Thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức
Ngày đăng : 17:00, 28/09/2022
Ngày 28/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển”.
Tới dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Các đại biểu tham quan Triển lãm sách. |
Hội thảo Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022). Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, nhằm ôn lại những dấu mốc lịch sử của Ngành trong 70 năm qua; đánh giá những đóng góp của Ngành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như quá trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quý báu của Ngành, qua đó đóng góp ý kiến, quan điểm để hoạt động xuất bản, in và phát hành tiếp tục phát huy truyền thống, trí tuệ; đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực, tiềm lực của Ngành trong thời gian tới.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi sách, báo cách mạng là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng để thực hiện tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức quần chúng đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước đã được đổi mới đáng kể. Trong đổi mới, Ngành xuất bản tiếp tục đi tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.
Thực tế cho thấy tuy hoạt động xuất bản đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý; chưa có nhiều cuốn sách có giá trị cao, có sức lan tỏa mạnh trong xã hội; chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục chưa đáp ứng được yêu cầu. Văn hóa đọc tuy được cải thiện nhưng chưa thật bền vững. Công nghiệp xuất bản với tư cách là một bộ phận của công nghiệp văn hóa chưa phát triển đúng tầm. Tiềm lực của các nhà xuất bản còn hạn chế. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh còn có độ “vênh” nhất định. Phương thức xuất bản còn nhiều bất cập, việc ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 chưa đồng bộ. Bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phân cán bộ trong ngành còn hạn chế. Chế độ, chính sách đối với những người làm công tác xuất bản chưa tương xứng với lao động nặng nhọc của họ. Hoạt động in và phát hành trước những thách thức của kỷ nguyên số còn có phần lúng túng, dễ bị tụt hậu…
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý từ nhiều cơ quan, đơn vị xuất bản và cơ sở đào tạo trên cả nước. Từ hơn 70 bài tham luận được gửi đến, Ban Tổ chức đã lựa chọn hơn 40 bài để in trong Kỷ yếu Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá trên những nét cơ bản kết quả, thành tựu của hoạt động xuất bản, in, phát hành trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế và những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình này; Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như thực trạng thể chế pháp lý cho hoạt động xuất bản và công tác quản lý nhà nước về xuất bản, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động xuất bản; tác động của quá trình hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đến hoạt động xuất bản và những thách thức đặt ra cho hoạt động xuất bản bản; các giải pháp xây dựng ngành xuất bản Việt Nam theo hướng ngành công nghiệp văn hóa hiện đại; tập trung phân tích những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển xuất bản, in và phát hành sách trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu: “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá” theo tinh thần văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Trong suốt quá trình lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò đặc biệt của hoạt động xuất bản, Đảng ta luôn xác định xuất bản là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá".
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý kiến tâm huyết, làm việc khoa học của các chuyên gia, nhà quản lý, người làm xuất bản được thể hiện sâu sắc qua các tham luận, đồng thời yêu cầu các cơ quan tham mưu, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản tiếp thu tinh thần Hội thảo, đổi mới tư duy, có giải pháp triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, đồng thời giải quyết những vấn đề chiến lược của Ngành. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan lãnh đạo, quản lý trong việc chỉ đạo, định hướng, giám sát chặt chẽ và tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động xuất bản để Ngành thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh tình hình mới, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ: Với vai trò, trách nhiệm của mình, hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một binh chủng đặc biệt trong việc đấu tranh, phản biện, cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu, không lành mạnh; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tham quan Triển lãm sách gồm các sách về Văn kiện Đảng; sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sách về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; sách về xây dựng Đảng và các sách lý luận, chính trị.../.