Tăng cường công tác kiểm sát phát hiện vi phạm trong đấu giá tài sản thi hành án
Ngày đăng : 14:00, 27/09/2022
Trong thời gian qua, Cơ quan thi hành án dân sự (THADS) hai cấp thành phố Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế kê biên, ký hợp đồng dịch bán đấu giá tài sản thi hành án (THA) nhiều vụ việc với các tổ chức bán đấu giá tài sản (trung bình khoảng hơn 400 việc/năm). Trong đó, nhiều vụ việc có đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến việc kê biên, bán đấu giá tài sản; nhiều trường hợp bán đấu giá thành trong nhiều năm nhưng không giao được tài sản cho người trúng đấu giá; có trường hợp người trúng đấu giá đã khởi kiện hủy hợp đồng mua tài sản đấu giá, đòi bồi thường…
Trên thực tế đã xảy ra nhiều vi phạm của Cơ quan THADS; Chấp hành viên (CHV); tổ chức đấu giá; cá nhân có liên quan trong công tác kê biên, bán đấu giá tài sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích nhà nước và của các bên đương sự... Trong 6 tháng cuối năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, thông qua công tác kiểm sát, VKSND hai cấp thành phố Hà Nội đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra 04 tin báo có dấu hiệu tội phạm liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản THA. Tháng 9/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với CHV thuộc Chi cục THADS quận Đống Đa vì đã có hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động nghiệp vụ bán đấu giá tài sản THA.
Để nâng cao chất lượng khâu công tác này, thông qua công tác kiểm sát bán đấu giá tài sản THA, bài viết này tổng hợp một số vi phạm của CHV, tổ chức đấu giá, người tham giá đấu giá và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát bán đấu giá tài sản THA.
1. Một số vi phạm trong đấu giá tài sản thi hành án
- Cơ quan Thi hành án vi phạm trong việc kê biên tài sản đấu giá:
Việc CHV tiến hành kê biên để tiến hành đấu giá tài sản được thực hiện trong hầu hết các vụ việc kinh doanh thương mại có thế chấp tài sản nhưng bị đơn (người phải THA) không thanh toán được khoản vay của ngân hàng hoặc kê biên, đấu giá tài sản để thực hiện nghĩa vụ (bồi thường, thu hồi tiền nhà nước...) của người phải THA trong các vụ việc dân sự, hình sự... Tuy nhiên, khi kê biên tài sản để đấu giá, CHV không kiểm tra kỹ, lập biên bản ghi rõ, mô tả tình trạng từng tài sản của người phải THA theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật THADS năm 2014, dẫn đến sau khi tổ chức đấu giá tài sản thành đã phát sinh khiếu nại, tố cáo do tài sản đấu giá bị thừa hoặc thiếu so với hiện trạng tài sản thế chấp hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người phải THA. Qua công tác kiểm sát thi hành án, VKSND thành phố Hà Nội đã kháng nghị hủy kết quả đấu giá do có những vi phạm nêu trên của CHV.
- Tổ chức đấu giá tài sản vi phạm trong việc đăng tải thông tin đấu giá tài sản THA, tiếp nhận hồ sơ đấu giá:
Theo quy định khoản 1 Điều 57 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định “Đối với tài sản đấu giá là bất động sản thì tổ chức đấu giá phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất hai ngày làm việc”.
Tuy nhiên, một số tổ chức đấu giá nhằm bưng bít thông tin đấu giá đã không thực hiện việc đăng tải; đăng tải không đầy đủ hoặc có đăng tải nhưng đăng tải trên các tập san, tạp chí chuyên ngành (ví dụ: Tờ thông tin thị trường - giá cả vật tư) không thuộc danh sách các cơ quan báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Hoặc một số tổ chức đấu giá tuy có đăng tải thông tin đấu giá trên báo chí, trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản, nhưng nội dung thông tin tài sản đấu giá thiếu thông tin hoặc thông tin không rõ ràng, khó xác định (ví dụ: thông tin “tài sản đấu giá theo quy định pháp luật”), mục đích nhằm hạn chế khách hàng tham gia đấu giá...
- Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế đấu giá tài sản; việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá không đúng quy định pháp luật:
+ Một số tổ chức đấu giá tài sản khi ban hành Quy chế đấu giá đã quy định thời hạn nộp tiền đặt trước không đúng thời hạn 03 ngày làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật đấu giá tài sản (quy định không đủ 03 ngày hoặc đủ 03 ngày nhưng vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết…)
Khoản 2 Điều 39 Luật đấu giá tài sản quy định“Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp tổ chức đấu giá tài sản và người tham gia đấu giá có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá”.
+ Quy chế đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản quy định thời hạn tiếp nhận hồ sơ đấu giá không đủ thời hạn 02 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá. Cá biệt có tổ chức đấu giá không tiến hành bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá, vi phạm khoản 2 Điều 38 Luật đấu giá tài sản (ví dụ: Công ty đấu giá hợp danh Đông Đô đấu giá tài sản THA tại quận Nam Từ Liêm).
Khoản 2 Điều 38 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định “Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày”.
- Tổ chức đấu giá vi phạm trong việc cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá:
Theo quy định khoản 1 Điều 39 Luật đấu giá tài sản người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước từ 5% đến 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Khoản 2 Điều 39 Luật đấu giá tài sản quy định “Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá”.
Quy chế bán đấu giá tài sản của tổ chức đấu giá quy định điều kiện tham gia đấu giá của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá khi “đã nộp khoản tiền đặt trước mua tài sản trong thời hạn quy định của Thông báo bán đấu giá và Quy chế bán đấu giá”.
Tuy nhiên, một số trường hợp, người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước ngoài thời hạn 3 ngày làm việc theo quy định nhưng tổ chức đấu giá vẫn cho những người này tham gia đấu giá, có trường hợp những người này đã trúng đấu giá. Ví dụ: trường hợp ông Vũ Duy K đấu giá tài sản THA của Công ty đấu giá hợp danh Hưng Phát (Hà Nội), tài sản đấu giá tại quận Nam Từ Liêm; hoặc trường hợp ông Nguyễn Văn C đấu giá tài sản THA của Công ty đấu giá hợp danh Phúc Tín; tài sản đấu giá ở quận Long Biên. Các trường hợp vi phạm này, Viện kiểm sát đã kháng nghị hủy kết quả đấu giá.
- Tổ chức đấu giá vi phạm trong việc lựa chọn hình thức đấu giá; vi phạm khi thực hiện hình thức đấu giá gián tiếp:
+ Khoản 1 Điều 40 Luật đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức để tiến hành cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá không được tự lựa chọn một trong các hình thức để tiến hành đấu giá. Đồng thời, Điều 42 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định đấu giá bằng hình bỏ phiếu trực tiếp quy định số vòng bỏ phiếu. Đối với hình thức bỏ phiếu gián tiếp luật không quy định số vòng bỏ phiếu. Tuy nhiên, có tổ chức đấu giá tài sản lại quy định số vòng bỏ phiếu khi thực hiện hình thức bỏ phiếu gián tiếp, vi phạm Điều 43 Luật đấu giá tài sản.
+ Khoản 2 Điều 43 Luật đấu giá tài sản quy định: “Phiếu trả giá của người tham gia đấu giá phải được bọc bằng chất liệu bảo mật, có chữ ký của người trả giá tại các mép của phong bì đựng phiếu”. Tuy nhiên, một số cuộc đấu giá tài sản THA gần đây trên địa bàn Hà Nội đã có tình trạng khi Đấu giá viên của tổ chức đấu giá tiến hành kiểm tra phiếu (trong trường hợp đấu giá gián tiếp) đã phát hiện một số phiếu trả giá không còn nguyên vẹn, có hiện tượng bị bóc, cắt phong bì phiếu trả giá (ví dụ: cuộc đấu giá tài sản THA tại Công ty hợp danh đấu giá tài sản Đông Đô hoặc Công ty hợp danh đấu giá tài sản Phố Hiến). Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã chuyển các vụ việc này đến cơ quan Cảnh sát điều tra để xác minh làm rõ dấu hiệu tội phạm trong việc đấu giá tài sản THA của các công ty đấu giá nêu trên.
- Người trúng đấu giá không nộp tiền mua tài sản đấu giá đúng thời hạn quy định:
Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, quy định người trúng đấu giá mua được tài sản đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm.
Thực tế, đã xảy ra một số trường hợp hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày đấu giá thành, người trúng đấu giá mua được tài sản đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá. Cá biệt có trường hợp CHV lập biên bản đồng ý cho người trúng đấu giá được chậm nộp tiền mua tài sản trúng đấu giá thêm 03 tháng, như trường hợp của Chi cục THADS huyện Quốc Oai.
- Tổ chức đấu giá tài sản vi phạm trong việc trả lại tiền đặt trước cho người không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng:
Điểm a khoản 6 Điều 39 Luật đấu giá tài sản quy định: “Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây:
a) Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng”.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp người tham gia đấu giá sau khi đã nộp hồ sơ đấu giá và tiền đặt trước đã không tham gia cuộc đấu giá hoặc có đơn xin không đấu giá nữa vì không có nhu cầu... Những trường hợp này không thuộc trường hợp bất khả kháng nên người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước.
Khoản 8 Điều 39 Luật đấu giá tài sản quy định: “Khoản tiền đặt trước quy định tại khoản 6 điều này thuộc về người có tài sản. Trong trường hợp người có tài sản đấu giá là cơ quan nhà nước thì tiền đặt trược được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật, sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản”.
Với những vi phạm nêu trên của tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá, từ đầu năm 2022 đến nay, VKSND thành phố Hà Nội đã kiến nghị thu hồi tiền đặt trước của nhiều người tham gia đấu giá với số tiền hơn 13 tỷ đồng.
- Vi phạm của CHV trực tiếp thu tiền mua tài sản của người trúng đấu giá nhưng không nộp vào tài khoản đơn vị:
Điểm 3 khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của Cơ quan THADS.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát đã phát hiện CHV nhận trực tiếp tiền mua tài sản bán đấu giá của người tham gia đấu giá, nhưng CHV không nộp vào tài khoản của đơn vị, sử dụng tiền thu được vào việc cá nhân, không có khả năng khắc phục trong nhiều vụ việc bán đấu giá tài sản THA với số tiền lớn (hơn 10 tỷ đồng). Hành vi này của CHV đã cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự, Cơ quan điều tra đã khởi tố bắt tạm giam đối với CHV như trường hợp xảy ra ở Chi cục THADS quận Đống Đa.
2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát đấu giá tài sản THA
Việc phát hiện những vi phạm nêu trên của Cơ quan THADS; CHV; tổ chức đấu giá; cá nhân có liên quan trong đấu giá tài sản THA còn nhiều hạn chế, nhất là đối với Viện kiểm sát cấp huyện. Nguyên nhân chủ yếu là do, cơ quan THA; CHV; tổ chức đấu giá theo quy định pháp luật chủ động thực hiện việc đấu giá và lập hồ sơ. Viện kiểm sát cơ bản chỉ kiểm sát hoạt động đấu giá tài sản THA trên cơ sở hồ sơ THA do Cơ quan THADS cung cấp, nên trên trực tế một số vi phạm của CHV, tổ chức dấu giá, người tham gia đấu giá trong hồ sơ đã được CHV hợp thức hóa. Mặt khác, trên thực tế còn đặt vấn đề về hoạt động đấu giá tài sản THA của tổ chức đấu giá có phải là đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát hay không? Nói cách khác Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát hoạt động đấu giá tài sản THA của các tổ chức đấu giá hay không? Đến nay, Tổng cục THA - Bộ Tư pháp có quan điểm chưa thống nhất. Để nâng cao chất lượng khâu công tác này, thông qua thực tiễn công tác kiểm sát bán đấu giá tài sản THA, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:
Một là, đề nghị Lãnh đạo VKSND tối cao, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo Tổng cục THA - Bộ Tư pháp tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền kiểm sát đối với hoạt động đấu giá tài sản THA của các tổ chức đấu giá tài sản để VKSND các cấp thực hiện thuận lợi đúng quy định pháp luật trong quá trình kiểm sát. Liên quan vấn đề này, ngày 14/12/2017, Bộ Tư pháp có Công văn số 6484/BTP-BTTP cho rằng:“hoạt động đấu giá tài sản THA của các tổ chức đấu giá không thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân”. Gần đây nhất, ngày 08/4/2022, Bộ Tư pháp lại tiếp tục có Công văn số 1102/BTP-BTTP nêu ý kiến, quan điểm như trên.
Hai là, Liên ngành Tư pháp Trung ương sớm có hướng dẫn để giải quyết khó khăn, bất cập, liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản THA, như: Cách thức đăng tải thông tin đấu giá; việc người tham gia đấu giá trả giá như thế nào được coi là trúng đấu giá theo từng hình thức đấu giá; cách thức người tham gia đấu giá trả giá; quy định khung bước giá phù hợp theo giá khởi điểm…
Ba là, đề nghị Vụ 11 - VKSND tối cao tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ liên quan đến hoạt động kiểm sát bán đấu giá tài sản THA; đồng thời sớm xây dựng và ban hành quy trình, kỹ năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản THA.
Bốn là, Lãnh đạo VKSND các cấp cần quan tâm bố trí tăng cường cán bộ làm công tác kiểm sát THADS có năng lực chuyên môn, phù hợp với tính chất công việc, điều kiện của từng đơn vị. Thực tế cho thấy, một số đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện có nhiều vụ việc kiểm sát hoạt động đấu giá tài sản THA nhưng đơn vị mới chỉ bố trí được 01 đồng chí Kiểm sát viên kiêm nhiệm thực hiện khâu công tác này.
Năm là, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS cần nâng cao trách nhiệm, nghiên cứu, vận dụng các quy định pháp luật, quy chế của Ngành, thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm được giao; bám sát hồ sơ, hoạt động đấu giá tài sản THA của Cơ quan THADS, CHV và các tổ chức đấu giá tài sản, cá nhân có liên quan; tiến hành kiểm sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện vi phạm để thực hiện các biện pháp kiểm sát theo quy định Điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Điều 12 Luật THADS năm 2014.
Sáu là, VKSND các cấp cần xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan THADS để nắm thông tin liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản THA. Chủ động yêu cầu Cơ quan THADS cung cấp kịp thời hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản THA để tiến hành kiểm sát, phát hiện vi phạm, ban hành kháng nghị, kiến nghị theo thẩm quyền nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, của nhân dân.