Vợ Đường “Nhuệ” bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày đăng : 12:26, 29/09/2022

(Kiemsat.vn) - Nguyễn Thị Dương, vợ của Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) tiếp tục bị người dân tố cáo vì lừa bán đất không thuộc quyền sở hữu của Dương để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Duyên (sinh năm 1960, trú tại số nhà 95 đường Nguyễn Đình Chính Tổ 23 (tổ 37 cũ), phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) đã có đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Dương – Giám đốc công ty TNHH Đường Dương (trụ sở tại số 366, tổ 22, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; được biết, bà Nguyễn Thị Dương là vợ của Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường “Nhuệ”, người trước đó đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tuyên phạt 15 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Dự án Phát triển khu nhà ở và thương mại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

Bà Duyên cho biết, vào tháng 03/2020, bà Duyên biết được thông tin bà Dương đang bán đất nên vợ chồng bà Duyên đến Công ty TNHH Đường Dương (cũng là nhà ở của bà Dương) tại số nhà 366 Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Tại đây, bà Dương cho vợ chồng bà Duyên xem bản đồ quy hoạch dự án Phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Sau khi xem xong, bà Duyên cùng chồng đi đến thống nhất mua 02 lô đất SH1-SH2 (DVSH03) với diện tích 160,5m2 tại Khu 128 lô đất thuộc dự án trên với giá 12 tỷ đồng.

Ngày 20/03/2020, bà Duyên nộp tiền mặt cho Công ty TNHH Đường Dương tại số nhà 366 Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá với số tiền là 01 tỷ đồng để đặt cọc mua 02 lô đất nói trên. Sau khi nhaajn tiền, nhân viên của bà Dương giao cho bà Duyên 01 bản Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, đất có đóng dấu của Công ty TNHH Đường Dương nhưng chữ ký trên hợp đồng không phải của bà Nguyễn Thị Dương - Giám đốc công ty mà là của một người tên Trần Mạnh Cường.

Ngày 01/04/2020, bà Duyên có nhờ chồng là ông Trần Bình Minh thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của ông Minh mở tại Ngân hàng BIDV sang tài khoản của bà Dương cũng mở tại ngân hàng BIDV với số tiền là 3,6 tỷ đồng. Cùng ngày, bà Duyên nộp tiền mặt vào tài khoản của bà Dương với số tiền là 1,4 tỷ đồng. Sau đó, nhân viên của bà Dương giao cho bà Duyên 01 bản Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, đất ghi ngày 19/3/2020 và trong hợp đồng thể hiện nội dung đã nhận tổng số tiền đặt cọc là 06 tỷ đồng, bao gồm cả 01 tỷ đồng tiền mặt.

Tuy nhiên đến ngày 07/04/2020, bà Duyên được biết bà Nguyễn Thị Dương, Giám đốc Công ty TNHH Đường Dương đã bị bắt tạm giam sau khi thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

 Sau khi bà Dương bị bắt tạm giam, bà Nguyễn Thị Thanh và bà Nguyễn Thị Thái (là 02 chị gái của bà Dương) đã chủ động liên hệ với gia đình bà Duyên để hoàn trả lại tiền cho bà Duyên. Vào các ngày 03/06 và ngày 17/07 năm 2020, tại nhà bà Dương, bà Thái và bà Thanh đã trả số tiền là 3,2 tỷ đồng cho bà Duyên. Số tiền còn nợ lại là 2,8 tỷ đồng, bà Thái và bà Thanh cam kết sẽ tiếp tục trả, nhưng từ tháng 7/2020 đến nay bà Thái và bà Thanh vẫn chưa thực hiện trả thêm tiền cho bà Duyên và cũng không liên lạc được.

Sau khi tìm hiểu, bà Duyên mới được biết chủ đầu tư của dự án Phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình không phải là Công ty TNHH Đường Dương và Công ty TNHH Đường Dương cũng không có thẩm quyền ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán 02 lô đất SH1-SH2 (DVSH03). Bên cạnh đó, bà Thái và Thanh là người đứng ra cam kết trả nợ nhưng hiện không liên lạc được để trả số tiền còn lại là 2,8 tỷ đồng cho bà Duyên. Bà Duyên đã khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự để đòi quyền lợi và đã được Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình thụ lý số 06/2022/TL-DS ngày 07/03/2022. Tuy nhiên, sau đó bà Duyên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị xác minh, điều tra và khởi tố bà Dương, bà Thái và bà Thanh vì có dấu hiệu của hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Được biết, tại Quyết định số 941/QĐ-UBND ngày 01/04/2020 của UBND tỉnh Thái Bình, thì Công ty TNHH Nam Thái (có mã số doanh nghiệp 0600595750) mới là đơn vị được UBND tỉnh Thái Bình công nhận kết quả trúng đấu giá và đồng thời là chủ đầu tư thực hiện Dự án phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Thời điểm đó, công ty TNHH Nam Thái còn phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính 44 tỷ đồng cho nhà nước. Tuy nhiên, đến ngày 17/6/2020, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1735/QĐ-UBND hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, hủy quyết định công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án trên đối với Công ty TNHH Nam Thái.

Bình luận về vụ việc này, Luật sư Trần Tiến Quân (Công ty Luật TNHH Năm Châu thuộc đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, dưới góc độ pháp lý, “lừa đảo” là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi lừa đảo khác với hành vi “lừa dối” trong quan hệ dân sự.

Trong quan hệ dân sự, hành vi lừa dối làm cho giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không có yếu tố chiếm đoạt mà có thể chỉ là gây thiệt hại. Hành vi lừa đảo là đưa ra thủ đoạn gian dối khiến người khác trao tài sản rồi chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Đặc điểm nổi bật của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể, thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Để lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, người phạm tội sử dụng nhiều cách khác nhau như: Bằng lời nói dối, giả mạo giấy tờ, giả danh người có chức vụ quyền hạn, giả danh các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội để thông qua việc ký kết hợp đồng... Thực tế để xác định hành vi gian dối, thường căn cứ vào các chứng từ, tài liệu, giấy tờ giả …. mà đối tượng dùng để tạo niềm tin cho chủ tài sản, làm cho chủ tài sản tin tưởng để giao tài sản.

Về khung hình phạt đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Luật sư Trần Tiến Quân trích dẫn khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định về mức xử phạt đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên có thể nhận mức án từ 12 năm tù đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự, tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nguyễn Hòa