Cảnh giác với những “chiêu trò” quảng cáo thực hiện kỹ thuật IVF trái phép

Ngày đăng : 12:10, 13/11/2022

(Kiemsat.vn) - Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi... trái quy định của pháp luật đã bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý; tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở y tế bất chấp quy định, lén lút, núp bóng bằng nhiều hình thức để tiếp tục thực hiện các hành vi trái pháp luật. Thậm chí, việc làm này còn có sự tham gia của một số bệnh viện tư nhân, điển hình là Bệnh viện Phụ sản An Thịnh.

Tăng cường phòng, chống vi phạm pháp luật mang thai hộ vì mục đích thương mại

Trước tình trạng trên, ngày 12/07/2022 Bộ Y tế đã có Văn bản số 3704/BYT-BM-TE về tăng cường phòng, chống vi phạm pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (MTH vì MĐNĐ).

Văn bản cũng nhấn mạnh công tác tăng cường đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật MTH vì MĐNĐ, cụ thể: Chỉ định mang thai hộ cần được xét duyệt cẩn thận và được lãnh đạo bệnh viện ký chỉ định; để bảo đảm xác định mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa người MTH và người nhờ MTH, ngoài Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, bệnh viện có thể yêu cầu gia đình cung cấp các giấy tờ có liên quan để đối chiếu; khuyến khích các cơ sở ký hợp đồng với công ty Luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm nhân viên tuân thủ các quy định chống nhầm lẫn, tráo đổi tinh trùng/noãn/phôi.

Các cơ sở cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm quy định chống nhầm lẫn hoặc để việc nhầm lẫn/tráo đổi xảy ra; tham gia hoặc tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê; thường xuyên tập huấn, cập nhật cho cán bộ của đơn vị về các quy định chuyên môn và pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản; có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật các trường hợp buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, mang thai hộ vì mục đích thương mại hoặc các hành vi tiếp tay cho những đường dây phi pháp nêu trên.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các Bệnh viện trực thuộc bộ; Y tế các bộ, ngành; Cục Quân y Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về TTTON và MTH vì MĐNĐ tại địa bàn, đơn vị mình. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo cáo ngay về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Vụ Pháp chế) để giải quyết theo thẩm quyền.

Bệnh viện Phụ sản An Thịnh chưa được cấp phép kỹ thuật IVF

Mặc dù chưa được Bộ Y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật IVF, nhưng trên trang web chính thức của Bệnh viện Phụ sản An Thịnh (có địa chỉ tại số 496 Bạch Mai, P. Trương Định, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) cũng như các kênh mạng xã hội của Bệnh viện này không ngừng đăng tải các thông tin khẳng định trong suốt thời gian qua, Bệnh viện đã cung cấp dịch vụ IVF cho khách hàng với các gói dịch vụ giá “siêu rẻ” từ 19tr, 35tr, 55tr, 105tr, đến gói cao cấp.

Bệnh viện Phụ sản An Thịnh (có địa chỉ tại số 496 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội)

Cụ thể: Ngày 18/03/2022, trên website https://benhvienanthinh.vn đăng tải bài viết: “Thụ tinh nhân tạo (IVF) thế hệ mới 35 triệu – Sản phẩm đột phá của trí tuệ An Thịnh” có nội dung: “IVF 35 triệu chính là sản phẩm được đúc kết từ trí tuệ và công sức của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản An Thịnh”. Quy trình IVF 35 triệu đầy đủ các bước như IVF thường quy: Kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, tạo phôi và nuôi cấy phôi, chuyển phôi, thử thai.

Ngoài ra, trên Fanpage của Bệnh viện Phụ sản An Thịnh (https://www.facebook.com/BenhVienPhuSanAnThinh) có gần 30 nghìn người theo dõi; trên nhóm “Bệnh viện Phụ sản An Thịnh – Vườn ươm trái ngọt hạnh phúc” có tới hơn 3,6 nghìn thành viên; trên kênh youtube Bệnh viện Phụ Sản An Thịnh có tới trên 2,36 nghìn người đăng ký theo dõi kênh cũng đều khẳng định nội dung quảng cáo tương tự...

Cũng theo nội dung các quảng cáo, các bước IVF được thực hiện tại Cơ sở 1 (tại 496 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), và cơ sở 2 (tại số 48 Hồ Ba Mẫu, Đống Đa, Hà Nội). Người trực tiếp thực hiện phương pháp này là Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Tâm (Giám đốc BV An Thịnh) và Bác sỹ Lê Trọng Tuấn (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản – BV An Thịnh). Bản thân người viết bài này cũng được được đích thân Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Tâm tư vấn trực tiếp quy trình cũng như các loại thuốc khi thực hiện kỹ thuật IVF tại Bệnh viện Phụ sản An Thịnh...

Sở Y tế tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Bệnh viện Phụ sản An Thịnh là bệnh viện chuyên khoa phụ sản, được Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 41/BYT-GPHĐ ngày 28/12/2021. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Tâm. Bệnh viện Phụ sản An Thịnh chưa được Bộ Y tế cấp phép cho thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản IVF trong danh mục kỹ thuật.

Về Bác sỹ Lê Trọng Tuấn (người được Bệnh viện Phụ sản An Thịnh quảng cáo là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản An Thịnh), ông Trung cho biết: Ông Tuấn không có tên trong danh sách nhân sự đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản An Thịnh. Bác sỹ Tuấn có tên trong danh sách nhân sự đăng ký khám bệnh, chữa bệnh của Bệnh viện 16A Hà Đông (?).

Trao đổi, tiếp nhận thông tin về sự việc này, ông Nguyễn Quang Trung khẳng định sẽ khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở y tế, bệnh viện tư nhân nếu có sai phạm.

Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh quy định rõ: “Người hành nghề đã đăng ký hành nghề ở một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ luân phiên người hành nghề, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc thực hiện kỹ thuật chuyên môn theo hợp đồng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhau thì không phải đăng ký hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này”.

Tuy nhiên: “Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký”.

Huê Minh