Đắk Lắk: Phê chuẩn Quyết định khởi tố, bắt giam nữ Giám đốc công ty nông sản
Ngày đăng : 15:54, 05/10/2022
Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 17/3/2021, Nguyễn Thị Thúy Kiều thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Đăng Anh (Công ty Đăng Anh) tại địa chỉ 30 Giải Phóng, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo (Công ty do Kiều làm Giám đốc, kinh doanh trong lĩnh vực mua bán nông sản).
Cơ quan chức năng tống đạt Quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Thúy Kiều. |
Phương thức kinh doanh của Công ty là thu mua nông sản và nhận ký gửi nông sản của các hộ dân trên địa bàn huyện rồi bán cho các doanh nghiệp thu mua nông sản khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Mắc dù Kiều đã mất khả năng trả nợ cho các chủ nợ và những người mua, bán, ký gửi cà phê, tiêu vào tháng 7/2021 nhưng vẫn tiếp tục đưa ra thông tin gian dối, mượn tiền của ông Ng.Q (trú tại huyện Ea H’leo) để thu mua cà phê, tiêu với tổng số tiền 640 triệu đồng, sau đó không thực hiện theo thỏa thuận mà sử dụng vào mục đích cá nhân. Khi đến hạn trả nợ, ông Ng.Q đòi tiền nhiều lần nhưng Kiều chỉ trả 200 triệu đồng và chiếm đoạt số tiền 440 triệu đồng.
Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".