Nhận thức khoa học về các biện pháp tha miễn trong luật hình sự Việt Nam (Kỳ 1)

Ngày đăng : 08:00, 11/11/2022

(Kiemsat.vn) - Việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về các biện pháp tha miễn trong luật hình sự Việt Nam khẳng định ý nghĩa xã hội - pháp lý và ý nghĩa khoa học - thực tiễn cấp bách. Do đó, cần làm rõ các biện pháp tha miễn với tư cách là một chế định lớn độc lập; đây cũng là một hệ quan điểm riêng biệt về những vấn đề học thuật mang tính nhân đạo của khoa học luật hình sự nước ta.

I. Một số vấn đề lý luận về các biện pháp tha miễn trong luật hình sự

1. Khái niệm biện pháp tha miễn trong luật hình sự

Trên cơ sở phân tích quy phạm về các biện pháp tha miễn (BPTM) tại 22 điều (các điều 27-29, 60-73, 88-89, 105-107) trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), về mặt lý luận, có thể đưa ra định nghĩa khoa học của khái niệm BPTM (nói chung) trong luật hình sự như sau: Biện pháp tha miễn trong luật hình sự là quy phạm (hoặc chế định) mang tính nhân đạo, tha thứ hoặc/và giảm nhẹ mức độ xử lý về hình sự, cũng như giảm nhẹ mức độ áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự tương ứng, đồng thời phản ánh sự khoan hồng của Nhà nước đối với chủ thể phạm tội hoặc/và chủ thể bị kết án và được cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền quyết định chỉ trong một số trường hợp nhất định khi có đầy đủ (các) căn cứ và (những) điều kiện do pháp luật hình sự (PLHS) quy định.

2. Nội hàm của biện pháp tha miễn trong luật hình sự

Xuất phát từ định nghĩa khoa học của khái niệm về BPTM trong luật hình sự như trên, đồng thời phân tích thực tiễn áp dụng các BPTM ở Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau (trước và sau khi pháp điển hóa PLHS), có thể khẳng định nội hàm của 01 BPTM trong luật hình sự bao gồm 05 đặc điểm (dấu hiệu) cơ bản dưới đây:

2.1. Biện pháp tha miễn trong luật hình sự hay BPTM hình sự là quy phạm (hoặc chế định) mang tính nhân đạo được ghi nhận trong Phần chung BLHS vì nó thể hiện : 1) Sự tha thứ hoặc/và giảm nhẹ mức độ xử lý về hình sự ; 2) Giảm nhẹ mức độ áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự tương ứng ; 3) Sự tôn trọng và tư tưởng bảo vệ các quyền con người bằng PLHS với tư cách là những giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung trong Nhà nước pháp quyền.   

2.2. Biện pháp tha miễn hình sự phản ánh ở các mức độ khác nhau sự khoan hồng của Nhà nước đối với những người phạm tội hoặc/và những người bị kết án, vì nó cho thấy sự quan tâm của Nhà nước trong việc cải tạo, giáo dục, khuyến khích họ sửa chữa sai lầm, nhằm tránh phạm tội, trở về cuộc sống lương thiện và sớm tái hòa nhập cộng đồng.

2.3. Biện pháp tha miễn hình sự được cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền (Cơ quan điều tra với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát hoặc Tòa án) căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự cụ thể tương ứng quyết định (vì không phải trong bất kỳ trường hợp nào nó cũng có thể được các cơ quan này quyết định) đối với những người phạm tội hoặc/và người bị kết án.

2.4. Biện pháp tha miễn hình sự chỉ được phép quyết định khi có đầy đủ các căn cứ và những điều kiện do PLHS quy định tương ứng với từng giai đoạn tố tụng hình sự cụ thể. Trong đó, người phạm tội hoặc/và người bị kết án được hưởng 01 trong 14 BPTM sau đây: 1) Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) do đã hết thời hiệu; 2) Không phải chấp hành bản án kết tội do đã hết thời hiệu; 3) Miễn TNHS; 4) Miễn hình phạt; 5) Miễn chấp hành hình phạt; 6) Giảm mức hình phạt đã (được) tuyên; 7) Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt; 8) Án treo; 9) Tha tù trước thời hạn có điều kiện; 10) Hoãn chấp hành hình phạt tù; 11) Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; 12) Xóa án tích; 13) Đặc xá; 14) Đại xá.  

2.5. Tùy thuộc vào bản chất pháp lý khác nhau nên khi BPTM hình sự được quyết định đối với người phạm tội hoặc/và người bị kết án cũng sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý khác nhau, cụ thể là người phạm tội (người bị kết án) sẽ: 1) Không bị coi là có án tích nếu không bị truy cứu TNHS, không phải chấp hành bản án kết tội do đã hết thời hiệu, được miễn TNHS, được miễn hình phạt hoặc sau khi đã được xóa án tích và trong một số trường hợp cụ thể tương ứng khác do PLHS hiện hành quy định; 2) Bị coi là có án tích nếu được áp dụng một trong các BPTM có liên quan đến việc chấp hành hình phạt như miễn việc chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã được tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, án treo (nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách) và trong một số trường hợp cụ thể tương ứng khác do PLHS hiện hành quy định.  

3. Những tiêu chí bắt buộc đối với một biện pháp tha miễn trong luật hình sự

Có thể khẳng định rằng, đối với bất kỳ quy phạm hay chế định nhỏ nào của PLHS để được coi là 01 BPTM thì cũng đều phải đạt (có) được ít nhất những tiêu chí chủ yếu nhất định mang tính bắt buộc chung như sau:

3.1. Quy phạm hoặc chế định PLHS với tư cách là BPTM hình sự tương ứng phải thể hiện được tính nhân đạo đối với chủ thể được áp dụng.

3.2. Biện pháp tha miễn hình sự phải nhằm mục đích làm giảm nhẹ mức độ xử lý về hình sự hoặc/và giảm nhẹ mức độ của biện pháp cưỡng chế hình sự tương ứng được áp dụng.

3.3. Biện pháp tha miễn hình sự đồng thời phải phản ánh được sự khoan hồng của Nhà nước đối với chủ thể phạm tội hoặc/và chủ thể bị kết án.

3.4. Biện pháp tha miễn hình sự phải được cơ quan tư pháp hình sự tương ứng có thẩm quyền quyết định chỉ trong một số trường hợp tương ứng nhất định được ghi nhận trong PLHS.

3.5. Biện pháp tha miễn hình sự chỉ được quyết định khi chủ thể phạm tội hoặc/và chủ thể bị kết án đáp ứng được đầy đủ (các) căn cứ và (những) điều kiện tương ứng được ghi nhận trong PLHS.

4. Bản chất pháp lý chung của các biện pháp tha miễn trong luật hình sự

Từ việc nghiên cứu và phân tích khái niệm (1) Nội hàm - các đặc điểm cơ bản (2) Sự phân loại hệ thống (3) Những tiêu chí bắt buộc nhất định (4) của các BPTM hình sự trên đây, có thể khẳng định một cách đầy đủ và toàn diện bản chất pháp lý chung của các BPTM trong luật hình sự là các quy phạm và các chế định nhỏ mang tính nhân đạo, thể hiện sự tha thứ hoặc /và giảm nhẹ mức độ xử lý về hình sự hoặc/và mức độ áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự, đồng thời phản ánh sự khoan hồng của Nhà nước đối với chủ thể phạm tội hoặc/và chủ thể bị kết án khi có đầy đủ (các) căn cứ và (những) điều kiện tương ứng do PLHS quy định.   

II. Chế định biện pháp tha miễn trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Theo quan điểm được thừa nhận chung trong khoa học luật hình sự thì các quy phạm của chế định nhân đạo lớn về các BPTM của PLHS bao gồm một loạt các chế định nhân đạo nhỏ nhằm thực hiện việc miễn, giảm nhẹ, hoãn và tạm đình chỉ việc quyết định (hoặc tạm đình chỉ việc tiếp tục thi hành) các biện pháp cưỡng chế hình sự đối với người phạm tội hoặc/và người bị kết án (chính vì vậy, chúng được gộp lại và gọi chung là chế định lớn về “các BPTM”). Cụ thể, trong Phần chung BLHS năm 2015 là 12 chế định nhỏ mang tính nhân đạo và tha miễn sau đây: 1) Thời hiệu trong PLHS bao gồm 02 chế định nhân đạo nhỏ hơn nữa thuộc nó là không truy cứu TNHS do hết thời hiệu và không thi hành bản án kết tội do hết thời hiệu); 2) Miễn TNHS; 3) Miễn hình phạt; 4) Miễn chấp hành hình phạt; 5) Án treo; 6) Tha tù trước thời hạn có điều kiện; 7) Giảm mức hình phạt đã (được) tuyên (bao gồm giảm thời hạn chấp hành hình phạt); 8) Hoãn chấp hành hình phạt tù có thời hạn; 9) Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có thời hạn; 10) Án tích; 11) Đại xá; 12) Đặc xá. Ngoài ra, còn có một số BPTM mang tính đặc thù đối với 02 chủ thể riêng của TNHS cũng được quy định riêng trong 02 chương tương ứng về: 1) TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội; 2) TNHS của người chưa thành niên phạm tội sẽ được phân tích riêng khi đề cập đến 02 nhóm quy phạm này. Tuy nhiên, ở đây sẽ có các lý do để không xem xét 04 chế định nhỏ sau đây trong BLHS năm 2015: 1) Hoãn chấp hành hình phạt tù (Điều 67) và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 68) về cơ bản vẫn giữ nguyên các quy phạm tương ứng như trong BLHS năm 1999; 2) Đại xá và đặc xá chưa được ghi nhận chính thức bằng các quy phạm độc lập trong BLHS năm 2015. Chính vì vậy, tác giả chỉ phân tích khoa học nội hàm các BPTM trong hệ thống Phần chung BLHS năm 2015; việc nghiên cứu nội hàm của chúng cho thấy các điểm mới cơ bản và quan trọng tương ứng dưới đây:

II.1. Vấn đề không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS được ghi nhận tại Điều 28 BLHS năm 2015, theo đó: 1) Lần đầu tiên nhà làm luật bổ sung 01 quy phạm mới tại khoản 3 Điều 28 - đối với 02 tội danh (Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ) được thực hiện trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng tương ứng với các cấu thành tội phạm tại các khoản 3, 4 của 02 điều tương ứng (các điều 353, 354) trong BLHS năm 2015 thì không được áp dụng chế định nhân đạo này (khoản 3); 2) Bằng quy phạm mới bổ sung đã nêu về việc không được hưởng chế định nhân đạo về thời hiệu truy cứu TNHS đã phần nào thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc kiên quyết trừng trị thật nghiêm khắc người phạm 01 trong 02 tội này; 3) Quy phạm này còn là sự minh chứng về Việt Nam là 01 thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc về cam kết thực hiện các điều khoản trong Công ước chống tham nhũng.

II.2. Chế định nhỏ về miễn TNHS trong BLHS năm 2015, mặc dù được đặt tên gọi khác so với tên gọi trong PLHS nước ta trước đây (cả trong BLHS năm 1985 và năm 1999), đó là bổ sung thêm từ “căn cứ” vào trước thuật ngữ “miễn TNHS” và bao gồm các quy phạm của 03 khoản tại Điều 29 (Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự) tương ứng với 06 trường hợp miễn TNHS, song về bản chất pháp lý thì đây chỉ là các trường hợp miễn TNHS cụ thể và dựa trên các căn cứ khác nhau. Nội hàm các quy phạm của chế định miễn TNHS trong BLHS năm 2015 có các đặc điểm mới cơ bản sau đây:

1) Trong Điều 29 đã bao hàm 02 dạng miễn TNHS tương ứng với 03 khoản của Điều luật này - dạng miễn TNHS có tính chất bắt buộc (với từ “được” miễn) gồm 02 căn cứ tại khoản 1 và dạng miễn TNHS có tính chất tùy nghi (với cụm từ “có thể được” miễn) với 04 căn cứ (trong đó 03 căn cứ tại khoản 2 và 01 căn cứ tại khoản 3).

2) Trong 02 căn cứ được miễn TNHS mang tính chất bắt buộc liên quan đến hành vi phạm tội tại khoản 1 Điều 29 thì ngoài việc giữ nguyên căn cứ thứ hai “khi có quyết định đại xá” tại điểm b (như khoản 3 Điều 25 BLHS năm 1999 trước đây đã ghi nhận) thì căn cứ đầu tiên nêu tại điểm a bổ sung 01 điểm mới - lần đầu tiên được chính thức cụ thể hóa cụm từ cũ “chuyển biến của tình hình...” (như khoản 1 Điều 25 BLHS năm 1999 đã sử dụng) bằng cụm từ mới “do có sự thay đổi chính sách, pháp luật...” làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

3) Trong 03 căn cứ có thể được miễn TNHS mang tính chất tùy nghi liên quan đến người phạm tội tại khoản 2 Điều 29 thì ngoài căn cứ miễn TNHS tại điểm a vẫn được giữ nguyên như trong BLHS năm 1999, những điểm mới chính là các căn cứ miễn TNHS tại các điểm b và c, cụ thể là: a) Về căn cứ miễn TNHS nêu tại điểm b thì ngoài việc giữ nguyên một số điều kiện liên quan đến người phạm tội để có thể được miễn TNHS (như khoản 2 Điều 25 BLHS năm 1999 đã ghi nhận), bổ sung thêm tình tiết mới là “mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây...” (vì trong Điều 25 BLHS năm 1999 không có căn cứ này); b) Về căn cứ miễn TNHS tại điểm c thì để chặt chẽ hơn, lần đầu tiên nhà làm luật bổ sung một điều kiện vào sau cụm từ “hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm” cụm từ mới “và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận” (mà cụm từ này tại khoản 2 Điều 25 BLHS năm 1999 chưa có). Tuy nhiên, BLHS năm 2015 đã ghi nhận thiếu chặt chẽ điều kiện miễn TNHS này khi không có cụm từ “trước khi hành vi phạm tội bị phát giác” (đã dùng tại khoản 2 Điều 25 BLHS năm 1999), nhưng BLHS năm 2015 lùi thời hạn thi hành để sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật lập pháp, thì năm 2017, cụm từ này được lấy lại để sử dụng tại điểm c.   

4) Lần đầu tiên BLHS năm 2015 đã ghi nhận bổ sung 01 căn cứ mới hoàn toàn để có thể được miễn TNHS (có tính chất tùy nghi) nếu người phạm tội đáp ứng đầy đủ tất cả 04 điều kiện chặt chẽ do luật định được nêu tại khoản 3 Điều 29, cụ thể là: a) Về tội phạm được thực hiện - phải là “tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc ít nghiêm trọng”; b) Về khách thể bị xâm hại - phải là 01 trong 05 khách thể liên quan trực tiếp đến nhân thân hoặc tài sản con người (như “tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác”); c) Về mức độ thể hiện sự ăn năn, hối cải của người phạm tội - phải “đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”; d) Về phía người bị hại - nếu muốn được miễn TNHS thì người phạm tội phải “được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS”. Tuy nhiên, theo tác giả, để chặt chẽ hơn thì cần bổ sung vào cuối các từ “tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS” 01 trong 02 cụm từ sau: “bằng văn bản” hoặc “đồng thời khẳng định điều này bằng văn bản”.               

II.3. Chế định nhỏ về miễn chấp hành hình phạt được ghi nhận tại Điều 62 BLHS năm 2015 (gồm 07 khoản). Quy phạm của nó cho thấy các điểm mới lần đầu tiên được ghi nhận dưới đây:

1) Tại các khoản 2, 3 và 4 đã có sự phân biệt rõ ràng hơn 03 trường hợp miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn với sự ràng buộc bằng các điều kiện nhất định do luật định tương ứng trong từng trường hợp cụ thể và tùy theo từng mức (khoảng) thời gian bị kết án là: a) Đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt; b) Trên 03 năm chưa chấp hình hình phạt; c) Đến 03 năm đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt.

2) Tại khoản 5 đã bổ sung quy định mới mang tính nhân đạo về việc người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt tiền nếu đáp ứng các điều kiện luật định.

3) Tại khoản 6, hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế về cơ bản giữ nguyên như quy phạm cũ tại khoản 5 BLHS năm 1999 nhưng có 01 điểm mới là: Cơ quan đề nghị miễn chấp hành phần hình phạt còn lại là “chính quyền địa phương” trước đây được thay bằng phạm trù “cơ quan Thi hành án hình sự cấp huyện”.   

4) Tại khoản 7 Điều 62 bổ sung quy định mới về việc người được miễn chấp hành hình phạt vẫn “phải thực hiện nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án”.  

II.4. Chế định nhỏ về giảm mức hình phạt đã (được) tuyên được ghi nhận tại Điều 63 BLHS năm 2015 (gồm 07 khoản). Chế định này có các điểm mới cơ bản lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm 2015 (mà BLHS năm 1999 chưa có) là:

1) Tại khoản 1 đã thay và rút gọn cụm từ “cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục” (trong BLHS năm 1999) bằng cụm từ “cơ quan Thi hành án hình sự có thẩm quyền”.

2) Tại khoản 3 đã bổ sung các điều kiện cụ thể để giảm mức hình phạt đã (được) tuyên cho người bị kết án về nhiều tội, trong đó có tội bị kết án tù chung thân.

3) Tại khoản 4 đã bổ sung điều kiện cụ thể để giảm lần đầu cho người bị kết án đã được giảm một phần hình phạt mà lại phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý.

4) Tại khoản 5 đã bổ sung quy phạm mang tính viện dẫn lên khoản 3 Điều 63 BLHS năm 2015 về việc xét giảm lần đầu cho người bị kết án tù chung thân. 

5) Tại khoản 6 bổ sung các điều kiện cụ thể để được xét giảm lần đầu cho người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình về Tội tham ô hoặc Tội nhận hối lộ thuộc điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS năm 2015.

II.5. Chế định nhỏ về án treo được ghi nhận tại Điều 65 BLHS năm 2015 (gồm 05 khoản) nói chung không khác nhiều (so với BLHS năm 1999). Tuy nhiên, chế định này có 03 điểm mới cơ bản (lần đầu tiên có một số quy phạm mới tại các khoản 1, 3 và 5 mà trong BLHS năm 1999 chưa tồn tại) là:

1) Tại khoản 1 ghi nhận quy phạm mang tính bắt buộc là: Tòa án phải buộc người được hưởng án treo “thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự”.

2) Tại khoản 3 ghi nhận quy phạm mang tính tùy nghi là: “Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu điều luật tương ứng được áp dụng có quy định hình phạt này”.

3) Tại khoản 5 ghi nhận quy phạm mang tính tùy nghi là: Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo “vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.    

II.6. Chế định nhỏ về tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Điều 66 BLHS năm 2015 (gồm 05 khoản) có thể được coi là mới hoàn toàn của PLHS thực định Việt Nam sau pháp điển hóa lần thứ ba (nhưng thực chất đây lại là một chế định nhân đạo không mới trong PLHS thời kỳ chưa được pháp điển hóa trong suốt 25 năm của thế kỷ trước (1959-1984). Khi thông qua BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 thì chế định này không được ghi nhận. Đến lần pháp điển hóa thứ ba PLHS (năm 2015), chế định này lại được ghi nhận với một số sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển của các quan hệ xã hội trong thời kỳ mới của đất nước. Đây là minh chứng cho thắng lợi của tư tưởng nhân văn vì sự nghiệp bảo vệ các quyền con người bằng PLHS trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền đích thực ở Việt Nam.

Các quy phạm của chế định nhân đạo nhỏ này tại Điều 66 BLHS năm 2015 (gồm 05 khoản) có các đặc điểm mới cơ bản sau đây:

a) Tại khoản 1 (các điểm a, b, c, d, đ và e đoạn 1) quy định cụ thể 06 điều kiện bắt buộc phải hội đủ thì người đang chấp hành hình phạt tù mới được giảm án tha tù trước hạn; ngoài ra, tại đoạn 2 còn quy định giảm nhẹ hơn điều kiện về chấp hành hình phạt tại điểm e đoạn 1 đối với một số đối tượng chính sách nhất định thuộc diện ưu tiên được luật liệt kê cụ thể (như thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ,...); 

b) Tại khoản 2 (các điểm a và b) - 02 loại người bị kết án không được hưởng chế định nhân đạo này;

c) Tại khoản 3 - cơ quan có thẩm quyền đề nghị và cơ quan quyết định việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, cũng như nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện;

d) Tại khoản 4 - các chế tài được áp dụng đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện mà vi phạm điều cấm của luật trong thời gian thử thách;

đ) Tại khoản 5 - các điều kiện để người được tha tù trước thời hạn có thể rút ngắn thời gian thử thách.         

II.7. Chế định nhỏ về án tích được ghi nhận riêng biệt tại Chương X độc lập của BLHS năm 2015 với 05 điều luật (các điều 69-73). Nội hàm các quy phạm của chế định nhỏ này cho thấy các điểm mới cơ bản lần đầu tiên được quy định, góp phần thể hiện rõ hơn nguyên tắc nhân đạo của PLHS trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, cụ thể là:

1) Tại khoản 2 Điều 69 “Xóa án tích” đã bổ sung quy định mới về 03 loại người không bị coi là có án tích là người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng (1), tội phạm nghiêm trọng (2) và người được miễn hình phạt (3). Như vậy, so với BLHS năm 1999 là người được miễn hình phạt chỉ được đương nhiên xóa án tích (khoản 1 Điều 64) thì quy phạm này trong BLHS năm 2015 có lợi hơn cho người được miễn hình phạt vì họ “không bị coi là có án tích”.  

2) Tại khoản 2 Điều 70 “Đương nhiên được xóa án tích”, ngoài việc kế thừa 02 điều kiện cũ tại khoản 2 Điều 64 BLHS năm 1999 đã bổ sung thêm 03 điều kiện mới có lợi hơn đối với người đương nhiên được xóa án tích là: a) Hết thời gian thử thách án treo (nếu bị xử phạt án treo), đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án; b) Bổ sung các quy phạm về các thời hạn không được phạm tội mới đối với người này là 01 năm nếu bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo (điểm a); c) 02 năm nếu bị phạt tù đến 05 năm (điểm b); d) 03 năm nếu bị phạt tù trên 05 năm đến 15 năm  (điểm c); đ) 05 năm nếu bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án (đoạn 1 điểm d).

3) Tại khoản 3 Điều 70 bổ sung quy phạm mới về điều kiện đương nhiên được xóa án tích đối với người bị kết án đang chấp hành một số hình phạt bổ sung nhất định (như quản chế, cấm cư trú,...).

4) Tại khoản 4 Điều 70 ghi nhận 01 quy phạm mới về trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. 

5) Tại Điều 71 (gồm 03 khoản) ghi nhận một số sửa đổi, bổ sung các quy phạm về việc xóa án tích do Tòa án quyết định tại 3 khoản (1-3) nhưng thể hiện rõ xu hướng phân hóa TNHS nên vẫn theo hướng (như trong BLHS năm 1999) với các điều kiện nghiêm khắc hơn so với các điều kiện đương nhiên xóa án tích. 

6) Tại khoản 3 Điều 73 bổ sung quy phạm mới và cụ thể về cách tính thời hạn để xóa án tích đối với người phạm nhiều tội.

Gs.Tskh. Lê Văn Cảm; Ths. Đỗ Tuấn Anh