Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày đăng : 14:40, 22/09/2022
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn về xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại mức tự chủ tài chính và giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công;phân phối kết quả tài chính trong năm của đơn vị sự nghiệp công; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, quyết toán thu, chi kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; chế độ báo cáo về tình hình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công.
Đối với các nội dung khác liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công như: giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; việc phân phối sử dụng các nguồn tài chính; tự chủ về giao dịch tài chính và liên doanh, liên kết; hạch toán kế toán và các quy định khác), đơn vị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.
Thông tư cũng nêu rõ, việc giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, các văn bản khác quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Theo Thông tư, để quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị, khuyến khích người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ để thực hiện. Khi thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, đơn vị phải bảo đảm có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định, trừ các khoản được thực hiện khoán chi theo quy chế chi tiêu nội bộ và quy định của pháp luật.
Nội dung quy chế chi tiêu nội bộ bao gồm các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức, mức chi thống nhất trong đơn vị, đảm bảo phù hợp với chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của đơn vị sự nghiệp công và nguồn tài chính của đơn vị. Việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ cần được tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm xem xét, có ý kiến bằng văn bản yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại các nội dung chi chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Sau thời hạn nêu trên, nếu cơ quan quản lý cấp trên không có ý kiến, Thủ trưởng đơn vị ký ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ để triển khai thực hiện; đồng thời gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện và Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.
Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, Thủ trưởng đơn vị quyết định phương thức khoán chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc như: Sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện, nước, công tác phí và các khoản khoán chi khác; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoán chi được xác định chênh lệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định.
Chế độ quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiệm vụ chi thường xuyên không giao tự chủ, nguồn thu phí để lại chi nhiệm vụ không thường xuyên, nguồn vay nợ, viện trợ, nguồn khác (nếu có), đơn vị phải thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí.
Thông tư số 56/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2022 được áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam thực hiện theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Riêng các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không áp dụng quy định tại Chương VI Thông tư này.