Sự thành công của ngành Giáo dục có sự đóng góp không nhỏ của báo chí, tuyên truyền

Ngày đăng : 13:10, 08/11/2022

(Kiemsat.vn) - Chiều 07/11/2022, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo Lễ trao giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2022".

Toàn cảnh buổi họp báo Lễ trao giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2022".

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được tổ chức thường niên, thể hiện sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước, bởi báo chí đã luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới. Đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Thành công của giải hôm nay cho thấy, vai trò của báo chí đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo của nước nhà và vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục – đào tạo với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Ban Tổ chức, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp giáo dục – đào tạo của nước nhà và tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành giáo dục với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đông đảo phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự buổi họp báo.

Năm 2022 là năm thứ 5 Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”. Đến với Giải năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự của 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.

Theo Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.

Ở các năm trước, tác phẩm tham dự giải đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của Ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc... Ở mùa giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm đã phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, báo chí tuyên truyền góp phần không nhỏ đến sự thành công của ngành giáo dục nói riêng và sự nghiệp phát triển con người tại Việt Nam nói chung.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, đổi mới là giai đoạn khó khăn và đổi mới trong giáo dục còn có nhiều thách thức hơn. Trong quá trình đổi mới có cả thách thức khó khăn và cả những sáng tạo, tâm huyết, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, của chính học sinh, sinh viên cũng như sự chung tay của toàn xã hội. Do vậy, sự đóng góp của báo chí vào tuyên truyền chính sách, phản ánh hoạt động của ngành Giáo dục để động viên nhà giáo và học sinh sinh viên, đồng thời để phản biện, góp ý cho ngành Giáo dục là hết sức quan trọng. Báo chí tuyên truyền đóng góp một phần không thể thiếu tạo nên sự thành công của ngành giáo dục nói riêng và sự nghiệp phát triển con người tại Việt Nam nói chung.

Ban Tổ chức cho biết, Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" đã có sức hút mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, cộng tác viên từ khá nhiều các cơ quan báo chí lớn ở trung ương cũng như các địa phương trong cả nước. Các tác phẩm dự giải đã bám sát các chủ đề lớn liên quan đến sự nghiệp giáo dục Việt Nam, thể hiện trong nhiều mặt khác nhau của đời sống đất nước. Nội dung các tác phẩm phản ánh đậm nét các mảng đề tài: Những tấm gương nhà giáo bình dị mà cao quý, các vấn đề lớn của ngành giáo dục như phân luồng đào tạo, định hướng nghề nghiệp, tự chủ đại học, tâm lý học đường; những vấn đề giáo dục hiện nay, trong đó có nhiều bài có tính chất phản biện mạnh mẽ; những vấn đề về giáo dục vùng khó, trong đó có nhiều vùng sâu, vùng xa, những tấm gương thầy giáo, học sinh, sinh viên và những người tâm huyết với ngành giáo dục; những vấn đề về lịch sử của ngành giáo dục... Nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội.

Trong gần 800 tác phẩm dự Giải, Hội đồng chung khảo đã đề xuất 1 giải đặc biệt; 4 giải nhất; 8 giải nhì; 12 giải ba, 28 giải khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải.

Giải đặc biệt được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiền thưởng. Giải nhất, giải nhì, giải ba và khuyến khích nhận được Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”; chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiền thưởng bằng tiền mặt: Giải đặc biệt: 60 triệu đồng/giải; giải nhất: 30 triệu đồng/giải; giải nhì: 15 triệu đồng/giải; giải ba: 10 triệu đồng/giải; giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10 triệu đồng/tác phẩm.

Trịnh Quyết