Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm trật tự xã hội

Ngày đăng : 13:47, 14/09/2022

(Kiemsat.vn) - Từ một số tồn tại, hạn chế trong thực tiễn hoạt động ảnh hưởng tới chất lượng công tác THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm trật tự xã hội, trong phần này, tác giả bài viết đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm trật tự xã hội.

Trong những năm qua, toàn ngành Kiểm sát đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, đề ra các biện pháp phòng chống oan, sai, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Viện kiểm sát đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tố tụng hình sự tuy nhiên hoạt động thực hành quyền cồng tố, kiểm sát điều tra các vụ án trật tự xã hội (TTXH) vẫn còn có mặt hạn chế. Mặt khác, với sự gia tăng về mức độ, nghiêm trọng về tính chất của tội phạm và những thách thức trong bối cảnh mới đòi hỏi việc nâng cao hiệu quả công tác này phải được thực hiện đồng bộ với nhiều yếu tố. Trong đó, bên cạnh việc Viện kiểm sát các cấp phải chủ động ứng phó với tình hình tội phạm về TTXH trong thời gian tới, nắm bắt mức độ, cơ cấu, diễn biến, tính chất của tội phạm; tiếp tục tăng cường thực hiện cải cách tư pháp, tăng cường công tố trong điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo đảm các quyền bào chữa của bị can, bị cáo; thực nghiêm nghiêm chỉnh quy chế nghiệp vụ và chỉ thị công tác của ngành cũng như linh hoạt đáp ứng những thay đổi về tình hình kinh tế xã hội, đối đầu với những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tình hình dịch bệnh, tình trạng thất nghiệp, mâu thuẫn xã hội gia tăng…thì cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng như sau:

Hoàn thiện pháp luật hình sự

Một là, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, khắc phục tình trạng còn những “quy định chung chung”, nhất là một số tình tiết định khung tăng nặng như: “phạm tội có tính chất côn đồ”, “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”...; ban hành  hướng dẫn về để làm rõ các dấu hiệu pháp lý phân biệt một số tội danh, khung hình phạt thực tế thường gặp khó khăn như giữa tội “giết người” trong trường hợp chưa đạt với tội “cố ý gây thương tích”, tội “giết người” trong trường hợp hoàn thành” với tội “cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người”; khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự; xác định rõ cấu thành tội làm giả, sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức; phân biệt Điều 173,174,175 với Điều 290; xác định tình tiết định khung tại các điều Điều 174,175 đối với trường hợp số tiền chiếm đoạt được thực tế khác với ý thức chủ quan ban đầu; dấu hiệu của các hành vi liên quan đến tín dụng đen, cho vay lãi nặng…

Hai là, ban hành hướng dẫn cụ thể về một số tình tiết mới quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), pháp điển lại toàn bộ các hướng dẫn BLHS năm 1999 đã hết hiệu lực, nhất là đối với các tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, “có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh”, “có tính chất côn đồ”, “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; ...

Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự

Một là, sửa đổi để khắc phục mâu thuẫn trong quy định giữa thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thực hiện được việc gặp người bị tố giác hoặc người có liên quan để yêu cầu cung cấp tài liệu, đồ vật; quy định cụ thể thời hạn Viện kiểm sát phải giải quyết tranh chấp về thẩm quyền; quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát địa phương trong về hướng dẫn hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã; quy định về nhập tố giác, tin báo tội phạm; quy định về thời hạn Cơ quan điều tra phải bổ sung tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát; hướng dẫn cụ thể, thống nhất về thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm phạm tội; hướng dẫn thống nhất về xác định thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố; hướng dẫn thực hiện việc dẫn giải bị hại trong trường hợp bị hại từ chối giám định, người bị tố giác cố tình không có mặt theo giấy mời; hướng dẫn thống nhất về biện pháp thực hiện, quy trình tiếp nhận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng; ...

Hai là, ban hành quy định về các biện pháp cưỡng chế; xử lý vật chứng trong giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; quy định về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc tiếp nhận, xác minh, lập hồ sơ ban đầu của Công an cấp xã; các biện pháp nhận dạng, đối chất, thực nghiệm điều tra trong xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Ba là, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp vì lý do khách quan mà không yêu cầu được cá nhân, tổ chức cung cấp các tài liệu có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Bổ sung các quy định trong Bộluật TTHS năm 2015 và TTLT 01/2017 về về nhập tố giác, tin báo tội phạm; bổ sung thời hạn Viện kiểm sát phải giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; bổ sung quy định chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp không thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm luật định trong phối hợp tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, hoặc có phối hợp thực hiện nhưng còn chậm, kéo dài; quy định rõ về thời hạn Cơ quan điều tra phải bổ sung tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát khi quyết định không khởi tố vụ án hình sự; bổ sung quy định trường hợp khi CQĐT đã ra kết luận điều tra và đình chỉ vụ án do bị hại, người đại diện rút đơn yêu cầu khởi tố thì phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát …

Bốn là, ban hành hướng dẫn thống nhất về biện pháp, quy trình tiếp nhận, theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung vào xác định giá trị nguồn thông tin để thống nhất nhận thức nhằm tổ chức tiếp nhận đầy đủ các tin báo về tội phạm trên; ban hành hướng dẫn thực hiện việc dẫn giải bị hại trong trường hợp bị hại từ chối giám định theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS; thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định tại Điều 57 BLTTHS; hướng dẫn quy định về nhận dạng, đối chất trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm...; hướng dẫn xử lý trường hợp đã thời hạn giải quyết tin báo CQĐT ra Quyết định không khởi tố vụ án nhưng Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ; hướng dẫn xử lý trong trường hợp ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu trong quá trình điều tra, truy tố phát hiện bị can còn thực hiện hành vi phạm tội có cùng tội danh mà chưa bị khởi tố theo hướng quy định rõ hành vi phạm tội khởi tố bổ sung là hành vi thực hiện trước hay sau khi bị khởi tố; hướng dẫn trường hợp đang điều tra vụ án mà xác định hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nặng hơn trong cùng một điều luật…, thì căn cứ vào kết quả điều tra, CQĐT sẽ ra lệnh tạm giam mới thay thế lệnh tạm giam trước đó, trong đó vẫn áp dụng quy định thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng hơn nhưng phải trừ thời hạn đã điều tra, tạm giam trước đó; hoàn thiện việc xây dựng hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ…

Năm là, trên cơ sở quy định của pháp luật Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát các cấp cần tích cực xây dựng các quy chế, quy định hoặc cơ chế khác để phối hợp chặt chẽ ngay từ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và xuyên suốt những giai đoạn tố tụng tiếp theo. Việc phối hợp phải mang tính chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, có tính ràng buộc trách nhiệm thực hiện từ Lãnh đạo cho đến Kiểm sát viên, Điều tra viên. Các cơ chế này phải phù hợp với quy định của Hiến pháp, quán triệt các nguyên tắc cơ bản về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra trong tố tụng hình sự nói chung và trong hoạt động điều tra các vụ án nói riêng. Trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng, của những ngư­ời tiến hành tố tụng tạo điều kiện cho từng chủ thể góp phần nâng cao hiệu quả điều tra các vụ án hình sự, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, cần có quy định phối hợp liên ngành và ngành dọc cấp trên để cùng đánh giá chứng cứ xác định tội danh trong những trường hợp phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau, duy trì đều đặn chế độ họp liên ngành để phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Ths. Trần Đình Hải