Bàn về cách xác định thời gian bắt buộc chữa bệnh trong Bộ luật Hình sự
Ngày đăng : 08:00, 21/10/2022
1. Các quan điểm về cách xác định thời gian bắt buộc chữa bệnh
Khoản 3 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định về thời gian bắt buộc chữa bệnh (BBCB) như sau: “Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để BBCB. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian BBCB được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
Về cách xác định thời gian BBCB, có các quan điểm trái chiều, cụ thể là:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thời gian BBCB trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đều được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Theo đó, vấn đề đặt ra là trường hợp BBCB đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì thời gian BBCB đó có được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù không?
Theo điểm a khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Nghị quyết số 01/2018) thì: “Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian người đó bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ hoặc thời gian người đó bị BBCB trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không kể thời gian được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù”.
Do vậy, để đảm bảo công bằng giữa đối tượng đang được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện với đối tượng đang chấp hành án phạt tù khác thì thời gian BBCB đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thời gian BBCB trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đều được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
Cách hiểu này dựa trên căn cứ là: Trước đây, BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định một điều riêng về cách xác định thời gian BBCB tại Điều 44 như sau: “Căn cứ vào kết luận của cơ sở điều trị, nếu người bị BBCB quy định tại Điều 43 của Bộ luật này đã khỏi bệnh, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án xét và quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này.
Thời gian BBCB được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Thời gian BBCB của người phạm tội được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi và chỉ khi họ đang chấp hành hình phạt tù của một bản án có hiệu lực pháp luật. Tác giả đồng tình với quan điểm này. Bởi lẽ, Điều 44 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 không quy định rõ thời gian BBCB xảy ra trước khi bản án có hiệu lực, nhưng khoản 3 Điều 49 BLHS năm 2015 (về BBCB trong giai đoạn thi hành án) quy định thời gian BBCB được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Nói cách khác, thời gian BBCB xảy ra trước khi Tòa án xét xử không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Điểm a khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018 là văn bản hướng dẫn áp dụng các điều 66, 106 BLHS năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện, mà không hướng dẫn Điều 49 BLHS năm 2015. Do đó, không thể suy luận từ Nghị quyết số 01/2018 để cho rằng thời gian BBCB được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Ví dụ: Một người phạm tội ít nghiêm trọng, khung hình phạt tối đa là 03 năm tù. Sau khi khởi tố bị can, quá trình điều tra, bị can bị áp dụng biện pháp BBCB, vụ án được tạm đình chỉ điều tra cho đến khi bị can khỏi bệnh (04 năm). Sau khi phục hồi điều tra, vụ án sẽ được giải quyết như thế nào nếu thời gian BBCB dài hơn khung hình phạt tối đa của tội mà bị can đã phạm? Nếu vụ án được đưa ra xét xử, thì Hội đồng xét xử có trả tự do cho bị cáo tại Tòa không, trong khi Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (trả tự do cho bị cáo) không quy định trường hợp trả tự do vì thời hạn phạt tù ngắn hơn thời gian BBCB.
Bên cạnh đó, thời gian tạm đình chỉ điều tra do áp dụng biện pháp BBCB có được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không? Vấn đề này được Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp như sau: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà vụ án bị tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án (trừ trường hợp tạm đình chỉ do không xác định được bị can đang ở đâu và đã có quyết định truy nã) thì cần phải xác định là các hoạt động tố tụng được tạm dừng; thời gian tiến hành các hoạt động nhằm khắc phục lý do tạm đình chỉ, như: Bắt buộc chữa bệnh, giám định tư pháp, tương trợ tư pháp... sẽ được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án (không phải ra quyết định phục hồi).
Theo đó, các cơ quan tố tụng đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án nếu thời gian BBCB kéo dài hơn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này trái với nguyên tắc: “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật” (điểm a khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015). Theo tác giả, việc quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm ràng buộc các cơ quan tố tụng có trách nhiệm theo dõi, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, đưa ra hình phạt tương thích với hành vi phạm tội đó. Người phạm tội chỉ được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự do lỗi của các cơ quan tố tụng. Trường hợp này, người phạm tội bị áp dụng biện pháp BBCB nên vụ án phải kéo dài do đợi người phạm tội hồi phục; nhưng khi người phạm tội hồi phục thì có thể đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án dù đã thực hiện các thủ tục điều tra, truy tố, xét xử vì lý do thời gian chữa bệnh kéo dài dẫn tới hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm hại, không đảm bảo tính răn đe của pháp luật trong phòng, chống tội phạm.
2. Đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 49 BLHS năm 2015, theo hướng:
…“3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để BBCB. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
4. Thời gian BBCB chỉ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi người đó đang chấp hành một bản án có hiệu lực pháp luật. Thời gian BBCB không tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”./.