Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 20/2022
Ngày đăng : 14:45, 21/10/2022
Trong chuyên mục Công tác kiểm sát, bài viết “Những vấn đề cần lưu ý khi lập hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự gửi Hoa Kỳ” của tác giả Vũ Thị Hải Yến – Cao Cẩm Thi đã thể hiện những kết quả trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của mỗi nước và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Để thúc đẩy phía Hoa Kỳ thực hiện nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu tương trợ tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam cần nâng cao chất lượng soạn và lập yêu cầu tương trợ tư pháp.
Bài viết “Hoàn thiện pháp luật hình sự đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp” của PGS.TS. Trần Văn Độ tại chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi đã phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Trên cơ sở đó, tác giả chỉ ra một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật để hạn chế, triệt tiêu nguyên nhân của tham nhũng trong hoạt động tư pháp, góp phần phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng.
Sửa bản án sơ thẩm là một trong những thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm, để kịp thời khắc phục, sửa sai sót của bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị mà không cần xét xử lại vụ án ở cấp sơ thẩm, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo đảm quyền lợi cho các đương sự. Chính vì vậy, cần hoàn thiện quy định về thẩm quyền này trong Luật tố tụng hành chính năm 2015 để phát huy giá trị, ý nghĩa của nó. Quan điểm này được thể hiện qua bài viết “Bất cập về thẩm quyền sửa bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính” của tác giả Lê Thị Mơ – Đổng Nữ Hoàng Hương.
Qua bài viết “Căn cứ hủy bản án sơ thẩm kinh doanh thương mại trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” trong chuyên mục Thực tiễn – Kinh m, tác giả Trần Thị Huyền Vân nêu vụ án kinh doanh thương mại trong thực tiễn để xác định căn cứ được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, kinh nghiệm của nước ngoài về vấn đề này; từ đó, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tác giả Nguyễn Thị Lan Anh – Lê Xuân Lục đã thông qua bài viết “Quyền được xét xử công bằng nhìn từ góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam” tại chuyên mục Thông tin khoa học để khẳng định: Quyền được xét xử công bằng là một trong những nguyên tắc cơ bản có tính chất đặc thù trong tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nội dung của quyền này được thể hiện ở nhiều nguyên tắc khác nhau có vai trò quan trọng bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện khách quan, hợp pháp; góp phần bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, Tạp chí Kiểm sát số 20/2022 còn có các bài viết đáng chú ý như: Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại VKSND thành phố Hải Phòng của tác giả Nguyễn Sơn Hà; Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát khám nghiệm hiện trường của VKSND tỉnh Đắk Nông của tác giả Tạ Đình Đề – Trần Thị Khánh Trâm; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra của tác giả Trần Thăng Long – Lê Ngọc Ngân Linh; Hoàn thiện quy định về năng lực chủ thể tham gia hợp đồng mua bán nhà ở xã hội của tác giả Nguyễn Thị Long – Nguyễn Văn Quang.
Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!