành chính đúng pháp luật. Bên cạnh đó, thành quả của chế định kiểm sát tố tụng công ích ở Trung Quốc còn thể hiện ở những điểm sau:

Một là, hiện thực hóa lý tưởng chế độ. Việc nghiên cứu thực tiễn công tác kiểm sát tố tụng công ích rất có lợi cho việc hoàn thiện hệ thống tố tụng, bảo vệ lợi ích công cộng của đất nước và xã hội, thúc đẩy xây dựng Chính phủ pháp quyền. Cơ quan hành chính từ thái độ phản bác chuyển sang thừa nhận rồi hoan nghênh, thậm chí chủ động mời VKSND vào kiểm sát là minh chứng rất rõ cho điểm này. Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc và 09 bộ, ban, ngành (trong đó có Bộ Sinh thái và Môi trường) đã cùng ký “Quy chế về tăng cường phối hợp làm tốt công tác phòng, chống ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực kiểm sát tố tụng công ích”, nhằm tạo nền tảng quan trọng cho việc tăng cường hợp tác giữa thực thi pháp luật hành chính và kiểm sát việc tuân theo pháp luật.

Kiểm sát tố tụng công ích giúp cán bộ thực thi pháp luật tăng cường học tập, chỉnh đốn tác phong thực thi pháp luật hành chính, thúc đẩy nâng cao chất lượng thực thi pháp luật hành chính ở địa phương. Cùng với đó, thông qua việc trao đổi, phối hợp giải quyết các vụ án tố tụng hành chính công ích, VKSND Trung Quốc có sự hiểu biết sâu sắc hơn đối với các cơ quan hành chính. Trong thực tế, cơ quan hành chính khi giải quyết một việc cụ thể cần sự điều phối, phối hợp của nhiều bên và sự tham gia của kiểm sát tố tụng công ích đã góp phần nâng cao hiệu quả sự phối hợp đó. Ví dụ: Khi VKSND tỉnh Quý Châu triển khai hoạt động chuyên đề bảo vệ các ngôi làng truyền thống, giải quyết một loạt các vụ án tố tụng công ích có liên quan thì Bộ Nhà ở và Xây dựng nông thôn đã chủ động đến VKSND tối cao Trung Quốc để bàn bạc, nghiên cứu phương án bảo vệ tốt hơn các di sản văn hóa truyền thống thông qua công tác kiểm sát tố tụng công ích.

Hai là, phục vụ chiến lược quốc gia và phát triển kinh tế. Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc tích cực phát huy chức năng kiểm sát tố tụng công ích là động lực thúc đẩy thực hiện thành công các chiến lược quốc gia như: “Phục hưng nông thôn”, “Phát triển vành đai kinh tế sông Trường Giang”, “Môi trường sinh thái sông Hoàng Hà và chiến lược phát triển chất lượng cao”;...

Ba là, tăng cường hiệu quả quản trị quốc gia, quản trị xã hội, quản trị nông thôn. Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc giải quyết số lượng lớn các vụ án tố tụng công ích đã cùng với cơ quan hành chính tạo thành sức mạnh tổng hợp giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài. Cụ thể là: Trong các vụ án tố tụng công ích liên quan đến việc bảo vệ suối nước nóng ngầm tại thành phố An Ninh (tỉnh Vân Nam), VKSND đã ban hành nhiều kiến nghị kiểm sát về vấn đề suối nước nóng ngầm bị khai thác, sử dụng bừa bãi, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên nước của địa phương. Theo thống kê, tháng 7/2019, tỉ lệ khai thác nước suối ngầm tại phố suối nóng, thành phố An Ninh giảm 56% so với đầu năm, các giếng nước nóng phun nước trở lại do mực nước nóng ngầm bắt đầu tăng.

Ngoài ra, việc VKSND Trung Quốc thực hiện tốt chức năng kiểm sát tố tụng công ích còn làm tăng cảm nhận tích cực của quần chúng nhân dân về công bằng, chính nghĩa, an toàn và môi trường sống trong lành, góp phần bảo vệ giá trị cốt lõi XHCN. Đối với các doanh nghiệp liên quan đến tố tụng công ích về môi trường sinh thái, ngoài việc giải quyết án, bảo vệ lợi ích công cộng thì VKSND Trung Quốc còn có trách nhiệm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi, nâng cấp mô hình sản xuất để đảm bảo cân bằng lợi ích, bảo vệ dân sinh.

2. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong bảo vệ lợi ích công ở Việt Nam

Với chức năng hiến định là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, VKSND Việt Nam là cơ quan tiến hành tố tụng có vai trò, mục đích: (i) Bảo đảm các hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh; mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh;(ii) Phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa. Cơ quan, tổ chức hữu quan phải thực hiện yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát và phải trả lời việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị đó. Vai trò trên của VKSND Việt Nam được thể hiện rất rõ trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dân sự, hành chính, vai trò bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng của VKSND chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 và Luật tố tụng hành chính năm 2010 có hiệu lực. Hai văn bản trên không còn quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự, hành chính của VKSND như trước đây nên đã thực sự tạo ra khoảng trống pháp luật do chưa có cơ quan nào thay thế thực hiện hoạt động này của Viện kiểm sát. Trong các giai đoạn trước đây, VKSND các cấp đã chủ động thực hiện thẩm quyền khởi tố nhiều vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, những người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, cụ thể là: Từ năm 1961 đến năm 1963, VKSND các cấp đã khởi tố 39 vụ án dân sự; từ năm 1969 đến năm 1972 đã khởi tố 156 vụ án dân sự; từ năm 1973 đến năm 1975 đã khởi tố 141 vụ án dân sự; năm 1978 và 1979 đã khởi tố 711 vụ án và yêu cầu, hướng dẫn các cơ quan có trách nhiệm khởi tố 1.034 vụ án; năm 1984 khởi tố 1.472 vụ án; năm 1985 khởi tố 2.173 vụ án. Chất lượng khởi tố vụ án được bảo đảm, giúp thu hồi nhiều vật tư, tài sản cho Nhà nước, tập thể, cụ thể: Năm 1979, VKSND các tỉnh, thành phố đã thu hồi cho Nhà nước và tập thể 6.297.601 đồng, 141 ha ruộng đất, 728,7 tấn thóc, 350 kg gạo và một số tài sản khác,... Từ năm 1990 đến năm 1997, VKSND các cấp đã tham gia 93.500 phiên tòa dân sự sơ thẩm ở 02 cấp, trong đó đã khởi tố 1.663 vụ án, phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án và ban hành 1.454 quyết định kháng nghị phúc thẩm;... Từ năm 2002 đến năm 2004, VKSND các cấp đã khởi tố 104 vụ án dân sự.

Tuy nhiên, theo quy định của BLTTDS năm 2015, khi xảy ra vi phạm trong lĩnh vực gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này phải có trách nhiệm khởi kiện vụ án dân sự ra trước Tòa án để yêu cầu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Trường hợp Tòa án thụ lý vụ án dân sự để xem xét, giải quyết thì VKSND (với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng) có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết vụ án, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm giải quyết vụ án dân sự kịp thời, đúng pháp luật. Như vậy, nếu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này không khởi kiện vụ án dân sự ra trước Tòa án thì cũng không có cơ chế để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng bị xâm phạm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế hiện nay, theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì số vụ việc do cơ quan, tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác chiếm tỉ lệ rất thấp. Trong khi đó, có rất nhiều vụ việc dân sự, vụ án hành chính xâm hại lợi ích công đã và đang xảy ra cần được xử lý. Đây là một thực tế đáng báo động, nhất là khi hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật, tình trạng vi phạm pháp luật dân sự, hành chính xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu đến những lĩnh vực quan trọng của an sinh xã hội. Chẳng hạn, trong lĩnh vực môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng đã lên án mạnh mẽ việc chưa thiết lập được cơ chế pháp luật dân sự hiệu quả để bảo vệ môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khí thải, nước thải, rác thải từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, bệnh viện chưa qua xử lý được đưa vào môi trường sống “hàng ngày, hàng giờ”, đáng lo ngại là có cả một số chất thải nhiều nguy cơ gây ra các bệnh nguy hiểm đối với sức khoẻ con người như ung thư, đường ruột, vô sinh, lao phổi,... hoặc trong lĩnh vực tiêu dùng, quyền lợi của hàng triệu người tiêu dùng bị xâm hại hàng ngày với chiều hướng diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, việc không giao cho VKSND thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội từ năm 2002 đã ít nhiều tạo “khoảng trống” trong thực hiện cơ chế giám sát bên ngoài đối với các cơ quan hành pháp, trong giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, kinh tế là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng; không ít văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thiếu tính khả thi, không được thực thi trên thực tế, có văn bản ban hành không phù hợp với quy định của luật dẫn đến gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước. Lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính (lĩnh vực trước đây công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát thực hiện rất hiệu quả) hiện nay cũng chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hoạt động giám sát việc xử lý vi phạm hành chính chủ yếu được giao cho chính các cơ quan hành chính thực hiện, thông qua cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc tự kiểm tra, mang tính nội bộ, thiếu cơ chế giám sát từ bên ngoài hệ thống, nên chưa bảo đảm tính khách quan của quá trình xử lý. Thậm chí, có trường hợp, cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính ra quyết định xử phạt không đúng pháp luật, dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc gây thiệt hại cho Nhà nước mà không có chủ thể khiếu nại hoặc tố cáo. Theo đó, đã có 112 vụ/261 đối tượng cơ quan quản lý nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính, sau đó Viện kiểm sát xác định có dấu hiệu của tội phạm nên đã hủy quyết định xử phạt hành chính và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can;... Bên cạnh đó, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát đã phát hiện hoạt động quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực để xảy ra sơ hở, thiếu sót, vi phạm, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới trật tự quản lý hành chính nhà nước, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Viện kiểm sát đã thực hiện quyền kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước để phòng ngừa, khắc phục vi phạm; tuy nhiên, hiệu quả thực hiện quyền kiến nghị còn hạn chế.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”. Chính vì vậy, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam luôn xác định mục tiêu cao cả nhất là vì con người, mọi hoạt động của Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu phục vụ con người. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Do đó, để tăng cường vai trò của VKSND trong bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của VKSND trong bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, chúng tôi đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

2.1. Đề xuất, kiến nghị với Đảng

Thứ nhất, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, bổ sung quy định tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm về chế định kiểm sát tố tụng công ích và vai trò của VKSND Trung Quốc. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của VKSND trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước và chủ thể có liên quan trong các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, dược phẩm, an toàn thực phẩm, quyền và lợi ích của người có công. Qua đó, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và các chính sách công mà Đảng, Nhà nước đã đề ra để phục vụ tốt cho Nhân dân.

Thứ hai, nghiên cứu giao cho VKSND thực hiện một phần chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực ban hành văn bản pháp quy của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ cấp bộ trở xuống; kiểm sát xử phạt vi phạm hành chính; khởi kiện hành chính khi phát hiện vi phạm sau khi đã kiến nghị nhưng cơ quan quản lý không khắc phục trong một số lĩnh vực: Quản lý tài sản nhà nước, quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ an toàn thực phẩm, dược phẩm, xử lý vi phạm hành chính..., nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, khắc phục, ngăn chặn và làm giảm thiểu tình trạng vi phạm đã và đang xảy ra trong nhiều năm gần đây, giảm thiểu các vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức phải khởi tố, xử lý về hình sự; bảo đảm pháp chế thống nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước đang đặt ra hiện nay.

2.2. Đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ nhất, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của Trung Quốc, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền phối hợp nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về chế định kiểm sát tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trong BLTTDS năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của VKSND trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước và chủ thể có liên quan trong các lĩnh vực như: Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, dược phẩm, an toàn thực phẩm, quyền và lợi ích của công dân để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Bên cạnh đó, quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của VKSND trong việc thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính trong các lĩnh vực nêu trên, cụ thể là:

- Về thẩm quyền khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính của VKSND:

+ Về thẩm quyền khởi kiện vụ án dân sự của VKSND:

Đề nghị bổ sung thẩm quyền của VKSND về khởi kiện vụ án dân sự tại Điều 21 BLTTDS năm 2015 như sau: “Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ phát hiện thấy hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của công dân mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 187 khởi kiện thì VKSND có thể khởi kiện ra trước Tòa án nhân dân. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 187 khởi kiện, VKSND có thể hỗ trợ khởi kiện”.

+ Về thẩm quyền khởi kiện vụ án hành chính của VKSND:

Đề nghị bổ sung thẩm quyền của VKSND về khởi kiện vụ án hành chính tại Điều 25 Luật tố tụng hành chính năm 2015 như sau:“Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ phát hiện cơ quan quản lý hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ tài nguyên; vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm; quản lý tài sản nhà nước; chuyển nhượng quyền sử dụng đất công không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ dẫn đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng bị xâm phạm thì Viện kiểm sát phải có kiến nghị gửi cơ quan hành chính liên quan. Trường hợp cơ quan hành chính vẫn không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, VKSND có thể khởi kiện vụ án hành chính ra trước Tòa án nhân dân”.

- Về trình tự, thủ tục cơ bản giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính của VKSND:

+ Về trình tự, thủ tục cơ bản giải quyết vụ án dân sự của VKSND:

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND phát hiện hành vi xâm hại lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như: Làm ô nhiễm môi trường, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, dược phẩm,... mà cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 187 BLTTDS năm 2015 không khởi kiện thì VKSND có thể khởi kiện ra trước Tòa án nhân dân. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 187 BLTTDS năm 2015 khởi kiện, thì VKSND có thể hỗ trợ khởi kiện. Khi Viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự, bị đơn không có quyền phản tố.

+ Về trình tự, thủ tục cơ bản giải quyết vụ án hành chính của VKSND:

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND phát hiện cơ quan hành chính có chức năng quản lý, giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, đất đai, tài sản của Nhà nước,... không thực hiện đúng hoặc không thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng thì Viện kiểm sát có thể khởi kiện vụ án hành chính. Bị đơn hành chính trong trường hợp này là cơ quan hành chính nhà nước (hoặc tổ chức được ủy quyền theo quy định của pháp luật) có nhiệm vụ quản lý, giám sát tài nguyên, tài sản của Nhà nước. Trước khi khởi kiện vụ án hành chính, Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan hành chính nhà nước khắc phục vi phạm. Sau khi nhận được kiến nghị kiểm sát, trong thời hạn 01 tháng, các cơ quan bị kiến nghị phải khắc phục sai sót, có báo cáo bằng văn bản. Trong trường hợp cơ quan hành chính có liên quan không khắc phục, khiến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng tiếp tục bị xâm hại, thì Viện kiểm sát khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án nhân dân.

Thứ hai, quy định cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước mà trọng tâm là việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên môi trường, xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục,... nhằm khắc phục, ngăn chặn và làm giảm thiểu tình trạng vi phạm đã và đang xảy ra trong những năm gần đây, góp phần bảo đảm pháp chế thống nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Thứ ba, chỉ đạo đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật liên quan như: Luật tổ chức VKSND năm 2014, BLTTDS năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản liên quan để bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc khởi kiện vụ án dân sự, hành chính; thực hiện cơ chế giám sát, kiểm soát đối với hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật vi phạm Hiến pháp, trái pháp luật, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

TS. Nguyễn Huy Tiến