Đại học Vinh tổ chức hội thảo khoa học: “Độc lập tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam”

Ngày đăng : 19:49, 13/11/2022

(Kiemsat.vn) - Sáng 12/11 Khoa Luật học – Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Vinh) tổ chức hội thảo “Độc lập tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam”. Hội thảo là kết quả chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo ngành Luật trên toàn quốc. Đây cũng là diễn đàn để các nhà khoa học thảo luận, trao đổi, nêu giải pháp hoàn thiện tính độc lập tư pháp của nước ta trong giai đoạn mới.

Tham gia Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, Luật sư, nhà nghiên cứu Luật học uy tín đến từ các trường Đại học và Cơ quan hành chính trên cả nước như: GS. TS. Hoàng Thế Liên, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội; GS. TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc Gia Hà Nội; TS Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và pháp luật - Viện hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên phó hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội, Tổng biên tập tạp chí Pháp luật và phát triển.

Về phía Khoa Luật học, Trường Khoa học Xã Hội và Nhân văn – Trường Đại học Vinh có TS. Đinh Ngọc Thắng; TS. Đinh Văn Liêm; TS. Nguyễn Văn Đại; TS. Nguyễn Văn Dũng; TS. Bùi Thị Phương Quỳnh; NCS. Cao Thị Ngọc Yến… cùng đại diện các trường đại học và các cơ quan tiến hành tố tụng trong khu vực như: TS. Nguyễn Văn Duy, Trưởng Khoa Luật, Đại học Quảng Bình; Ths. Hồ Thanh, Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh; Đại tá Đặng Văn Phượng, Chánh án TAQS Quân khu 4; Thượng tá Nguyễn Trọng Tuệ, Trưởng phòng an ninh đối ngoại CA tỉnh Nghệ An, Ths. Luật sư Nguyễn Trọng Điệp, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An... và đông đảo các thầy, cô giáo, sinh viên Trường Đại học Vinh về tham dự.

GS. TS. Hoàng Thế Liên (đứng), nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, và TS. Đinh Ngọc Thắng, Hiệu trưởng Trường KHXH & NV , Đại học Vinh đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn và định hướng hội thảo, GS.TS Hoàng Thế Liên nêu rõ quan điểm pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong Nhà nước pháp quyền XHCN, thể hiện ở các mặt cơ bản sau: (1) Pháp luật là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN; (2) Pháp luật là phương tiện để nhà nước để nhà nước quản lý xã hội và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước – Thị trường – Xã Hội; (3) Pháp luật là cơ sở để cơ xây dựng và phát triển nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ghi nhận và bảo vệ quyền con người, bảo đảm bình đẳng và công bằng xã hội; (4) Pháp luật là phương tiện thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định của hiến pháp và pháp luật; (5) Pháp luật là cơ sở để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; là phương tiện để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trong quá trình Nhà nước quản lý kinh tế - xã hội; (6) Pháp luật là cơ sở để phát triển văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ; (7) Pháp luật là cơ sở để xác lập và điều chỉnh những quan hệ mới; (8) Pháp luật tạo lập môi trường ổn định cho việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác phát triển.

“Nhằm đảm bảo yêu cầu nhà nước pháp quyền XHCN ở đất nước ta phải đáp ứng hai yêu cầu: Một là kế thừa và phát triển những thành tựu đã đạt được, hai là hệ thống pháp luật phải đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền XHCN”. GS. TS Hoàng Thế Liên, nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo khoa học

GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) một người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy đã đi sâu phân tích Tòa án thực hiện quyền tư pháp độc lập và bảo vệ công lý - cơ hội hay là thách thức cho việc giải mã câu: “Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình”. GS nêu nhiều dẫn chứng đang diễn ra về thực hiện độc lập tư pháp ở nước ta hiện nay. Theo đó, GS cũng cung cấp cho hội thảo kiến thức về hương ước cho đến thực hiện độc lập tư pháp của nước ta giai đoạn mới.

Hội thảo có nhiều tham luận chất lượng đến từ đơn vị tổ chức là Khoa Luật học, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh. Tiêu biểu như cách nhìn nhận về “Bồi thẩm đoàn” hay Hội thẩm nhân dân sự lựa chọn nào của nền tư pháp dân chủ?" của TS. Đinh Ngọc Thắng; Tham luận “Một số yêu cầu đảm bảo độc lập tư pháp” của TS Đinh Văn Liêm, Chủ nhiệm khoa Luật học cho rằng, độc lập tư pháp là một giá trị căn bản của Hiến pháp và pháp luật các nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Độc lập tư pháp mang lại giá trị cao nhất cho xã hội, là một nguyên tắc cần thiết để bảo vệ quyền tự do và các quy định của pháp luật; Quan điểm của TS. Nguyễn Văn Đại, Th.s Nguyễn Thị Mai Anh nêu lên 06 kiến nghị để đảm bảo sức mạnh của quyền tư pháp đối với quá trình phân cấp quản lý hành chính Nhà nước Việt Nam, trong tham luận “Quyền tư pháp trong kiểm soát quá trình phân cấp, phân quyền của nền hành chính trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”; “Một số nội dung cải cách tư pháp hướng tới nền tư pháp độc lập” của TS. Bùi Thị Phương Quỳnh đưa ra những đánh giá tổng quát kết quả của việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về quyền tư pháp và thực hiện tốt nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; NCS. Cao Thị Ngọc Yến nêu quan điểm trong độc lập nền tư pháp dưới góc độ quy chiếu của truyền thông bằng tham luận “Mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng với Tòa án”, tác giả Ngọc Yến đã đặt vị trí báo chí, truyền thông dưới góc độ giám sát hoạt động của Tòa án, bằng yêu cầu là cần công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử là điều cần thiết, như Kneneth Culp Davis từng nói: “Công khai là kẻ thù tự nhiên của độc đoán chuyên quyền, cũng là đồng minh tự nhiên để chống lại sự bất công”… 

Hội thảo khoa học: “Độc lập tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam” có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, Luật sư, Nhà báo, nhà nghiên cứu Luật học uy tín đến từ các trường Đại học và Cơ quan hành chính trên cả nước.

Về phía các cơ quan thực thi pháp luật, Thượng tá Nguyễn Trọng Tuệ, Trưởng phòng an ninh đối ngoại CA tỉnh Nghệ An phát biểu: Độc lập tư pháp cần gắn liền với các điều kiện phát triển thực tế của kinh tế xã hội. Cụ thể, tại các trại giam giữ phạm nhân muốn được quyền đọc báo, trang bị ti vi…thế nhưng đôi lúc, đôi nơi chưa đáp ứng được…

Đại tá, Đặng Văn Phượng, Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 4 nêu quan điểm “Độc lập tư pháp trong tố tụng hình sự là sự độc lập của Thẩm phán và hội thẩm nhân dân trong thực hiện chức năng xét xử của Tòa án. Để có được một bản án, quyết định khách quan, công bằng, chính xác đòi hỏi Thẩm phán và hội thẩm Nhân dân phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc tố tụng, trong đó có nguyên tắc độc lập tư pháp”.

Chia sẻ tại hội thảo, Th.s Nguyễn Trọng Điệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho biết, muốn có độc lập tư pháp trước hết phải xác định quyền hạn của Tòa phải rõ ràng, trao quyền cho Thẩm phán, và đặc biệt các cơ quan pháp luật cần tôn trọng, ghi nhận ý kiến của Luật sư.

Cuộc hội thảo góp phần xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đây cũng dịp các nhà nghiên cứu luật pháp khắp cả nước cùng nhau thảo luận những ý tưởng mới, gợi mở, đề xuất những giải pháp độc đáo, những bước đi, biện pháp hữu ích cho cải cách tư pháp nói chung và độc lập tư pháp ở Việt Nam nói riêng. Cuộc hội thảo đã làm rõ cơ sở lý luận về quyền tư pháp và độc lập tư pháp, phân tích đánh giá thực trạng về độc lập tư pháp trong thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.                                                                                                                                                  

Nguyễn Lý